Biến tiềm năng thành sản phẩm OCOP

Xác định Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) sẽ tạo 'cú huých' cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Mường Khương rất chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng.

Mường Khương:

Sản phẩm OCOP của huyện Mường Khương được "số hóa" truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm OCOP của huyện Mường Khương được "số hóa" truy xuất nguồn gốc.

Mường Khương có 3 tiểu vùng khí hậu (nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới), thuận lợi để phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như gạo Séng cù, quýt, lợn đen, dứa, chè Shan tuyết, tương ớt… Với hướng phát triển bền vững, phần lớn sản phẩm trên đang được xây dựng thương hiệu, gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến.

Tháng 10/2022, Công ty TNHH Một thành viên Mường Hoa (Công ty Mường Hoa), xã Cao Sơn có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 4 sao OCOP, là trà Việt Ô Long và Việt Hồng trà. Bà Hà Thị Tuyến, Giám đốc công ty cho biết: Năm 2011, công ty liên kết với các hộ nông dân trồng chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Đến nay, 2 xã Cao Sơn và La Pan Tẩn đã trồng được 250 ha chè theo quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè chất lượng cao đã được tỉnh phê duyệt và được Công ty Mường Hoa thu mua, chế biến và bao tiêu sản phẩm.

Cùng với 2 sản phẩm của Công ty Mường Hoa, đến nay, Mường Khương đã có 8 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 9 tháng năm 2022, Mường Khương có 4 ý tưởng sản phẩm được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh chấp thuận, gồm dứa (HTX Thịnh Phong); thịt nạc lợn bản sấy, thịt lợn sấy vị bò khô (HTX Sơn Hòa); lạp xường Dung Sử (hộ kinh doanh Phùng Kim Dung).

Quýt mường Khương được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Quýt mường Khương được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương khẳng định: Phát triển sản phẩm OCOP đã làm tăng giá trị nông sản. Như sản phẩm gạo Séng cù Mường Khương, sau khi đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh đến nay, giá bán ổn định từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 2 - 2,5 lần so với một số loại gạo khác. Đồng thời, thu nhập của người lao động tăng khoảng 10%, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tăng từ 15 - 30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, Mường Khương tăng cường công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, gắn sản xuất với chế biến để nâng cao giá trị nông sản.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363201-bien-tiem-nang-thanh-san-pham-ocop