'Biến tướng' của tin giả
Nhiều ngày gần đây, một số trang mạng liên tục dẫn thông tin từ một số đại diện trung tâm đào tạo lái xe, úp mở cho rằng sắp tới học phí đào tạo lái xe sẽ có thể lên tới 30 triệu đồng/khóa.
Thông tin trên khiến dư luận “sôi sùng sục”, bởi hàng chục triệu người dân ai chẳng mơ mộng cảnh rồi sẽ vần vô lăng bốn bánh thay cho hai bánh. Với thông tin số tiền phải trả để mở màn giấc mơ này sẽ tăng gấp 5-6 lần so với hiện tại thì ai chẳng băn khoăn bàn tán?
Phải đến khi Tổng cục Đường bộ có văn bản khẳng định một số tổ chức, cá nhân đã tạo dư luận không đúng, người ta mới biết chuyện thông tin “sẽ tăng phí đào tạo” chỉ là chiêu trò của một số trung tâm hòng “hút” học viên đăng ký nhập học lái xe. Những người đã sốt sắng đưa tin vấn đề này, không hiểu vì quá dễ dãi cả tin hay vì lý do nào khác?
Lâu nay, những dạng “tin giả” biến tướng như trên không phải hiếm gặp. Hàng ngày, lướt qua một số trang mạng, vẫn thấy có những bài viết dạng “xót xa với những siêu xe bị bỏ quên”, cho rằng có những chiếc xe hơi giá trị nhiều tỉ bị “bỏ rơi” trên đường phố. Thực chất, trong giới chơi xe, ai cũng biết đó là những chiếc xe nhập lậu, hoặc bị tai nạn nặng rất khó sửa chữa, lâm vào tình trạng tiền sửa có thể lớn hơn nhiều lần giá trị chiếc xe; chủ xe “mặc xác”, ném ra ngoài đường cho nhẹ nợ, đỡ tiền gửi xe.
Một dạng “tin giả” khác, hay gặp hơn, diễn ra trong giới showbiz. Ví dụ ca sĩ này, người mẫu kia, hoa hậu nọ sắm nhà nhiều tỷ, tậu xe nhiều trăm ngàn đô. Phải đến khi một “nhan sắc” bị bắt giam vì bị một doanh nhân tố cáo lừa tiền, người ta mới hay những nhà đó xe đó chỉ là đồ đi mượn, hoặc là kết quả ngắn hạn của “hợp đồng tính ái” trơ trẽn.
Dạng tin giả phổ biến nhất, là một số bài viết giới thiệu những “cổ vật”, cây xanh, hòn non bộ, giò lan “quý” có giá tới nhiều tỷ hay nhiều chục tỷ. Thế nhưng xưa nay, đã mấy ai thấy những “thương vụ tiền tỷ” này thành công hay chỉ thấy năm này qua năm khác phần lớn những “báu vật” đó vẫn lâm cảnh mốc meo; rồi “thổi” mãi cũng nhàm.
Phải chăng như dân gian có câu “không ai đánh thuế người nói khoác”, nên tình trạng người đọc bị “xỏ mũi” như trên đến nay vẫn tiếp diễn? Vẫn biết một số trang mạng sống nhờ “view”, phải cố gắng thu hút “view” bằng những câu chuyện trên và tự biện hộ bằng cách tự nhủ “chuyện chẳng chết ai”. Nhiều ý kiến không đồng ý quan điểm ấy. Vì những “tin giả” dạng này không làm chết ai ngay lập tức, nhưng ngày qua ngày sẽ tạo nên sự nhận thức lệch lạc, làm đảo lộn giá trị xã hội khi cổ súy những chuyện nhảm nhí, làm “méo mó” quan niệm sống của một số người đọc.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/bien-tuong-cua-tin-gia-497401.html