Biến thể Omicron: Một nửa dân số Indonesia và châu Âu có nguy cơ nhiễm? Cảnh báo thành chủng chủ đạo ở Pháp
Báo Thế giới & Việt Nam cập nhật tình hình lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 tại một số quốc gia ngày 3/12.
Indonesia: Thứ trưởng Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono cảnh báo, ít nhất 40-50% dân số nước này có khả năng bị nhiễm biến thể Omicron, nếu dự vào tốc độ lây nhiễm của biến thể này cao hơn 1,2 lần so với Delta.
Con số trên tương đương với 82-135 triệu người theo số liệu dân số cập nhập tới tháng 9/2020 của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS).
Tuy nhiên, ông Dante cho hay, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định các đặc điểm của biến thể Omicron, tập trung vào 4 khía cạnh gồm: mức độ nghiêm trọng của Omicron đối với các bệnh nhân, ảnh hưởng của biến thể đối với hiệu quả của các loại thuốc, mức độ lây lan sang người khác và tiềm năng né tránh khả năng miễn dịch theo con đường lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm chủng.
Quan chức y tế Indonesia cũng kêu gọi tất cả người dân không lẩn tránh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, chính phủ nước này cấm các quan chức đi nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, ngoại trừ những người thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của nhà nước.
Bộ trưởng cao cấp này cũng kêu gọi người dân không đi du lịch nước ngoài trong thời điểm hiện tại nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron và duy trì sự kiểm soát đại dịch ở trong nước.
Châu Âu: Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho hay, biến thể Omicron có thể chiếm hơn một nửa số ca mắc Covid-19 ở các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), dựa trên mô hình toán học do cơ quan này thực hiện.
Trong khi đó, thêm nhiều nước châu Âu ghi nhận các ca đầu tiên mắc biến thể Omicron.
Truyền thông Na Uy đưa tin, một đợt bùng phát ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận ở Oslo sau bữa tiệc Giáng sinh ở công ty. Nước này đã phát hiện 1 trường hợp nhiễm biến thể Omicron và giới chức y tế đang tiến hành truy vết những người tiếp xúc với ca mắc. Dự báo số ca mắc sẽ gia tăng trong những ngày tới.
Cùng ngày, Đan Mạch thông báo đã ghi nhận 7 ca nhiễm biến thể Omicron mới.
Viện Y tế Phần Lan cho hay đã ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể Omicron đến từ Thụy Điển.
Tại Anh, có thêm 10 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số trường hợp thuộc diện này lên 42.
Trong khi đó, tại Pháp, cố vấn khoa học hàng đầu Jean-Francois Delfraissy nhận định, biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể trở thành chủng chủ đạo tại nước này vào cuối tháng 1.
Phát biểu với BFM TV, chuyên gia này cho hay "kẻ thù thực sự" hiện nay vẫn là Delta, dẫn tới làn sóng bùng phát thứ 5. Tuy nhiên, ông Delfraissy nhận định: "Chúng ta có thể chứng kiến một sự gia tăng không ngừng của biến chủng Omicron, sẽ thay thế Delta", có khả năng vào cuối tháng 1.
Chuyên gia này nói thêm: "Giáng sinh sẽ không dẫn tới nguy cơ nếu tất cả người dân và các nhà lập pháp vô cùng cảnh giác", đồng thời nhắc lại, giãn cách xã hội và mũi tiêm tăng cường, mũi thứ 3, là những vũ khí then chốt trong cuộc chiến chống Covid-19.
BFM TV cũng dẫn lời giới chức y tế Pháp đưa tin, nước này phát hiện một ca nhiễm biến chủng Omicron ở khu vực Paris, trở về từ Nigeria.
Brazil: Bộ Y tế Brazil thông báo tiếp tục phát hiện thêm 2 trường hợp dương tính với biến thể Omicron, nâng tổng số người nhiễm biến chủng mới này tại Brazil lên 5 người.
Theo Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga, hai ca dương tính với biến thể Omicron này nhập cảnh tại sân bay quốc tế Guarulhos ở bang Sao Paolo trên một chuyến bay đến từ Nam Phi. Sau khi nhập cảnh, hai người này di chuyển tới thủ đô Brasilia và hiện được cách ly y tế.
Châu Phi: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các quốc gia châu Phi đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron thông qua việc phát hiện và kiểm soát nhiều hơn.
Theo WHO, tại châu Phi, biến thể Omicron cho đến nay chỉ được phát hiện ở 4 quốc gia gồm Nam Phi (172 trường hợp), Botswana (19 trường hợp), cùng với một số trường hợp mới phát hiện ở Ghana và Nigeria. Chỉ riêng hai nước đầu tiên đã chiếm 62% tổng số ca nhiễm biến chủng Omicron trên toàn cầu.
Theo báo cáo ngày 30/11, sự gia tăng số ca nhiễm gần đây ở phía Nam châu Phi, chủ yếu từ Nam Phi với mức tăng 311%.
WHO đang làm việc với các chính phủ châu Phi để đẩy nhanh các nghiên cứu và tăng cường phản ứng với biến thể mới cũng như thúc giục các quốc gia xử lý từ 75 đến 150 mẫu hàng tuần.
Tổ chức này cho biết thêm, đã huy động các chuyên gia và 12 triệu USD để hỗ trợ lần lượt cho Botswana, Mozambique và Namibia trong 3 tháng tới.