Biến thể Omicron sẽ 'soán ngôi' Delta?

Giám đốc Viện Quốc gia Nam Phi về bệnh truyền nhiễm cho biết biến thể Omicron được phát hiện ở miền Nam châu Phi có thể là ứng viên khả dĩ nhất vượt mặt biến thể Delta trở thành chủng trội.

Theo ông Adrian Puren, quyền giám đốc điều hành Viện Quốc gia Nam Phi về bệnh truyền nhiễm (NCID), nói với hãng tin Reuters: "Chúng tôi nghĩ biến thể nào sẽ vượt qua Delta? Đó luôn là câu hỏi, ít nhất là về khả năng lây truyền... có lẽ câu trả lời là Omicron".

Nếu Omicron được chứng minh có khả năng lây truyền cao hơn cả biến thể Delta, điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng đột biến các nhiễm, gây áp lực lên các bệnh viện.

Ông Puren cho biết các nhà khoa học cần khoảng 4 tuần để nghiên cứu liệu Omicron có thể né tránh khả năng miễn dịch do vắc-xin tạo ra hoặc gây tái nhiễm ở những người từng mắc Covid-19 ở mức độ nào và liệu nó có gây ra các triệu chứng lâm sàng tồi tệ hơn các biến thể khác hay không.

Người dân xét nghiệm Covid-19 trên đường ở TP New York - Mỹ Ảnh: Reuters

Người dân xét nghiệm Covid-19 trên đường ở TP New York - Mỹ Ảnh: Reuters

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Nam Phi cho biết Omicron dường như gây ra các triệu chứng nhẹ, bao gồm ho khan, sốt và đổ mồ hôi ban đêm nhưng các chuyên gia đã cảnh báo chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn.

TS Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, đề cập đến ca nhiễm đầu tiên là một bệnh nhân nam khoảng 33 tuổi. Người này có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức toàn thân và đau đầu. Người bệnh không bị đau họng, chỉ ngứa cổ họng nhưng không ho, không mất vị giác và khứu giác. Đây là điểm khác biệt so với triệu chứng của các biến thể trước đây.

Theo TS Inci Yildirim, bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi khoa Yale Medicine, người mắc biến thể Delta và Alpha có triệu chứng giống nhau, gồm đau đầu, đau họng, sổ mũi và sốt. Nhiều bệnh nhân mất khứu giác, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Sau khi đã khỏi bệnh, nhiều người nhiễm Delta và Alpha vẫn có các triệu chứng kéo dài khoảng 3 tháng dù đã âm tính.

TS Emily Landon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH Chicago, cho rằng người bệnh dễ nhầm lẫn triệu chứng giai đoạn đầu nhiễm biến thể Omicron với bệnh cảm cúm thông thường. Nhưng dựa trên các trường hợp mắc Covid-19 trước đây, biểu hiện nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện sau 14 ngày, đặc trưng là khó thở.

Ông Puren cho biết còn quá sớm để nói liệu biến thể Omicron có thay thế Delta ở Nam Phi hay không nhưng thực tế là các ca mắc biến thể mới bắt đầu tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là ở tỉnh đông dân nhất Gauteng.

Biến thể Delta đã thúc đẩy làn sóng ca mắc Covid-19 thứ 3 ở Nam Phi, với đỉnh điểm là hơn 26.000 ca mỗi ngày vào đầu tháng 7. Biến thể Omicron dự kiến kích hoạt làn sóng thứ 4 với số ca mắc mỗi ngày lên đến con số 10.000 vào cuối tuần từ khoảng 2.270 ca hôm 29-11.

Bà Anne von Gottberg, nhà vi sinh vật học lâm sàng ở NICD, lập luận không nên khẳng định biến thể Omicron khiến số ca nhiễm tại Nam Phi tăng. Chuyên gia này nói: "Thực tế nhiều người nhập viện có thể mắc bệnh trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Chúng tôi cũng thấy số ca nhiễm cúm ở Nam Phi tăng trong tháng trước nên chúng ta cần cẩn thận kiểm tra các bệnh hô hấp khác".

Sắp có vắc-xin ngừa Omicron

Hãng dược Moderna cho hay họ có thể hoàn thành thử nghiệm và nộp đơn xin cấp phép tại Mỹ đối với vắc-xin dành riêng cho biến thể Omicron vào tháng 3-2022. Chủ tịch Stephen Hoge hôm 1-12 khẳng định liều bổ sung được bào chế riêng là cách nhanh nhất để đối phó với biến thể mới này. Moderna cũng đang nghiên cứu một loại vắc-xin có khả năng ngăn được nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm Omicron.

Trong khi đó, hãng Pfizer cho hay cần khoảng 100 ngày để điều chế liều vắc-xin phù hợp với Omicron và Nga cần khoảng 45 ngày để cải tiến vắc-xin đối phó biến thể mới.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bien-the-omicron-se-soan-ngoi-delta-20211202113547145.htm