Biến thể mới của COVID-19 đang lưu hành tại TP.HCM nguy hiểm đến đâu?
Những người nhiễm biến thể NB.1.8.1 có một số triệu chứng khác với những biến thể trước của COVID-19, song vẫn chưa ghi nhận sự khác biệt về mức độ lây lan hoặc làm bệnh nặng hơn.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về biến thể mới COVID-19 đang lưu hành tại TP.HCM. Đó là biến thể NB.1.8.1 được phát hiện ở 83% mẫu giải trình tự gen của một số bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng COVID-19.

Biến thể mới NB.1.8.1 có một số triệu chứng khác với những biến thể trước của COVID-19. Ảnh: SYT
Những điều cần biết về biến thể mới
NB.1.8.1 hiện được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại là biến thể đang được theo dõi (Variant Under Monitoring - VUM).
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh COVID-19 tại TP.HCM trong những tuần gần đây, đây cũng là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến thể mới.
Hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mức độ lây lan hoặc gây bệnh nặng của biến thể NB.1.8.1. Các dữ liệu khoa học cho đến nay vẫn chưa ghi nhận sự khác biệt về mức độ lây lan hoặc gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng lưu hành trước đây.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y dược TP.HCM, NB.1.8.1 là biến thể phụ của biến thể XDV.1, có nguồn gốc từ biến thể XDV được hình thành từ sự tái tổ hợp gene giữa biến thể JN.1 và XDE.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế bảo đảm tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc COVID-19. Ảnh minh họa
Theo thông tin từ cơ sở dữ liệu gene, bộ gene đầu tiên của NB.1.8.1 được công bố lần đầu vào đầu năm 2025, nó dường như mang các đột biến protein gai nhưng hiện chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại là biến thể được quan tâm hoặc biến thể đáng lo ngại.
Đáng chú ý, nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng trên phạm vi toàn cầu của NB.1.8.1 vẫn được WHO đánh giá là thấp. Tuy NB.1.8.1 dễ lây hơn do dễ bám được vào tế bào người, nhưng khả năng "né" hệ miễn dịch không cao hơn so với các biến thể trước.
Tính đến ngày 22-5-2025, NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia trên thế giới bao gồm Úc, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan, Thái Lan, Anh và Mỹ.
Điểm giống và khác nhau giữa biến thể mới và cũ
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, khẳng định người dân không nên hoang mang trước thông tin về biến thể mới NB.1.8.1.
“Đây là một biến thể của Omicron và được đánh giá là không đáng lo ngại. Làn sóng dịch do biến thể này gây ra cũng tương tự như các đợt xuất hiện của những biến thể gần đây” - bác sĩ Khanh nhận định.
Theo bác sĩ Khanh, số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây có thể là do tăng cường xét nghiệm, từ đó phát hiện nhiều ca dương tính hơn. Trên thực tế, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp tại các bệnh viện ở TP.HCM không có dấu hiệu gia tăng.
Theo quy luật tiến hóa, virus COVID-19 sẽ ngày càng suy yếu, do đó người dân nên xem căn bệnh này như một dạng cúm mùa thông thường. (Bác sĩ Trương Hữu Khanh)
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng hiện nay không mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, vì vậy người dân không nên đổ xô đi test. Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế, việc xét nghiệm vẫn rất cần thiết nhằm cách ly kịp thời và bảo vệ những người có nguy cơ cao.

TP.HCM chủ động các chiến lược phòng ngừa COVID-19. Ảnh minh họa
Còn theo bác sĩ Dũng, những người nhiễm biến thể NB.1.8.1 có khá nhiều triệu chứng, một số trong đó khác biệt với những biến thể trước của COVID-19.
Các triệu chứng thường thấy và xuất hiện khá sớm bao gồm thân nhiệt tăng nhẹ ở mức 37,6 - 38,1 độ C, có thể kéo dài. Bệnh nhân thường không đổ mồ hôi và thở nhanh như khi bị sốt cao.
Ngoài ra còn có các triệu chứng ở đường hô hấp trên như đau họng, ho, sổ mũi; rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, không muốn ăn, bụng khó chịu; các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, khó tập trung. Chưa hết, bệnh nhân còn bị mệt mỏi, yếu cơ, khiến cho các hoạt động hằng ngày cũng trở nên khó khăn; rối loạn giấc ngủ và lo âu khó ngủ, có cảm giác lo lắng.
“Các triệu chứng phổ biến liên quan đến các biến thể trước như mất khứu giác và vị giác lại rất hiếm xuất hiện ở các ca nhiễm biến thể NB.1.8.1” - bác sĩ Dũng thông tin thêm.
TP.HCM sẵn sàng chiến lược phòng ngừa COVID-19
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định biến thể mới NB.1.8.1 là tác nhân gây tăng số ca COVID-19 gần đây, biến thể này còn mới hơn Omicron XEC.
Theo quy luật, khi xuất hiện một biến thể mới thì bệnh tăng nhẹ rồi sẽ giảm. Nếu biến thể virus có độc lực cao mới gây bệnh nặng và tử vong (như thời của Delta). Ngành y tế TP đang theo dõi liên tục về nguy cơ lây lan của biến thể mới NB.1.8.1. Các chuyên gia đang đánh giá thêm về độc lực của biến thể mới này để xếp vào nhóm phù hợp, từ đó có chiến lược dự phòng, điều trị” - bác sĩ Châu nói.
Để chủ động triển khai phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trong tình hình hiện nay, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế từ hệ dự phòng đến điều trị sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc COVID-19.
Phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược bảo vệ người có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) chủ động giám sát tình hình biến động ca bệnh và biến chủng gây bệnh, đánh giá nguy cơ để kịp thời đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và hiệu quả.
Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng nhưng cũng không chủ quan trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng.
Khuyến cáo phòng, chống bệnh COVID-19
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp sau để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19:
1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.
2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).
3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…
Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.