Biện pháp xây dựng lòng tin
Tình hình khu vực Trung Ðông bị bao trùm bởi bầu không khí đầy hoài nghi giữa I-ran với Mỹ và đồng minh I-xra-en. Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược tới khu vực, trong khi I-xra-en cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ tiến công do I-ran đứng đằng sau vào dịp quốc gia Hồi giáo kỷ niệm một năm ngày tướng Xô-lây-ma-ni bị sát hại.
Tình hình khu vực Trung Ðông bị bao trùm bởi bầu không khí đầy hoài nghi giữa I-ran với Mỹ và đồng minh I-xra-en. Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược tới khu vực, trong khi I-xra-en cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ tiến công do I-ran đứng đằng sau vào dịp quốc gia Hồi giáo kỷ niệm một năm ngày tướng Xô-lây-ma-ni bị sát hại.
I-ran vừa kỷ niệm một năm ngày tướng Xô-lây-ma-ni, Chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC), bị chết trong vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế của I-rắc. Ðối với I-ran, việc Tướng Xô-lây-ma-ni thiệt mạng không đơn giản là mất đi một vị tư lệnh chiến trường, mà hơn thế, ông là một biểu tượng về khả năng chống cự của I-ran trước các sức ép bên ngoài. Một năm, kể từ sau khi xảy ra vụ việc, quan hệ Mỹ - I-ran "căng như dây đàn" và Mỹ luôn cảnh giác trước những hành động trả đũa từ phía I-ran sau khi Tê-hê-ran nhiều lần tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi và việc tiếp tục xảy ra vụ nhà khoa học hạt nhân I-ran bị ám sát vào thời điểm gần cuối năm 2020 đã như "giọt nước tràn ly" làm gia tăng sự tức giận của I-ran đối với Mỹ và đồng minh. I-ran cáo buộc I-xra-en, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Ðông, đứng sau vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân.
Căng thẳng ở khu vực khiến thời gian gần đây, Mỹ và I-xra-en gia tăng các động thái nhằm ngăn chặn "mối đe dọa" từ I-ran. Lầu năm góc liên tục biểu dương sức mạnh quân sự ở vùng Vịnh. Mới đây nhất, quân đội Mỹ đã điều hai máy bay ném bom chiến lược B-52H tới Trung Ðông trong động thái được cho là nhằm "răn đe" I-ran và ngăn ngừa các vụ tiến công nhằm vào lợi ích của Mỹ trong khu vực. Ðây là đợt triển khai máy bay ném bom chiến lược lần thứ ba đến vùng hoạt động của Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) trong 45 ngày. CENTCOM nêu rõ, việc triển khai hai máy bay ném bom chiến lược nhằm thể hiện "cam kết của quân đội Mỹ đối với an ninh khu vực và năng lực vô song về triển khai nhanh chóng sức mạnh chiến đấu áp đảo trong thời gian ngắn". Tuyên bố nhấn mạnh, động thái này cũng chuyển tải một thông điệp răn đe rõ ràng rằng, Mỹ sẵn sàng và có khả năng ứng phó bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào người Mỹ hoặc lợi ích của Mỹ.
Truyền thông khu vực nhận định, việc Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược đến Trung Ðông phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh khu vực, trong bối cảnh Ðại sứ quán Mỹ ở "Vùng xanh" thuộc thủ đô Bát-đa của I-rắc liên tiếp hứng chịu các vụ tiến công bằng rốc-két. Phía Mỹ cáo buộc I-ran đứng đằng sau các vụ tiến công này. Trong khi đó, I-xra-en mới đây lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra thêm các vụ tiến công từ I-ran nhằm vào người Mỹ ở I-rắc. Cáo buộc này đã thổi bùng "lửa giận" của I-ran đối với I-xra-en. I-ran cảnh báo Mỹ nên cẩn thận nếu không sẽ mắc phải "bẫy" do I-xra-en dựng lên nhằm kích động các động thái chống Tê-hê-ran.
I-ran đã thiết lập hệ thống phòng không và thiết bị định vị ra-đa của lực lượng hàng không vũ trụ thuộc IRGC để bảo vệ các cơ sở thiết yếu trong chương trình hạt nhân khỏi các cuộc tiến công nhằm phá vỡ quá trình làm giàu u-ra-ni. Biện pháp phòng ngừa được triển khai ráo riết ở tỉnh I-xpha-han, nơi có nhà máy Na-tan. Ðồng thời, I-ran cũng thể hiện thái độ cứng rắn thông qua việc gia tăng cấp độ làm giàu u-ra-ni. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, I-ran đã thông báo về dự định sản xuất u-ra-ni với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, vượt xa ngưỡng cam kết theo thỏa thuận hạt nhân mà I-ran ký với các cường quốc năm 2015.
Ngày 3-1 vừa qua, hàng chục nghìn người tập trung tại quảng trường trung tâm ở thủ đô Bát-đa của I-rắc để hô khẩu hiệu phản đối Mỹ trong sự kiện đánh dấu một năm ngày Mỹ không kích sân bay quốc tế tại thủ đô Bát-đa, khiến tướng I-ran bị chết. Những người tham gia tuần hành hưởng ứng lời kêu gọi của Các lực lượng huy động nhân dân I-rắc, vốn được cho là do I-ran hậu thuẫn. Ðộng thái này cho thấy, việc "ăn miếng trả miếng" giữa I-ran và Mỹ đã không giải quyết được các bất đồng mà chỉ càng thổi bùng lên "lửa hận thù" ở khu vực. Những hoài nghi sẽ không thể được giải tỏa nếu các bên liên quan không có các biện pháp xây dựng lòng tin, thay đối đầu bằng đối thoại.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/bien-phap-xay-dung-long-tin-630665/