Biến số kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc đã có một năm 2022 với nhiều điều đáng nhớ và các sự kiện có ảnh hưởng đến quỹ đạo phát triển của quốc gia này trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn, cả về mặt chính trị, kinh tế lẫn đối ngoại và xã hội; qua đó, tác động đến kinh tế của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.Tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc trong năm 2022 dự kiến sẽ ở mức 2,7-3%, chỉ bằng một nửa so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm; và năm 2023 dự báo chỉ ở mức 4-4,5%.

Những động thái chính sách quan trọng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 16-10-2022 và kéo dài một tuần, được báo chí Trung Quốc gọi là sự kiện “vô cùng quan trọng trong bối cảnh vô cùng đặc biệt”, rõ ràng là sự kiện chính trị quan trọng và có tác động dài hạn bậc nhất của năm nay.

Chính sách zero Covid kéo dài hơn một năm qua có thể là một thành tích về mặt chống dịch với chính quyền nhưng phải đánh đổi bằng nhiều thứ. Các hoạt động siết chặt quản lý và vận hành của khu vực tư nhân trải dài từ giáo dục, công nghệ đến văn hóa – nghệ thuật đang tạo ra sự e dè bao trùm trong xã hội.

Có một điểm chắc chắn rằng các chính sách kinh tế sắp tới sẽ mang nhiều âm hưởng của kỳ Đại hội Đảng vừa diễn ra. Trong Báo cáo Chính trị dài 70 trang của Đại hội 20, ý thức hệ được nhấn mạnh nhiều hơn với từ khóa “chủ nghĩa Marx” được nhắc đến 26 lần so với 13 lần của Đại hội 19.

Cụm từ “kinh tế” đã giảm xuống còn 60 lần xuất hiện trong Báo cáo Chính trị, trong khi đó “an ninh” được nhắc đến 91 lần – nhiều gần gấp đôi so với Đại hội 19.

Chính sách zero Covid ngay cả khi được dỡ bỏ, cũng cần khoảng sáu tháng để Trung Quốc khôi phục niềm tin kinh doanh của cả giới đầu tư lẫn người tiêu dùng – những người không chỉ chịu tác động của chính sách phong tỏa cục bộ mà còn của chính sách đối với thị trường bất động sản và các hoạt động khác.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn vaccine phòng Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng mũi 3, tỷ lệ tiêm chủng cho người trên 70 tuổi của Trung Quốc đều ở mức thấp so với khu vực châu Á cũng đặt ra những nghi ngờ về quyết tâm từ bỏ zero Covid của Trung Quốc. Một số báo cáo cho biết tỷ lệ tiêm mũi đầu cho người trên 70 tuổi chỉ đạt 40% và tiêm mũi 2 còn thấp hơn thế, trong khi đó tỷ lệ tiêm mũi đầu của người trên 70 tuổi ở Đông Nam Á đều ở mức 80% trở lên.

Tình thế khó khăn của việc nới lỏng giãn cách có thể làm xuất hiện các sóng dịch mới trong khi chưa kịp phủ vaccine có thể khiến việc mở cửa nền kinh tế ở vào tình trạng ngập ngừng và cục bộ.

Tác động dội đến kinh tế

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng không có nhiều khởi sắc dù 16 chính sách cứu trợ đã được ban hành vào tháng 11-2022. Số liệu tính toán với các nhà phát triển bất động sản niêm yết của Trung Quốc cho thấy, 90% số doanh nghiệp quan sát được đều vi phạm lằn ranh đỏ thứ nhất (nợ/tổng tài sản <70%) và lằn ranh đỏ thứ hai (nợ/vốn chủ sở hữu <100%).

Điều này khiến hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung vào nhiệm vụ giảm tỷ lệ đòn bẩy trong năm 2022, phản ánh bằng sự sụt giảm doanh thu tới 80% của các doanh nghiệp vi phạm hai lằn ranh và giảm 60% doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm cả ba lằn ranh.

Với quy mô khoảng 25% GDP, chiếm 16% tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ hệ thống ngân hàng và đóng góp 30-50% tổng thu ngân sách địa phương (thông qua nguồn thu từ bán đất), lĩnh vực bất động sản đang làm giảm tốc độ tăng trưởng của các ngành thượng du (xi măng, sắt thép, sản xuất kính, nhôm…) và hạ du (đồ nội thất, thiết bị gia dụng…).

Sản xuất công nghiệp tính đến hết tháng 10 của Trung Quốc chỉ tăng 5%, chỉ bằng một phần bảy so với cách đây một năm, còn lợi nhuận lại giảm tới 3% so với cùng kỳ năm ngoái – một năm thất bát của sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, tiêu dùng, một động lực tăng trưởng đã giảm 0,5% trong 10 tháng đầu năm. Tiêu dùng vốn không chỉ dựa vào thu nhập mà còn phụ thuộc vào đánh giá về triển vọng kinh tế. Vì vậy, không khí kinh tế năm nay khó có thể khiến tiêu dùng phục hồi và đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong năm tới.

Tỷ lệ tiết kiệm trung bình 12 tháng ở khu vực thành thị đạt 32,3% trong quí 3-2022 (tăng từ mức trung bình trước đại dịch là khoảng 30%) cho thấy sự thận trọng của người dân đối với triển vọng kinh tế 2023. Nhưng một trong những đòn giáng mạnh hơn cả vào tiêu dùng của Trung Quốc là sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp thành thị đã giảm xuống 5,5% vào tháng 10 thì tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng lên mức cao kỷ lục gần 20% trong tháng 7 và chỉ giảm xuống còn 17,9% vào tháng 10. Gần 60% thanh niên thất nghiệp là những người mới gia nhập lực lượng lao động đô thị và gặp khó khăn khi tìm việc làm.

Những khó khăn này khiến sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ hầu như không phát huy tác dụng. Tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức 2,7-3% cho năm nay, thấp hơn 2,5-2,8 điểm phần trăm so với mục tiêu mà chính phủ nước này đề ra hồi đầu năm.

Trong bối cảnh đó, việc các thị trường xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc như Mỹ, EU tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới hết năm 2023 càng như tạo ra thêm nhiều trở lực cho cỗ máy tăng trưởng Trung Quốc.

Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu Trung Quốc năm nay phần lớn đến từ việc tăng giá chứ không phải tăng về lượng xuất khẩu – phản ánh sự suy giảm rõ rệt của cầu bên ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu nước này.

Và các nền kinh tế khác…

Khi Trung Quốc giảm tốc, tác động tiêu cực lan tỏa của nền kinh tế này đến các nền kinh tế trong khu vực cũng lớn hơn so với sự lan tỏa từ kinh tế Mỹ. Với khả năng là Trung Quốc chỉ tăng trưởng bằng một nửa so với mục tiêu đề ra và năm 2023 chỉ tăng trưởng ở mức 4-4,5% thì hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, suy giảm sản xuất công nghiệp Trung Quốc tạo thêm áp lực nhập siêu và chèn ép các nền công nghiệp xung quanh với công suất dư thừa của mình. Sự lừng khừng của chính sách zero Covid cũng đặt thêm biến số cho chuỗi cung ứng.

Mặc dù vậy, với kinh tế Việt Nam, sự suy giảm này cũng là một cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Trước hết, giá xuất xưởng công nghiệp Trung Quốc giảm làm giảm chi phí nhập khẩu với hàng trung gian, linh phụ kiện.

Tiếp theo, chính sách zero Covid duy trì càng lâu thì doanh nghiệp Việt Nam càng dễ dành được hợp đồng từ các nhà nhập khẩu cũ của Trung Quốc qua đó mở rộng thị phần của mình – như những gì mà ngành gỗ và đồ gỗ, dệt may đã làm được.

Cuối cùng, một mô hình kinh tế Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn do sự chi phối của ý thức hệ là cơ hội cho nhiều nền kinh tế hướng đến các hệ thống trật tự dựa trên luật lệ quốc tế với chuẩn mực ngày càng cao hơn thu hút sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một trong những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất với sự dịch chuyển và đầu tư của Samsung, Intel, Apple, Foxconn, Adidas…

(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS)

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bien-so-kinh-te-trung-quoc/