'Biến số' làn sóng Covid thứ 4 và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam 2021
Điểm chung trong các dự báo tăng trưởng mới nhất, Covid-19 vẫn được coi là 'biến số', tác động mạnh tới tăng trưởng trong các báo cáo dự báo về triển vọng của Việt Nam năm nay...
Triển vọng tăng trưởng Việt Nam năm 2021.
Số liệu thống kê kinh tế tháng 5/2021 mới được công bố gần đây cho thấy một số tác động ban đầu của đợt dịch Covid-19 thứ tư đối với hoạt động sản xuất ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Cụ thể, việc tạm ngừng hoạt động tại bốn khu công nghiệp đã khiến sản xuất công nghiệp của Bắc Giang giảm 40,9% so với tháng trước và giảm 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, do khu phức hợp của Samsung vẫn hoạt động bình thường trong thời gian dịch bùng phát, nên sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh chỉ giảm 2,2% so với tháng trước và vẫn tăng 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục mở rộng trong tháng 5 năm 2021 với mức tăng 1,6% so với tháng trước và 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp tình hình phức tạp của đại dịch trên khắp cả nước. Điều này cho thấy các hoạt động sản xuất chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bùng phát mới nhất, nhưng sự gián đoạn kéo dài chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
GDP THẤP HƠN KỲ VỌNG
Vì vậy, khi đánh giá về đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh – nơi chiếm 10% tổng vốn FDI và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ tác động rất mạnh đến nền kinh tế trên 6 khía cạnh: chuỗi cung ứng, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, lao động - việc làm, nợ xấu và thu ngân sách.
“Theo tính toán của tôi, tăng trưởng GDP quý 2/2021 sẽ đạt mức 5,5-5,8% và tăng trưởng nửa đầu năm vào khoảng 5%. Tăng trưởng sau đó sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và cả năm có thể đạt mức tăng từ 6,1% – 6,3%”, ông Lực cho biết.
Những tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế cũng được TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định. Theo vị chuyên gia, tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2021 có thể thấp hơn kỳ vọng do tính chất phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây tại Bắc Ninh và Bắc Giang.
Trong đó, một số yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như giá cả vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là thép xây dựng; dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, đà tăng của hoạt động bán lẻ chậm lại do đợt bùng dịch lần thứ tư cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa và doanh số bán lẻ.
Vì vậy, trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng mặc dù kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định nhưng tăng trưởng GDP quý 2/2021 cũng như 6 tháng đầu năm sẽ có sự điều chỉnh.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý 1/2021 (tăng 5,92%).
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,85%).
Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tăng trưởng 3% và khoảng 7,8%. Sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, da giày, ôtô có mức tăng tốt. Nhưng sản lượng các sản phẩm điện tử dự báo chỉ đạt mức tăng thấp hoặc giảm.
Tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%. Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%); xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.
“Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 được xác định là đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại...”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
HỖ TRỢ TỐI ĐA DOANH NGHIỆP
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm được dự báo còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Đó là khả năng lạm phát gia tăng, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn...
”Vì vậy, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp và nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế.
Vì vậy, Bộ trưởng Dũng đề nghị Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các cấp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch. Và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
“Đặc biệt, các bộ ngành cần triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm và lao động tại các khu công nghiệp”, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cả nước quyết tâm đạt “mục tiêu kép” nhưng cần phải để ý cả khía cạnh ổn định kinh tế vĩ mô. “Ổn định vĩ mô không chỉ ở các chỉ số kinh tế mà cả vấn đề lao động, an sinh xã hội. Theo đó, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đánh giá cả ba trụ cột: phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Tuấn lưu ý.
Ngoài ra, trong điều kiện chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu và thích nghi với bối cảnh mới. Cụ thể, nên tập trung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; không ban hành các chính sách làm tăng chi phí, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp; đặc biệt là hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các công nhân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch này...
WB: Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong khu vực
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/6 nhận định, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 và được hưởng lợi từ các biện pháp tài khóa, hỗ trợ đầu tư công và dòng vốn đầu tư FDI mạnh mẽ.
Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021, giảm nhẹ so với mức dự báo 6,8% được đưa ra cuối năm 2020 do những ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 mới bùng phát. Tuy vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất được WB dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, kinh tế của Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2021, trước khi tăng tốc lên 5,1% vào năm 2022 nhờ sự phục hồi của du lịch và lữ hành toàn cầu. Indonesia được dự báo tăng trưởng 4,4% vào năm 2021 và tăng lên 5% vào năm 2022. Tăng trưởng GDP của Philippines được dự báo là 4,7% vào năm 2021 và 5,9% vào năm 2022, với sản lượng dự kiến đạt mức trước đại dịch vào năm 2022. Trong khi đó, Malaysia có thể đạt tăng trưởng 6% vào năm 2021 với điều kiện ổ dịch Covid-19 vẫn còn trong tầm kiểm soát và việc phân phối vaccine được đẩy mạnh.
ICAEW: Dù Covid-19 quay lại, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,6%
Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics đã có những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á mới nhất.
Cụ thể, theo ICAEW, dù Covid-19 đang trở lại nhưng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn lạc quan và nền kinh tế dự báo sẽ phục hồi như trước Covid-19 trong nửa cuối năm 2021, trong đó GDP dự báo sẽ tăng 7,6% trong năm 2021, cao nhất trong toàn khu vực.
Theo ICAEW, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế thế giới tăng trưởng trong năm 2020 nhờ thành công trong việc chống dịch. Thành công sớm này giúp nền kinh tế hưởng lợi từ sự gia tăng hoạt động kinh doanh toàn cầu và nhận đầu tư FDI mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo và xuất khẩu. “Mặc dù sự trở lại của làn sóng Covid-19 ở Việt Nam đang ảnh hưởng đến công nghiệp sản xuất và xuất khẩu, song kinh tế Việt Nam dự báo vẫn sẽ tăng trưởng nhanh một khi các hạn chế được dỡ bỏ”, báo cáo nhấn mạnh.
Đáng chú ý, các đợt phong tỏa mới đây tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực cho thấy tiêu dùng gia đình giảm trong quý 2/2021. Tuy nhiên mức giảm không nhiều do các hộ và các doanh nghiệp đã trang bị số hóa nhằm tăng khả năng làm việc và mua bán từ xa. Đặc biệt, Chính phủ cũng dùng nhiều hơn các biện pháp có chủ đích hơn là phong tỏa cả nước nhằm tối giảm việc gián đoạn sản xuất.
VDSC: Tăng trưởng quý 2/2021 đạt 7,2%
Theo báo cáo mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VDSC cho biết trong quý 2/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do ảnh hưởng của đại dịch với mức tăng trưởng GDP là 0,36%. Mức nền thấp của năm ngoái là cơ sở cho sự phục hồi mạnh của kinh tế trong quý 2/2021. Dự kiến, tăng trưởng GDP quý 2/2021 đạt 7,2% và cả năm là 6,5%, giảm nhẹ so với dự báo trước đó là 6,7%.
Trong tháng 4/2021, kinh tế phục hồi với sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp (tăng 22,2% so với cùng kỳ), doanh thu bán lẻ (tăng 30,9% so với cùng kỳ) và xuất khẩu (tăng 50,8% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, sự bùng phát gần đây của đại dịch Covid-19 đã hạn chế đà tăng trưởng của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa vào giữa quý 2/2021. Trong tháng 5/2021, sản xuất công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ nhưng doanh thu bán lẻ giảm 1 % so với cùng kỳ. Mặt khác, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng 35,6% so với cùng kỳ.
Trên nền tảng này, VDSC kỳ vọng tình trạng đình trệ sản xuất tại các điểm nóng Covid-19 lớn nhất của Việt Nam sẽ được kiểm soát vào tháng 6/2021. Việc đóng cửa bốn khu công nghiệp ở Bắc Giang sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất công nghiệp của đất nước vì các doanh nghiệp FDI lớn đã có thể hoạt động trở lại.
VDSC cho rằng hoạt động sản xuất của Bắc Ninh có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế, là tỉnh đứng đầu về giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) và đứng thứ hai về kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020. Đến nay, gần 80.000 lao động ở Bắc Ninh đã được tiêm phòng vaccine. Trong điều kiện Bắc Ninh duy trì hoạt động sản xuất bình thường, VDSC nhận định đợt bùng phát mới nhất có thể kìm hãm tăng trưởng sản xuất vào tháng 6/2021 nhưng sự phục hồi sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2021.
Standard Chartered: Nền tảng kinh tế vẫn đượcduy trì mạnh mẽ
Trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu do Ngân hàng Standard Chartered xuất bản đầu tháng 6/2021 với tựa đề “Vietnam-Strong performance continues this year” (Việt Nam-Tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay), Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2021 và 7,3% năm 2022. Như vậy, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với mức dự báo 7,8% được đưa ra hồi tháng 1/2021.
Theo ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered, việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng là do sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 thứ tư đã có những ảnh hưởng tới nền kinh tế. “Tuy vậy, nền tảng kinh tế của Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ và là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới trong giai đoạn dịch bệnh. Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao những ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra trong nước”, ông Tim nói.
Các chuyên gia của Standard Chartered cho biết Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine từ ngày 8/3 với khoảng 1 triệu người đã được tiêm chủng, phần lớn là các nhân viên y tế tuyến đầu. Việc triển khai tiêm chủng mở rộng là điều kiện quan trọng để mở của trở lại du lịch và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ có thể làm gia tăng lạm phát. Bên cạnh đó, giá cả thực phẩm trên thế giới gia tăng cũng đang gây ra ảnh hưởng lên lạm phát trong nước. Theo đó, lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt 3,8%.