Biến phụ phẩm nông nghiệp thành chén, dĩa

Xuất phát từ ý tưởng biến bẹ chuối thành ly, chén, dĩa thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhóm 8 sinh viên Trường đại học Lạc Hồng đã mất gần 3 năm để biến ý tưởng này thành sản phẩm thực tế và bước đầu thương mại hóa. Đó cũng là hành trình mà nhóm dự án ENRE (Environment Recycle) học hỏi và trưởng thành từ các sân chơi sáng tạo khoa học - kỹ thuật và khởi nghiệp.

Nhóm ENRE trình bày giải pháp tại cuộc thi Từ sáng tạo đến khởi nghiệp (MEP)

Nhóm ENRE trình bày giải pháp tại cuộc thi Từ sáng tạo đến khởi nghiệp (MEP)

Sản phẩm Máy ép phụ phẩm nông nghiệp do nhóm ENRE sáng tạo có thể ép được các loại nguyên liệu như: bẹ chuối, mo cau, lá bàng, lá sen… Máy có thể dễ dàng thay đổi mẫu mã sản phẩm bằng cách thay thế các khuôn được sản xuất thành những module tách rời thân máy.

* Từ ý tưởng đến sản phẩm thực tế

Tham gia 2 “sân chơi” EPICS và MEP đã giúp các sinh viên hiểu được quy trình từ việc phát triển ý tưởng, xây dựng nguyên mẫu đến giai đoạn cải tiến chiến lược tiếp thị để thương mại hóa và mở rộng quy mô sản phẩm.

Đồng Nai có diện tích trồng chuối rất lớn nhưng hiện nay hầu hết nông dân chỉ thu phần quả, bắp chuối mà vứt bỏ phần thân chuối hoặc đánh bẹ chuối thành sợi. Nhận thấy bẹ chuối có thể được ép để trở thành ly, chén, dĩa thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhóm ENRE lên ý tưởng chế tạo máy ép phụ phẩm nông nghiệp. Đây không còn là sản phẩm mới lạ trên thị trường. Tuy nhiên, nhóm cho rằng các máy ép hiện có trên thị trường đều là máy nhập khẩu với giá thành khá cao (khoảng 120-160 triệu đồng/máy), không đa dạng về mẫu mã sản phẩm nên chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng.

Tháng 4-2019, nhóm bắt đầu tham gia cuộc thi EPICS (Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng). Tại sân chơi này, nhóm được hướng dẫn cách triển khai 1 đề tài từ ý tưởng đến thực tế. Nhóm không bắt tay ngay vào nghiên cứu sản phẩm mà tiến hành khảo sát ý kiến người dùng để rút ra những ý kiến cần thiết cho dự án. Sau khi thu thập, tổng hợp, phân tích ý kiến, nhóm bắt đầu vạch ra những mục tiêu mà dự án cần đạt được (cần phải thiết kế máy như thế nào, sản phẩm đầu ra của máy đáp ứng cho ai, mẫu mã sản phẩm nào phù hợp cho người dùng…). Dựa trên mục tiêu đó, nhóm thiết kế bản vẽ cho máy, tiến hành chỉnh sửa trên bản vẽ để tạo nên phiên bản hoàn thiện rồi mới tiến hành gia công máy, thử nghiệm máy...

Với sản phẩm máy ép phụ phẩm nông nghiệp này, nhóm dừng chân ở vòng chung kết cuộc thi EPICS mà không có giải thưởng. Tuy nhiên, các thành viên của nhóm đã không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến và tham gia cuộc thi MEP (Từ sáng tạo đến khởi nghiệp).

Tại cuộc thi này, nhóm tiếp tục đưa các thành phẩm là chén, dĩa, ly để giới thiệu đến các đối tượng đã khảo sát khi dự thi EPICS nhằm tiếp tục lấy ý kiến đánh giá, phản hồi của khách hàng và tiếp tục cải tiến máy ép. Khi tạo được phiên bản hoàn chỉnh nhất, nhóm bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường bằng nhiều hình thức tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Nhóm cũng đã tìm được khách hàng đặt mua sản phẩm hoặc có ý định hợp tác. Tuy nhiên, nhóm chưa đủ khả năng sản xuất để đáp ứng đơn hàng nên không thể ký hợp đồng.

Mặc dù sản phẩm mới chỉ “mấp mé” thương mại hóa nhưng đã cho thấy một vài tín hiệu khả thi. Nhóm đã được Ban giám khảo đánh giá cao và xếp hạng nhì cuộc thi MEP.

* Máy đa năng, giá thành rẻ

Nói về ưu điểm của máy ép phụ phẩm nông nghiệp, sinh viên Phạm Anh Quân, Khoa Cơ điện - điện tử, Trưởng nhóm ENRE cho biết, khuôn mẫu sản phẩm được khảo sát từ người dân Việt Nam, phù hợp với các yêu cầu người dùng nên sản phẩm do máy sản xuất ra sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường hơn. “Máy được thiết kế sao cho dễ sử dụng nhất: các khuôn mẫu sản phẩm (dĩa, ly, hộp đựng thức ăn…) được sản xuất thành các module tách rời dễ dàng tháo lắp, thay thế; bảng điều khiển đơn giản, khi thay đổi nguyên liệu ép, người dùng chỉ cần chọn chế độ phù hợp là máy sẽ tự động điều chỉnh nhiệt độ, thời gian, lực ép...” - anh Quân chia sẻ.

Theo tính toán của nhóm, chi phí sản xuất 1 máy ép phụ phẩm nông nghiệp (dạng máy đơn) khoảng 20 -30 triệu đồng; mỗi bộ khuôn kèm theo máy có giá 6-7 triệu đồng. Máy có thể hoạt động với công suất 1 sản phẩm/phút.

Máy có thể hoạt động ở 2 chế độ: tự động và bán tự động. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, có thể điều chỉnh một vài thông số. Máy có kích thước 500x600x1.500cm với trọng lượng 70kg, dễ sử dụng, dễ vận hành, dễ vệ sinh và dễ vận chuyển.

Mong muốn chia sẻ để có thể áp dụng tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai và các tỉnh, thành trên cả nước, nhóm sẽ bán bản thiết kế và quy trình công nghệ đi kèm cho những đơn vị sản xuất nào quan tâm, hoặc nhóm có thể hỗ trợ xây dựng máy ép này.

Cuộc thi Từ sáng tạo đến khởi nghiệp (MEP) thuộc dự án Thúc đẩy hợp tác trường đại học - doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ (BUILD-IT), được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Đại học Bang Arizona (ASU) và Chương trình STEM của Dow Việt Nam.

Các dự án tham gia cuộc thi MEP đều được phát triển từ chương trình EPICS (cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng). Đây cũng là chương trình trong khuôn khổ BUILD-IT. Theo đó, các nhóm đã nâng tầm các dự án EPICS của mình thành các sản phẩm thực tiễn và bước đầu triển khai thương mại hóa sản phẩm.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202203/bien-phu-pham-nong-nghiep-thanh-chen-dia-3108163/