Biến quy tắc ứng xử thành thói quen trong dạy và học trực tuyến
Dù lớp học diễn ra với hình thức nào thì tính mô phạm của môi trường giáo dục cũng phải được đảm bảo. Trong ảnh: Học sinh học online. Ảnh: THÚY HẰNG
Dạy học trên môi trường nào cũng cần những ứng xử văn minh giữa thầy và trò. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến cách ứng xử của thầy và trò khi học online đã gây xôn xao dư luận.
Thiếu chuẩn mực khi dạy và học online
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên các trường học từ giáo dục phổ thông đến đại học đều tổ chức dạy học trực tuyến. Và trong quá trình dạy học đã xảy ra không ít ồn ào khi một số giảng viên, giáo viên đứng lớp có lời lẽ không phù hợp với học sinh, sinh viên và ngược lại.
Đầu tiên là chuyện một giảng viên mỉa mai sinh viên xin nghỉ học do gia đình có chuyện buồn. Sau đó là một giảng viên khác đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online khi em này xin thầy giảng lại lần nữa vì không nghe rõ; hay một giảng viên gọi sinh viên là “óc trâu”; giáo viên xúc phạm chửi bới học sinh “quái thai về tâm hồn và thể xác”, học sinh văng tục, đòi “solo” với thầy giáo... Dù các vụ việc không đi quá xa khi người thầy đã lên tiếng xin lỗi học trò. Tuy vậy, dư âm về những hành động chưa chuẩn mực ấy ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo.
Thật ra, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học. Trong đó, quy định về ứng xử của giáo viên với người học: “Giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Đồng thời tích cực phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học”. Về phía người học, khi ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cần: “Kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực”.
Từ những thực trạng lệch chuẩn văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục thời gian qua, chuyên gia giáo dục cho rằng, nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi dạy học trực tuyến và phổ biến cho giáo viên và học sinh. Đồng thời, giáo viên cũng cần được tập huấn các kỹ năng giảng bài trực tuyến và xử lý tình huống khi dạy trực tuyến.
Cần sự cố gắng từ hai phía
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hình thức dạy học trực tuyến đã trở thành một phần quan trọng trong triển khai kế hoạch năm học của ngành. Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành Giáo dục xác định dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài, vừa để thích ứng, vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các khóa tập huấn phát triển năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên, từ đó nâng cao được chất lượng dạy học theo hình thức này; đồng thời lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng tổ chức các đoàn đi thực tế ở một số địa phương để lắng nghe và đưa ra các giải pháp cụ thể, cùng các địa phương tháo gỡ các khó khăn đặc thù khi dạy học trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo các giáo viên, khi được tập huấn, được làm quen với cách dạy học trực tuyến, đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể kèm theo về dạy học ứng phó với tình hình dịch bệnh, nên những áp lực về tâm lý, áp lực về khối lượng nội dung bài học trong chương trình đã được giảm đi. Nhờ đó, cả người dạy và người học sẽ giải tỏa tâm lý, hạn chế xảy ra những xung đột, căng thẳng không cần thiết.
“Tất nhiên, trong thực tế giảng dạy, giáo viên sẽ không thể nào tránh khỏi những sơ suất, hạn chế. Sinh viên cũng có thể vướng phải lỗi không mong muốn… Tuy nhiên, nếu thầy và trò biết lắng nghe, chia sẻ thì sẽ thấu hiểu, tránh được áp lực trong quá trình dạy và học”, giảng viên Phạm Đình Phú, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung chia sẻ.
Dù là lớp học diễn ra với hình thức nào thì tính mô phạm của môi trường giáo dục cũng phải được đảm bảo. Bởi người thầy không chỉ truyền đạt kỹ năng, kiến thức mà còn dạy học trò về nhân cách và lối ứng xử, đồng thời là tấm gương để người học noi theo. Đây chính là nền tảng góp phần tạo nên chất lượng giáo dục.
Nhà giáo Ưu tú Ngô Ngọc Thư, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên