Biện pháp xây dựng lòng tin

Hội đồng Bảo an (HÐBA) Liên hợp quốc (LHQ) vừa họp định kỳ về tình hình Xy-ri trong bối cảnh đánh dấu 10 năm xảy ra cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Ðông. HÐBA kêu gọi quốc tế cần nỗ lực thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan, nhằm chấm dứt một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới.

Hội đồng Bảo an (HÐBA) Liên hợp quốc (LHQ) vừa họp định kỳ về tình hình Xy-ri trong bối cảnh đánh dấu 10 năm xảy ra cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Ðông. HÐBA kêu gọi quốc tế cần nỗ lực thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan, nhằm chấm dứt một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Xy-ri G.Pi-đơ-xơn đã gọi tình hình hiện nay tại Xy-ri là "một trong những chương đen tối nhất của lịch sử đương đại", khi người dân trở thành nạn nhân của bạo lực, khủng bố, vũ khí hóa học, chia cắt, và khủng hoảng kinh tế. Một thập kỷ đã trôi qua nhưng khói lửa chiến tranh và mùi thuốc súng vẫn bao trùm Xy-ri. Dù tình hình an ninh trong một năm qua được cho là ổn định nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 2011, nhưng bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên, trở thành "cơn ác mộng" của dân thường. Hằng ngày, người dân vẫn nơm nớp sống trong nỗi lo khủng bố khi Xy-ri trở thành "điểm đến" của các phần tử thánh chiến nước ngoài và bị biến thành "lò đào tạo" khủng bố.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ và bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh địa chính trị, dẫn tới cuộc khủng hoảng diễn biến phức tạp và chưa tìm được giải pháp. Sự hậu thuẫn của bên ngoài đối với các phe phái tham chiến khiến cuộc xung đột tiếp diễn dai dẳng nhiều năm qua ở các khu vực trên khắp lãnh thổ Xy-ri. Bất ổn an ninh đã tác động mạnh tới cuộc sống của người dân, trong đó các vụ tiến công khủng bố xảy ra hằng ngày tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường. Cuộc chiến ở Xy-ri đã khiến hơn 387.000 người chết và hàng triệu người phải ly hương, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

10 năm xung đột đã khiến nền kinh tế Xy-ri kiệt quệ. 60% dân số nước này đang phải chật vật mưu sinh mỗi ngày, trong bối cảnh giá thực phẩm tăng gấp 33 lần so với thời điểm trước chiến tranh. Ðồng bảng của Xy-ri mất giá kỷ lục, tới 99% giá trị. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), 12,4 triệu người dân, tương đương 60% dân số Xy-ri, đang trong tình trạng mất an ninh lương thực.

Chỉ trong hơn một năm qua, có thêm 4,5 triệu người rơi vào tình cảnh này. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Ước tính, chi tiêu cơ bản của mỗi gia đình cao hơn thu nhập trung bình ít nhất là 20%, khiến khoảng 70% số người dân Xy-ri phải vay nợ, nhiều gia đình phải bán tài sản và gia súc để duy trì cuộc sống. Một thập kỷ qua, xung đột ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất dầu mỏ của Xy-ri, với thiệt hại ước tính khoảng 91,5 tỷ USD và gây ra cuộc khủng hoảng nhiên liệu.

Tình trạng tuyệt vọng của người dân Xy-ri được cảnh báo có thể kéo dài thêm cả thập kỷ nếu không có các nỗ lực ngoại giao quốc tế mang tính xây dựng song hành cùng tiến trình đàm phán giữa các bên tại Xy-ri. Các bên liên quan và quốc tế cần thay đổi cách tiếp cận, nhằm đạt được các bước tiến trên bàn đàm phán một cách thực tế nhằm đạt các bước tiến cụ thể. Ðặc phái viên LHQ khuyến nghị thành lập một khuôn khổ đối thoại quốc tế mới để hỗ trợ thúc đẩy tiến trình chính trị tại Xy-ri. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng không dễ dàng khi "bàn cờ Xy-ri" tiếp tục là nơi chứng kiến những toan tính lợi ích của bên ngoài. Vì thế, cách tiếp cận khác nhau đối với cuộc xung đột và sự can thiệp của nhiều quốc gia vào Xy-ri khiến cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Ðông này kéo dài mà chưa thấy hồi kết.

Nhiều nỗ lực quốc tế và khu vực nhằm hỗ trợ giải quyết tình hình tại Xy-ri đã được đưa ra trong suốt 10 năm qua, song chưa đạt kết quả mong muốn do sự thiếu lòng tin giữa các bên. HÐBA LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình chính trị do người dân Xy-ri dẫn dắt và làm chủ, trên cơ sở Nghị quyết 2254 mà HÐBA đã đồng thuận thông qua năm 2015. Theo đó, các bên liên quan cần kiềm chế hành động có thể làm leo thang xung đột ở Xy-ri, nhằm ổn định tình hình an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán xây dựng lòng tin. Chỉ có giải pháp chính trị toàn diện mới có thể đem lại hòa bình và ổn định ở Xy-ri.

Mỹ Vân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/bien-phap-xay-dung-long-tin-638825/