Việt Nam góp phần chống biến đổi khí hậu tại Olympic Paris 2024

Ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 đã đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải carbon so với mức trung bình của Thế vận hội London 2012 và Rio 2016. Một dự án tại Việt Nam đã tham gia vào mục tiêu này.

Chưa đầy một tháng trước khi thế vận hội bắt đầu, người Pháp đã trình bày những phát triển mới nhất liên quan đến các cam kết về khí hậu trong hai lĩnh vực chính: giảm lượng khí thải liên quan đến Thế vận hội và hỗ trợ cho các dự án cô lập carbon; hạn chế phát thải loại khí nhà kính này.

Mục tiêu tham vọng

Ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 (viết tắt là Paris 2024) tin chắc rằng các sự kiện thể thao lớn phải gánh vác trách nhiệm trước tình trạng biến đổi khí hậu. Để giảm tác động của thế vận hội đến khí hậu, Paris 2024 đã áp dụng một cách tiếp cận khác hẳn với các sự kiện thể thao lớn trước đó, chuyển từ đánh giá về lượng khí thải carbon sau sự kiện bằng các hoạt động bù đắp ngay trước thế vận hội.

Paris 2024 đã đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải carbon so với mức trung bình của Thế vận hội London 2012

Paris 2024 đã đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải carbon so với mức trung bình của Thế vận hội London 2012

Để đo lường mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải carbon của thế vận hội, Paris 2024 đã chọn tính đến tất cả lượng khí thải carbon của sự kiện cả trực tiếp lẫn gián tiếp, gồm cả việc di chuyển của khán giả. Ngoại trừ Thế vận hội Tokyo 2020 được tổ chức không có khán giả, lượng khí thải carbon trung bình của các kỳ thế vận hội gần đây nhất là 3,5 triệu tấn CO2 (teqCO2).

Để kiểm soát, giảm thiểu và đánh giá lại lượng khí thải carbon trong suốt thời gian chuẩn bị cho thế vận hội, Paris 2024 đã tập hợp các chuyên gia về khí hậu vào Tiểu ban Chuyển đổi sinh thái. Được hỗ trợ bởi các chuyên gia bên ngoài các công ty được đào tạo về phương pháp Bilan Carbon, Paris 2024 đã phát triển một phương pháp và công cụ hiện bao gồm gần 10.000 đơn vị dữ liệu.

Trước thế vận hội, công cụ này ước tính lượng khí thải carbon của Thế vận hội Paris 2024 là 1,58 triệu teqCO2, thậm chí còn thấp hơn mục tiêu ban đầu 1,75 triệu teqCO2. Toàn bộ hệ sinh thái Thế vận hội Paris 2024 được thiết kế nhằm hướng tới mục tiêu đầy tham vọng này. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến thế vận hội, tất cả các hành động được thực hiện nhằm tránh, giảm thiểu và kiểm soát lượng khí thải carbon đang giúp đảm bảo sự kiện đi đúng hướng.

Trên đà hoàn thành mục tiêu

Paris 2024 đang trên đà đạt được mục tiêu này nhờ các biện pháp tránh, giảm thiểu và kiểm soát lượng khí thải carbon đã được xác định ban đầu và đã được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực tổ chức thế vận hội.

Chẳng hạn trong xây dựng, để hạn chế lượng khí thải carbon liên quan đến các công trường xây dựng mới, 95% cơ sở hạ tầng đang được sử dụng cho Thế vận hội Paris 2024 là tạm thời hoặc đã tồn tại. Solideo cũng đã sử dụng các kỹ thuật xây dựng ít carbon (đặc biệt là khung gỗ, bê tông ít carbon và vật liệu tái chế) để giảm 30% lượng khí thải trên mỗi mét vuông ở Làng vận động viên. Trong toàn bộ vòng đời của tòa nhà, kết quả của Solideo cho thấy tác động carbon giảm 47% so với các dự án xây dựng thông thường.

Ở lĩnh vực năng lượng, tất cả các địa điểm tổ chức thế vận hội đều được kết nối với lưới điện nhờ công trình của Enedis. Nhà tài trợ chính thức của Thế vận hội Paris 2024 đã giúp hạn chế việc sử dụng máy phát điện diesel thường được sử dụng tại các sự kiện như vậy.

Còn EDF, đối tác cao cấp của Thế vận hội Paris 2024, chịu trách nhiệm cung cấp điện cho lưới điện từ các nguồn tái tạo (năng lượng mặt trời và gió). Mô hình này sẽ giảm 80% lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng phục vụ cho Thế vận hội Paris 2024 so với việc cung cấp điện kiểu truyền thống.

Dịch vụ ăn uống: Có nhiều biện pháp nhằm giảm một nửa tác động carbon của 13 triệu bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ được phục vụ trong thế vận hội. Đáng chú ý là tăng gấp đôi việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật và giảm một nửa lượng nhựa sử dụng một lần so với Thế vận hội London 2012; tăng cường sử dụng sản phẩm tại địa phương và tìm nguồn cung dồi dào theo mùa, đồng thời chống lãng phí thực phẩm. Những biện pháp này cho thấy chúng có thể áp dụng cho các sự kiện sau này.

Ở lĩnh vực giao thông, có thể đến tất cả các địa điểm thi đấu bằng phương tiện giao thông công cộng, thậm chí có thể đến được bằng xe đạp nhờ thiết kế 415km đường dành riêng và bãi đậu xe tiện lợi. Để đáp ứng nhu cầu của Olympic và Paralympic, Paris 2024 đang cung cấp một đội xe điện nhẹ, hydro tái tạo và xe hybrid với đối tác Toyota. Paris 2024 cũng đã chọn giảm 1/3 số lượng phương tiện so với mức trung bình của thế vận hội trước bằng cách tối ưu hóa và tích hợp việc sử dụng phương tiện.

Ngoài ra, các thiết bị được sử dụng để phục vụ tại Thế vận hội Paris cũng được dùng từ sản phẩm tái chế hoặc có thể tái chế lại sau sự kiện. Điều này cũng góp phần làm giảm lượng khí thải carbon.

Đóng góp từ Việt Nam trong việc bù đắp carbon

Ở cấp độ quốc tế, Paris 2024 đã lựa chọn cẩn thận một số dự án tuân thủ các quy tắc và tiêu chí của Cơ quan chuyển đổi sinh thái của Pháp về bù đắp carbon tự nguyện và có tác động tích cực phù hợp với các giá trị của Thế vận hội Paris 2024 và tinh thần thể thao, như y tế, bình đẳng giới, giáo dục và bảo vệ đa dạng sinh học.

Chương trình quốc tế của Paris 2024 đang tài trợ cho việc thực hiện 9 dự án, tất cả đều gần xích đạo, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Các dự án này đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế tốt nhất (Goldstandard và VCS) và mang lại sự chuyển đổi quy mô lớn.

Vị trí của 9 dự án trung hòa carbon

Vị trí của 9 dự án trung hòa carbon

Đáng chú ý, trong 9 dự án này thì chỉ có duy nhất một dự án nằm ở châu Á được Paris 2024 lựa chọn. Đó là nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa 50MW tại xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Bà Emilie Alberola - Tổng giám đốc EcoAct Pháp (nhà tài trợ chính thức cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024) cho biết: “Là chuyên gia thế giới về thị trường carbon và phát triển dự án, EcoAct tự hào hỗ trợ Paris 2024 trong việc lựa chọn và giám sát 3 dự án đóng góp về khí hậu ở Senegal, Rwanda và Việt Nam (Nhà máy năng lượng mặt trời AMI Khánh Hòa). Những dự án này sẽ không chỉ cô lập carbon và giảm lượng khí thải carbon mà còn mang lại nhiều lợi ích đồng thời cho cộng đồng địa phương, những người đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu”.

Được biết, Nhà máy năng lượng mặt trời AMI Khánh Hòa có tổng công suất lắp đặt là 50MW. Dự án tạo ra 76.842MW điện mỗi năm, sẽ thay thế lượng khí thải nhà kính (GHG) do con người phát thải ước tính khoảng 65.254 teqCO2/năm.

Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa

Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa

Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa sở hữu bởi Công ty cổ phần AMI AC Renewables (một công ty năng lượng tái tạo hợp tác giữa AMI Renewables (Việt Nam) và ACEN (Philipinnes) đưa vào vận hành ngày 25.5.2019. AMI Khánh Hòa đã góp phần giảm phát thải khí CO2 khoảng 65.254 teqCO2/năm.

Ngoài AMI Khánh Hòa, Công ty cổ phần AMI AC Renewables còn có Nhà máy Điện mặt trời BMT tại tỉnh Đắk Lắk, giảm phát thải khoảng 33.800 tC02/năm và Cụm trang trại điện gió B&T tại tỉnh Quảng Bình giúp giảm phát thải khoảng 456.000 teqCO2/năm. Cho đến nay, Công ty Ami Ac Renewables đã phát hành được hơn 200.000 tín chỉ carbon cho các công ty trên thế giới.

A.T

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viet-nam-gop-phan-chong-bien-doi-khi-hau-tai-olympic-paris-2024-219130.html