Biện pháp kinh tế trong quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP

Biện pháp kinh tế trong quản lý, bảo vệ (QLBV) biên giới của BĐBP là một trong 7 biện pháp công tác của BĐBP. Mặc dù biện pháp kinh tế được áp dụng từ lâu và được kết hợp chặt chẽ, đan xen với các biện pháp công tác khác của BĐBP, nhưng chỉ được xác định là biện pháp công tác riêng khi Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 và được quy định cụ thể tại Điều 20.

Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tặng bò giống cho người dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Ảnh: Trung Dũng

Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tặng bò giống cho người dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Ảnh: Trung Dũng

Do đây là biện pháp công tác mới, được bao quát trong phạm vi rộng nên việc hiểu và áp dụng trong thực tiễn công tác của các cơ quan, đơn vị BĐBP sẽ không tránh khỏi lúng túng, vướng mắc, do đó vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành quy định về biện pháp kinh tế nhằm cụ thể hóa các nội dung của biện pháp này. Trên cơ sở quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Hướng dẫn số 3456/HD-BĐBP ngày 8/7/2024 để các cơ quan, đơn vị thống nhất thực hiện.

Biện pháp kinh tế trong QLBV biên giới của BĐBP gồm 7 nội dung, cụ thể như sau:

1. Tham mưu về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực biên giới, cửa khẩu có liên quan đến nhiệm vụ QLBV chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội của BĐBP.

2. Sử dụng lợi ích kinh tế phục vụ nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

3. Sử dụng lợi ích kinh tế để động viên, khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ BĐBP trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

4. Sử dụng lợi ích kinh tế để thúc đẩy quan hệ với chính quyền, lực lượng chức năng các nước láng giềng; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

5. Phòng, chống lợi dụng hoạt động kinh tế để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

6. Tham gia thẩm định các dự án phát triển KT-XH ở khu vực biên giới, cửa khẩu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

7. Tham gia phát triển KT-XH ở khu vực biên giới, cửa khẩu, ưu tiên địa bàn quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Về cơ bản, nội dung biện pháp kinh tế trong QLBV biên giới của BĐBP không nằm ngoài nội hàm của biện pháp kinh tế trong bảo vệ an ninh quốc gia được quy định trong Luật An ninh quốc gia. Để hiểu rõ nội hàm của từng nội dung biện pháp kinh tế nêu trên, xin được trao đổi thêm như sau:

Đối với nội dung thứ nhất, đây chính là thể hiện chức năng tham mưu của BĐBP đối với công cuộc phát triển KT-XH ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đó là việc BĐBP các cấp căn cứ quy định của pháp luật, tình hình an ninh, trật tự, kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và phía biên giới đối diện để chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách phát triển KT-XH đảm bảo gắn với nội dung, yêu cầu nhiệm vụ QLBV biên giới quốc gia, duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc tham mưu thể hiện qua sự chủ động đưa nội dung, yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội khi tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án; đánh giá tác động của các chủ trương, chương trình, kế hoạch, dự án được triển khai ở khu vực biên giới, cửa khẩu để kiến nghị những giải pháp phát triển KT-XH không làm ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội và quan hệ đối ngoại.

Đối với nội dung thứ hai, thể hiện việc sử dụng lợi ích vật chất, kinh tế của lực lượng nghiệp vụ BĐBP trong triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh chuyên án, điều tra vụ án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP được pháp luật quy định và để động viên, khen thưởng kịp thời những người giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ BĐBP phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đối với nội dung thứ ba, chủ yếu được thực hiện gắn với công tác vận động quần chúng, huy động sức dân tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đó là: (i) Thực hiện khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, tích cực tham gia tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia; có thành tích xuất sắc trong các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; (ii) Tặng quà, bồi dưỡng nghiệp vụ những người có uy tín, làm nòng cốt để phát huy vai trò tích cực trong tuyên truyền, vận động, tập hợp, huấn luyện, giáo dục và hướng dẫn quần chúng nhân dân; (iii) Phối hợp tham mưu, đề xuất thực hiện đền bù cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản; chế độ, chính sách cho cá nhân bị tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm khi tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; (iv) Tổ chức các phong trào, chương trình, mô hình của BĐBP về xây dựng, phát triển KT-XH ở khu vực biên giới nhằm tạo thuận lợi trong việc vận động, tập hợp nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; (v) Thực hiện chế độ, chính sách đối với trường hợp khẩn cấp phải huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đối với nội dung thứ tư, được áp dụng trong biện pháp ngoại giao của BĐBP để tăng cường giao lưu, hợp tác, hữu nghị với chính quyền và nhân dân nước láng giềng. Những nội dung chính là hỗ trợ chính quyền tỉnh, huyện, xã biên giới đối diện phát triển kinh tế, tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; xây dựng công trình phục vụ dân sinh hoặc hỗ trợ cán bộ chính quyền, lực lượng vũ trang, cơ quan chức năng đưa gia đình sang Việt Nam nghỉ dưỡng, tham quan nhằm xây dựng, tăng cường, củng cố, mở rộng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới và duy trì hiệu quả công tác phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng nước có chung đường biên giới trong QLBV biên giới quốc gia.

Đối với nội dung thứ năm, đây là nội dung quan trọng trong biện pháp kinh tế bảo vệ an ninh quốc gia nhằm quản lý, giám sát, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng hoạt động kinh tế, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khai thác tài nguyên, khoáng sản xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, thu thập tin tức tình báo, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đối với nội dung thứ sáu, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, cửa khẩu, BĐBP các cấp căn cứ quy định của pháp luật, điều ước quốc tế và thỏa thuận có liên quan giữa Việt Nam với các nước láng giềng, có trách nhiệm đánh giá, thẩm định, tham gia ý kiến về các yếu tố liên quan đến quốc phòng - an ninh và công tác QLBV biên giới đối với những dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các dự án có yếu tố nước ngoài, đầu tư vào địa bàn chiến lược, quan trọng về quốc phòng - an ninh, trước khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai.

Đối với nội dung thứ bảy, thực hiện chức năng “đội quân sản xuất”, các cơ quan, đơn vị BĐBP trực tiếp là chủ đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh để tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, thông qua hoạt động kinh tế, các đơn vị nghiệp vụ BĐBP thành lập tổ, đội kinh tế để tạo bình phong thực hiện biện pháp nghiệp vụ trong QLBV biên giới quốc gia. Ngoài ra, BĐBP còn là chủ thể của các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện cho nhân dân định canh, định cư, sinh sống ổn định, lâu dài, bền vững ở khu vực biên giới gắn với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tự quản đường biên, cột mốc quốc giới; xây dựng “thế trận lòng dân” tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Khánh (Cục Trinh sát BĐBP)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bien-phap-kinh-te-trong-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-cua-bdbp-post483089.html