Biến thể Delta bùng phát đe dọa đà phục hồi kinh tế Trung Quốc

Đợt tái bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc kể từ khi đại dịch xuất hiện vào cuối năm 2019, đang cản trở hoạt động du lịch và chi tiêu trong tháng 8 - cao điểm tiêu dùng mùa hè của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc ngày 4/8 báo cáo có thêm 71 ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, mức cao nhất kể từ tháng 1/2021, trong bối cảnh nước này tăng tốc xét nghiệm trên diện rộng và truy vết phát hiện một loạt ca nhiễm biến thể Delta.

Hiện quốc gia này đã ghi nhận gần 500 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ giữa tháng 7, sau khi một ổ dịch bùng phát tại sân bay ở Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô. Đợt bùng phát của biến thể Delta đã lan rộng sang gần một nửa trong số 32 tỉnh của Trung Quốc chỉ trong 2 tuần qua. Ít nhất 46 thành phố đã đưa ra khuyến cáo hạn chế đi lại với người dân, trừ khi thực sự cần thiết.

 Người dân đi tiêm vaccine Covid-19 ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Người dân đi tiêm vaccine Covid-19 ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Đối phó với đà lan rộng của biến thể Delta, giới chức Trung Quốc đang phải gấp rút đóng cửa các điểm du lịch, ngừng tổ chức những sự kiện văn hóa và hủy nhiều chuyến bay. Hiện tại, Lễ hội Bia Quốc tế tại Thanh Đảo đã bị hoãn. Tỉnh Vân Nam cũng hủy bỏ Lễ hội Đuốc. Bên cạnh đó, hơn 10 lễ hội âm nhạc ở nhiều thành phố cũng bị hủy hoặc hoãn, trong khi các rạp chiếu phim ở Nam Kinh, Trương Gia Giới và Liên Vân Cảng đều đóng cửa.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc có thể sẽ khiến hoạt động chi tiêu nhỏ lẻ bị hạn chế, và rủi ro này còn kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nửa cuối năm nay.

Chuyên gia kinh tế Liu Peiqian tại Natwest Group nhận định: “Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong quý III đang đối mặt một số rủi ro, và mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào thời gian kiểm soát dịch bệnh cũng như mức độ của các biện pháp hạn chế y tế”.

Các hãng hàng không dự kiến số lượng chỗ ngồi được lấp đầy trong tuần này sẽ thấp hơn 9,8% so với tuần trước, dựa theo số liệu từ trang phân tích đặt lịch OAG. Lượng chỗ ngồi hiện đạt mức 95,7% so với năm 2019.

Trong khi đó, Bruce Pang - trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô của China Renaissance Securities Hong Kong, đánh giá: "Tăng trưởng tiền lương của người dân đã chậm lại. Nếu họ không thể chi tiêu do dịch bệnh bùng phát, điều đó chắc chắn sẽ là lực cản đối với lĩnh vực tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm nay".

Theo ước tính của Bloomberg Economics, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc có thể giảm khoảng 0,2% trong tháng 7 và 8 so với tháng trước, tương tự như tác động đã chứng kiến trong đợt bùng phát ở đầu năm nay tại Hà Bắc và Cát Lâm. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong năm nay có thể giảm so với dự báo trước đó là 12%.

Rủi ro từ đợt lây lan của biến thể Delta xuất hiện trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến trong quý II/2021, do giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng thận trọng và thị trường bất động sản trầm lắng.

Giới chức Trung Quốc đã thận trọng trước nguy cơ tăng trưởng giảm tốc trong những tháng tới và cam kết đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đà hồi phục. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm nay.

Nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics Julian Evans-Pritchard nói với hãng tin Reuters, rằng biến thể Delta là thử nghiệm lớn nhất đối với chiến lược “zero Covid” (chiến lược nhằm kiểm soát dịch Covid-19 bằng cách áp dụng các biện pháp quyết liệt ngay khi có dấu hiệu, truy vết ngược, kiểm soát đi lại) của Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát lần đầu vào năm ngoái.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bien-the-delta-bung-phat-de-doa-da-phuc-hoi-kinh-te-trung-quoc-429910.html