Biến thể Omicron đã xuất hiện tại 44 quốc gia

Tính đến sáng 5/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở hầu khắp khu vực trên thế giới như châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông...

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 5/12 (giờ Việt Nam) trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 511.000 ca mắc COVID-19 và trên 5.400 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch tới nay đã là trên 265,6 triệu ca, trong đó trên 5,26 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (51.624 ca), Mỹ (trên 50.000 ca), Đức (46.379 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.215 ca), Ba Lan (502 ca), Mỹ (478 ca).

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viên ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh các ca mắc biến thể Delta tiếp tục tăng, ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận ca mắc biến thể mới Omicron. Ngay sau khi ca đầu tiên được phát hiện và công bố tại Nam Phi, biến thể siêu đột biến Omicron đã lan nhanh ra thế giới, bất chấp việc nhiều nước nhanh chóng đóng cửa biên giới với du khách đến từ các nước miền nam châu Phi.

Tính đến sáng 5/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở hầu khắp khu vực trên thế giới như châu Phi (Nam Phi, Botswana, Ghana…), châu Âu (16 nước, trong đó có Anh, Pháp Đức, Đan Mạch, Italy…), châu Mỹ (Mỹ, Brazil, Canada), Trung Đông (Israel, Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia) và châu Á-Thái Bình Dương (Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka).

Tại tâm dịch Nam Phi, Omicron hiện là biến thể lây nhiễm áp đảo khi 88% số ca mắc COVID-19 hiện nay ở Nam Phi được xác định là do biến thể Omicron gây ra và nước này đã rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ 4. Ngoài Nam Phi, Anh nổi lên là điểm nóng đáng quan ngại, khi ghi nhận hơn 150 ca nhiễm Omicron tính đến ngày 4/12.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/12 cho biết thế giới vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào do nhiễm Omicron và đây có thể được coi là thông tin tích cực. Đại diện WHO nhận định có thể mất nhiều tuần để các nhà khoa học xác định chính xác mức độ lây nhiễm của Omicron cũng như việc liệu biến thể này có làm tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong gia tăng hay không, cũng như khả năng kháng vaccine của Omicron như thế nào.

Nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy tại tâm dịch ở tỉnh Gauteng, Omicron có tốc độ nhanh hơn biến thể Delta và các chủng đã được phát hiện trước đó, nhưng tỷ lệ ca bệnh nặng nhập viện không tăng. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết hệ thống y tế và bệnh viện hiện vẫn hoạt động bình thường, chưa xuất hiện khủng hoảng quá tải.

Vaccine hiện vẫn được xem là công cụ hiệu quả nhất giúp thế giới ngăn chặn bùng phát tiềm tàng do Omicron gây ra. Các hãng dược lớn trên thế giới như Moderna, Pfizer/BioNTech, AstraZeneca đều cho công bố các kế hoạch nghiên cứu vaccine cải tiến. Ông Ugur Sahin - Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập BioNTech ngày 3/12 nhận định đến một thời điểm nào đó sẽ cần đến vaccine hiệu chỉnh để chống lại biến thể mới. Pfizer/BioNTech có thể bào chế vaccine mới trong vòng 6 tuần và các lô vaccine đầu tiên sẽ được giao trong 100 ngày.

Trong khi biến thể Omicron lan rộng, ngày 4/12, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi người dân nước này giữ bình tĩnh, không hoảng loạn trước tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19.

Phát biểu trước báo giới tại tại thủ đô Accra của Ghana, ông Ramaphosa cho biết vẫn thường xuyên liên lạc với Bộ trưởng Y tế Nam Phi và trao đổi về tình hình dịch tễ trong nước và diễn biến của biến thể Omicron.

Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh rằng, dù biến thể Omicron dễ lây lan hơn, nhưng số bệnh nhân nhập viện không tăng ở mức báo động, đồng nghĩa với việc số người có xét nghiệm dương tính tăng, số người phải nhập viện lại không lớn.

Theo số liệu của Bộ Y tế Nam Phi, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong những ngày qua tăng nhanh từ 4.373 ca ngày 30/11 lên 8.561 ca ngày 1/12, 11.535 ca ngày 2/12, 16.055 ca ngày 3/12 và 16.366 ca ngày 4/12. Dịch bệnh bùng phát mạnh ở 7 trên tổng số 9 tỉnh tại Nam Phi.

Phát biểu của ông Ramaphosa được đưa ra trong buổi họp báo ngay sau khi ông và người đồng cấp, Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo hội đàm, đạt được các thỏa thuận song phương. Hai nhà lãnh đạo thể hiện phản ứng cứng rắn về các lệnh cấm đi lại áp đặt đối với các nước châu Phi và cho rằng những lệnh cấm này mang tính "phân biệt đối xử”.

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa nhận định biến thể mới Omicron sẽ được tìm thấy trên toàn cầu và thế giới cần học cách sống chung với virus vì sẽ còn các biến thể khác xuất hiện. Tổng thống Ramaphosa cho biết ông đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước đã áp dụng lệnh cấm đi lại đối với Nam Phi và yêu cầu xem xét lại quyết định này.

Tổng thống Nam Phi bày tỏ hy vọng sẽ có phản ứng tích cực đối với yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm ngay lập tức vì các lệnh cấm đã được áp dụng đối với Nam Phi và các quốc gia ở miền Nam châu Phi.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bien-the-omicron-da-xuat-hien-tai-44-quoc-gia-post170493.html