Biện pháp tại nhà cải thiện ngạt mũi do viêm xoang

Thời tiết chuyển mùa, không khí khô hanh là điều kiện cho bệnh viêm xoang khởi phát. Ngạt mũi là một trong những biểu hiện thường gặp nhưng gây khó chịu cho người bệnh.

Viêm xoang xảy ra khi có sự xâm nhập của các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, khiến các lớp niêm mạc hô hấp lót trong các xoang bị viêm. Tình trạng viêm có thể xảy ra ở một xoang hoặc nhiều xoang.

Khi bị viêm xoang, lớp niêm mạc bị phù nề, gây tăng tiết nhầy khiến các xoang bị tắc nghẽn. Biểu hiện chính là ngạt mũi, nhức đầu…

Theo TS. Vikas Verma, Giám đốc Trung tâm sức khỏe Shashvat Ayurveda, thuộc thành phố Chandigarh, Ấn Độ, ngạt mũi là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm xoang nhưng bạn có thể khắc phục bằng một số bài tập yoga cơ bản hàng ngày và các biện pháp khắc phục tại nhà.

1. Các biện pháp yoga giúp thông mũi, giảm viêm xoang

- Thở luân phiên bằng mũi: Đây là kỹ thuật thở giúp loại bỏ mọi tắc nghẽn trong cơ thể, làm sạch đường mũi, làm dịu hệ thần kinh và tâm trí.

Cách thực hiện

Ngồi ở tư thế thoải mái nhất, nhắm mắt lại và thư giãn.
Bịt lỗ mũi phải bằng ngón tay cái bên phải và bắt đầu hít vào bằng lỗ mũi trái.
Thở ra bằng lỗ mũi phải đồng thời bịt lỗ mũi trái.
Lặp lại quá trình này 5-10 lần.

Cách thực hiện thở luân phiên.

Cách thực hiện thở luân phiên.

- Thở ong: Biện pháp thở này làm giảm căng thẳng và tắc nghẽn, rất hữu ích cho những người bị ngạt mũi do viêm xoang.

Cách thực hiện:

Ngồi ở tư thế thoải mái trên thảm tập yoga và dùng ngón tay cái nhẹ nhàng bịt lỗ tai và nhắm mắt lại.
Bây giờ hãy hít thật sâu rồi phát ra tiếng vo ve như tiếng ong.
Lặp lại quá trình 5-7 lần.

Tư thế thở ong giảm căng thẳng và ngạt mũi.

Tư thế thở ong giảm căng thẳng và ngạt mũi.

- Tư thế góc cố định nằm ngửa: Tư thế này giúp tăng cường sức khỏe hô hấp, cải thiện khả năng thở, giảm căng cơ hông và thư giãn sâu.

Cách thực hiện

Nằm ngửa, gập đầu gối và đặt lòng bàn chân vào nhau.
Để đầu gối thả lỏng.
Lòng bàn tay đặt gần hông và áp xuống sàn
Thở sâu.
Giữ nguyên trong 5 đến 10 phút.

Tư thế nằm ngửa cố định.

Tư thế nằm ngửa cố định.

2. Một số biện pháp khác

- Làm sạch mũi: Phương pháp này có tác dụng làm ấm niêm mạc mũi, làm sạch chất nhầy và bụi bẩn trong đường mũi, giảm ngạt mũi, tắc nghẽn mũi do viêm xoang.

Cách thực hiện

Hòa một thìa muối không iod vào nước ấm.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ như xi lanh (bỏ kim tiêm), bình xịt mũi, ống hút mũi hoặc bình rửa mũi rồi đổ dung dịch nước muối vào để xịt hoặc rửa mũi.
Thực hiện ở cả hai bên mũi.

Làm sạch mũi ngăn ngừa tắc nghẽn.

Làm sạch mũi ngăn ngừa tắc nghẽn.

- Sử dụng nghệ và mật ong: Nghệ có đặc tính chống oxy hóa, kháng viêm, có tác dụng diệt khuẩn, giúp ngăn ngừa các triệu chứng viêm xoang.

Cách sử dụng: Trộn 1/2 thìa bột nghệ với 1 thìa mật ong trong nước nóng. Khuấy đều và uống hàng ngày.

- Trà gừng: Gừng có vị cay nồng, tính ấm giúp tán hàn, hành khí. Ngoài ra, gừng còn có đặc tính chống viêm, sát khuẩn, giảm ho, giải cảm cúm, tiêu đờm, hạn chế chất ngầy gây tắc nghẽn đường thở.

Cách pha trà gừng: Cắt gừng thành lát, đun sôi với nước. Sau đó thêm mật ong và chanh vào nước gừng. Uống hỗn hợp trà gừng 2-3 lần một ngày.

Gừng vị cay, tính ấm giúp làm giảm ngạt mũi do viêm xoang.

Gừng vị cay, tính ấm giúp làm giảm ngạt mũi do viêm xoang.

- Xoa bóp vùng mặt: Bạn có thể thực hiện xoa bóp vùng sống mũi một cách nhẹ nhàng, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, day ấn sụn xương mũi và cánh mũi trong khoảng 2-3 phút, hít thở đều để giảm tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện xoa bóp vùng mắt, vuốt và bẻ đầu mũi qua lại, xoa xoang giúp khí huyết lưu thông, giảm triệu chứng ngạt mũi.

Mời bạn xem tiếp video:

Viêm xoang: Cảnh báo về biến chứng nguy hiểm | SKĐS

Lê Mỹ Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-phap-tai-nha-cai-thien-ngat-mui-do-viem-xoang-169231026111238404.htm