Biện pháp nào ngăn chặn những đứa trẻ hư thích bạo lực, gây rối?
4/6 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm vào tuần đầu tháng 8-2022 là các vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng mà đối tượng và bị hại đều là những đứa trẻ chưa thành niên, đã gióng lên hồi chuông về sự thiếu quản lý từ các gia đình.
Những lý do “từ trên trời rơi xuống”
Một trong 4 vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm vào những ngày đầu tháng 8-2022 là cuộc “hội ngộ” của gần 20 nam thanh, nữ tú, mà nguyên nhân xuất phát từ những lời chửi bới trên mạng xã hội của 2 cô gái - bạn gái mới và bạn gái cũ của một nam thanh niên.
2 cô gái đều ở độ tuổi sinh năm 2006, đều gọi thêm bạn bè cùng đến tham gia “chiến đấu” và trong số đó, có đối tượng đã mang theo hung khí.
Vụ việc may mắn không để lại hậu quả nghiêm trọng và cả 2 bên gia đình đều có đơn xin bãi nại, nên đến thời điểm này, cơ quan công an cũng không đề cập xử lý.
Trước đó, cũng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, do mâu thuẫn trên mạng xã hội từ 1 năm trước, đã xảy ra một vụ cố ý gây thương tích nằm ngoài chủ đích của bị hại. N.V.D (SN 2006) và P.V.M (SN 2004), cùng trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm tham gia hội nhóm trên mạng xã hội và có mâu thuẫn với T (SN 2000) ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Sáng 24-7, khi đi ăn sáng, do không biết mặt T nên khi thấy một người giống T, M đã ra hỏi “có phải T không”, nhưng nam thanh niên không trả lời. Thấy vậy, M đã lấy chai bia của cửa hàng đập vào đầu T. Nam thanh niên sợ hãi bỏ chạy. D thấy M đuổi theo liền cầm theo một con dao bấm hỗ trợ, vung trúng đùi T khiến anh này bị thương.
Cùng thời điểm tháng 7-2022, trên địa bàn quận Long Biên cũng xảy ra một vụ việc rùm beng không kém. Ngày 24-7, cơ quan Công an phát hiện 2 nhóm thanh niên khoảng 80 người, di chuyển trên xe máy, có mang tuýp sắt gắn dao phóng lợn để đánh nhau tại đường Nguyễn Văn Linh, thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Các đơn vị nghiệp vụ đã khống chế, bắt giữ 15 đối tượng vi phạm, đưa về trụ sở để xử lý.
Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ, ngày 22-7, Nguyễn Thị Hà Oanh (SN 2006) trú tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội xảy ra mâu thuẫn trên mạng xã hội với Nguyễn Duy Vũ (SN 2005). Hai bên hẹn đánh nhau tại khu vực Nhà thi đấu huyện Gia Lâm. Bạn của Oanh là Nguyễn Trung Kiên nhắn tin cho Dương và Nguyễn Ngọc Sơn (SN 2004, trú tại huyện Gia Lâm chuẩn bị 8 hung khí.
Về phía Vũ cũng “hội quân” ở các khu vực Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ… Các đối tượng tham gia đều sinh năm 2006, 2007, cá biệt có Trần Gia Bách (SN 2009) trú tại quận Đống Đa, Hà Nội. Trong nhóm có đối tượng mang theo 1 con dao nhọn, các đối tượng còn lại cầm theo vỏ chai thủy tinh làm hung khí.
Để “xử” đối thủ, hai bên rủ rê, lôi kéo thêm nhiều bạn bè trên mạng xã hội cùng tham gia. Trong lúc di chuyển trên Quốc lộ 5 từ hướng ngã tư Trâu Quỳ đi lên đường Nguyễn Văn Linh thì hai nhóm đụng độ. Tại đây, các đối tượng đã đuổi nhau ném vỏ chai thủy tinh, dùng tuýp gắn dao nhọn để đâm, chém nhau. Hậu quả, làm 2 người bị thương.
Khó khăn trong xử lý những đứa trẻ hư
Thực tế hiện nay, một bộ phận trẻ chưa thành niên thiếu sự quản lý của gia đình, không quan tâm đến con cái mình làm gì, chơi với ai.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến những đứa trẻ phải học online trong thời gian 2 năm qua đã khiến việc tiếp xúc với môi trường xã hội bên ngoài hạn chế, mâu thuẫn trên mạng xã hội gia tăng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích mà nạn nhân và thủ phạm đều là những đứa trẻ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Việt, Trưởng Công an xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho hay, khi mời cha mẹ, người giám hộ của những đứa trẻ vi phạm pháp luật lên làm việc, nhiều gia đình “phong cách” của bố mẹ cũng hệt như con với những mái đầu nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, trên người xăm chỗ nọ, trổ chỗ kia, thì đặt ra vấn đề giáo dục con như thế nào?
“Và từ đó, việc những đứa trẻ a dua theo chúng bạn, mang hung khí lê la trên các tuyến đường cũng là điều dễ xảy ra, nhất là tại các vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh” - chỉ huy Công an xã An Thượng đánh giá.
Trao đổi với chúng tôi, chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm nhìn nhận, có những đứa trẻ phạm tội trong một số vụ án xảy ra trên địa bàn thời gian qua chưa đủ 16, hoặc từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi và đây đều là những người được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. “Trẻ chưa đủ 16 tuổi thậm chí còn không ra quyết định xử phạt hành chính bằng tiền mà chỉ cảnh cáo hoặc trẻ trong độ tuổi từ 16-18 mức xử phạt hành chính chỉ bằng 1/2 mức thông thường” - chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm cho hay. Trong khi đó, hành vi của các đối tượng cũng không phải thuộc mức độ phạm tội ít nghiêm trọng.
“Việc những đứa trẻ chưa thành niên bỏ học, kéo lê hung khí là những con dao phóng gắn kèm tuýp sắt, hay vỏ chai bia, dao kiếm để đi hỗn chiến thật sự đe dọa tính mạng không chỉ của chính các đối tượng, mà còn của người đi đường và có thể xếp vào loại hành vi nguy hiểm” - chỉ huy CAQ Long Biên đánh giá.
Song căn cứ vào chính sách pháp luật dành cho trẻ chưa thành niên, hầu hết các hành vi vi phạm đều bị xử lý ở mức nhẹ nhất, tạo điều kiện cho các em được làm lại cuộc đời với tương lai rộng mở ở phía trước.
Cùng với đó, các gia đình vì tương lai của những đứa trẻ đều tự nguyện hòa giải, làm đơn bãi nại cho đối tượng gây thương tích cho con em mình.
Với sự nghiêm minh của pháp luật, hành vi phạm tội phải bị xử lý nhưng vẫn “nương tay” với những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi, vô lo, vô nghĩ.
Do đó, để ngăn chặn được hành vi phạm tội của những đứa trẻ, không thể dùng biện pháp mạnh mà cần hơn đó là sự quan tâm, giáo dục của chính gia đình, nhà trường, ngăn chặn những mâu thuẫn “từ trên trời rơi xuống” nhưng lại dẫn đến hậu quả khôn lường.