Biên soạn sách giáo khoa - chia sẻ từ người trong cuộc
Theo TS. Bùi Phương Nga, để biên soạn một bộ sách giáo khoa thì ngoài đội ngũ tác giả còn rất nhiều đội ngũ phía sau như biên tập, họa sĩ, in ấn, phát hành.
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, TS. Bùi Phương Nga - Chủ biên SGK Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2, 3 và chủ biên SGK Khoa học lớp 4, 5, bộ sách Cánh Diều cho biết: "Tôi vừa là chủ biên của chương trình cũ và sau này lại tham gia xây dựng chương trình mới nên tôi hiểu công việc biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) vất vả thế nào".
Về phía chủ biên, TS. Bùi Phương Nga cho biết, mỗi bộ SGK phải tập hợp một đội ngũ tác giả, nghiên cứu chương trình. Mỗi môn học tùy theo số lượng tiết học mà cần số lượng tác giả ít hay nhiều cho phù hợp.
Với môn Tự nhiên và Xã hội ở cấp tiểu học, một năm có 70 tiết nhưng ít nhất phải có khoảng 5 tác giả biên soạn. Còn với những môn nhiều tiết hơn như Toán và Tiếng Việt thì số tác giả sẽ phải nhiều hơn.
Theo TS. Bùi Phương Nga, không phải nhà khoa học nào hay cán bộ giảng dạy đại học nào cũng có thể biên soạn được SGK. Có thể có những nhà khoa học chuyên môn rất giỏi nhưng những lĩnh vực về tâm lý giáo dục hoặc đi sát vào lứa tuổi học sinh lại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hơn nữa, viết SGK cho phổ thông khác với viết các giáo trình đại học. Ở phổ thông, kiến thức chuyên môn chuyên ngành thôi chưa đủ mà còn cần có hiểu biết về giáo dục học, phương pháp dạy học.
Ví dụ, vẫn bài học như thế phải nghiên cứu yêu cầu cần đạt của chương trình, con đường nào tiếp cận để xây dựng nên bài học nhằm đáp ứng mục tiêu của chương trình mới. Chương trình mới được xây dựng không tiếp cận dựa trên nội dung môn học đơn thuần mà tiếp cận theo định hướng hình thành phẩm chất và phát triển năng lực cho học sinh.
Vì vậy, các tác giả phải cân nhắc lựa chọn nội dung gì mức độ kiến thức chuyên môn đề cập đến đâu cho phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh, phương pháp tiếp cận ra sao, vận dụng kiến thức kỹ năng đã học vào đời sống như thế nào… để thể hiện ra trong bài học.
"Tôi vừa là chủ biên của bộ SGK Tự nhiên và Xã hội, Khoa học cũ, bây giờ là chủ biên mới cho SGK Tự nhiên và Xã hội, Khoa học của bộ sách Cánh Diều, ngay bản thân tôi cũng không thể đi vào lối mòn được. Vẫn phải bỏ thời gian, công sức ra nghiên cứu để đáp ứng được tinh thần đổi mới được thể hiện trong SGK".
TS. Bùi Phương Nga cho biết thêm, ngoài đội ngũ tác giả thì để biên soạn một bộ SGK còn rất nhiều đội ngũ phía sau như: biên tập, họa sĩ, in ấn, phát hành.
"Không thể nói hết được quá trình biên soạn SGK nhưng cũng đủ thấy biên soạn một bộ sách là hết sức công phu và phức tạp, chưa kể chi phí cho mỗi bộ sách với đầy đủ các môn học cũng rất tốn kém. Nếu vài năm tới có thêm một bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn thì nên có một bộ SGK chuẩn bản quyền và làm sao để bộ sách SGK đó phải bình đẳng với các bộ sách SGK khác", TS. Bùi Phương Nga chia sẻ.
Theo Bộ GD&ĐT, chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn SGK, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn SGK.
Tổ chức biên soạn SGK thu hút đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn SGK đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia. Trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các môđun triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có tổng số 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp: Lớp 1: 221 tác giả; Lớp 2: 199 tác giả; Lớp 3: 234 tác giả; Lớp 6: 276 tác giả; Lớp 7: 318 tác giả; Lớp 10: 382 tác giả.