Biển và hồn thơ Trịnh Vĩnh Đức
Biển là đề tài bất tận của thi ca bao đời nay. Từ khi còn ở tuổi học trò, tôi đã thuộc lòng bốn câu thơ của Tế Hanh:
Ta đi trên bãi cát êm đềm
Thân buông theo gió, hồn theo mộng
Sóng biến vào anh với sóng em.
Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận, rồi Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh... đã có những vần thơ về biển, biến thành ca khúc cứ ngân mãi, ngân mãi trong tâm hồn người: “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu/ Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau... rạn vỡ...” (Thuyền và Biển – Xuân Quỳnh).
Vẫn là cảm hứng về biển tình, Trịnh Vĩnh Đức có cả một tập “Hương biển” với những Biển xanh thắm mênh mang. Càng đẹp hơn bên Lạch Trường tỏa sáng. Đất quê hương vang khúc ca hùng tráng.
Mùa hè người ta kéo nhau xuống biển tắm mát và ở đó là nơi gặp gỡ của tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử. Nhưng Vĩnh Đức lại về Sầm Sơn vào một buổi chiều thu để “Thả cầu vồng, mưa đan nắng thu ơi!” Rồi không thể thiếu “anh” và “em” “Tôi xoay mình đi ra phía biển khơi/ Đại dương xanh, chiều Sầm Sơn vời vợi/ Anh rỡn sóng thu trải lòng mong đợi/ Em thì thầm sóng lượn ướt bờ môi”. Và anh phải thú nhận mình say, say tình hay say gió đây anh: “Tôi say mềm gió mùa thu mát lạ/ Nên lòng mình mắc cỡ gió thu ơi! (Chiều thu Sầm Sơn).
Vẫn là ở biển Sầm Sơn nhưng bài “Hương biển” anh không ồn ào giỡn sóng, không thả cầu vồng mà lại hít hà cái hương nồng của biển. Rồi như thấy: “Hương biển gọi dưới trăng lòng thao thức... Dưới sao trời biển cả sóng mênh mông/ Anh mới hiểu vị ngọt ngào sâu lắng/ Lòng đại dương giữa muôn trùng cánh sóng/ Vỗ vào lòng con sóng của ngày xưa/ Biển êm đềm con sóng cứ đu đưa/ “Thuyền và biển” khúc ca nào diệu vợi/ Nên lòng anh cứ nôn nao chờ đợi/ Biển ôm bờ hôn sóng hóa thành thơ... Đại dương xanh sóng chập chờn ẩn hiện/ Hương biển ngọt ngào sâu thẳm với riêng anh.
Một loạt bài về biển kế tiếp nhau làm cho tập thơ nặng tình biển, thắm đẫm tình người: Chiều biển, Biển và em, Biển tình, Thơ tình, Thơ tình với Nha Trang, Trước biển, Biển Sầm Sơn, Nha Trang biển gọi, Hạ Long biển và em, Phú Quốc đảo ngọc, Bâng khuâng Cửa Lò...
Ai cũng biết biển vô cùng thơ mộng, biển cho ta biết bao sản vật quý hiếm, một nguồn thủy sản lớn đã cho con người nguồn sống; nguồn tài nguyên về dầu khí, về khoáng sản đã làm cho nhiều quốc gia giàu có. Nhưng biển cũng gây cho con người biết bao hiểm họa về sóng thần, bão tố, cướp đi biết bao sinh mạng con người và tài sản. Các nhà thơ thường lấy sóng biển để nói về sóng tình; bão biển để nói đến bão lòng. Vĩnh Đức lấy Biển chiều để vẽ chân dung “Em”, để mô tả con sóng ngầm trong lòng anh: “Ai vẽ chiều lên tóc xõa ngang vai/ Áo mỏng phập phồng quên cài ngực sóng/ Gió mơn man biển đưa tình lạ lẫm/ Hương tóc em lẫn hương biển nồng nàn” Và “Em tựa vào anh sóng cứ lao xao/ Có phải vì em sóng ngầm tung bọt trắng?/ Để giấu đi vết son màu hoa nắng/ Hương biển chiều trong vị ngọt môi em” (Biển chiều). Khi biển thu hẹp lại chỉ trong vòng tay anh, thì biển ấy là: “Biển trời thu nhỏ vòng tay/ Ôm em thỏa khát chốn này mộng mơ/ Mong trời biển cứ nguyên sơ/ Để em cùng sóng thẫn thờ tìm nhau”. Sóng biển thì bạc đầu và lúc nào cũng hát, còn gió biển thì “Gió biển chiều hè xõa tóc ai/ Làm rung áo ngực nếp khuy cài/ Vô tình trong gió anh bắt được/ Có bóng hình em hương tóc mai”.
Biển thì ở đâu cũng vậy thôi. Nước xanh, bờ cát mịn, sóng lăn tăn và sóng ầm ào dữ dội. Nhưng ở mỗi nơi anh đến còn phụ thuộc vào cảnh quan, vào tình cảm, vào thời khắc mà cho ra những câu thơ, bài thơ khác khau. Đối với Trịnh Vĩnh Đức thì Nha Trang là “Nha Trang ơi/ Anh ngắm sóng trùng khơi/ Giấu lời em trong gió/ Để ngực trần hút cạn gió biển khơi”. Còn ở Sầm Sơn thì anh lại thấy biển hát, chắc thời khắc ấy lòng anh đang vui: “Sầm Sơn đất Quảng ngày xưa ấy/ Nghe biển mênh mông hát vọng về/ Xao xuyến trong lòng trăm nỗi nhớ/ Nhớ ai, ai nhớ một thời xuân?”. Khi anh đến Hạ Long: “Anh đến Hạ Long/ Cùng em và biển/ Biển nồng nàn thả sóng hát vào anh/ Biển thì đẹp còn tình em lặng lẽ/ Anh nồng nàn yêu cả biển và em”. Và khi Vĩnh Đức về Cửa Lò Nghệ An thì: “Anh đến Cửa Lò chiều hoàng hôn tím đỏ/ Biển xanh đợi chờ dịu ngọt/ Anh mải miết tìm em”.
Thật là cứ đến biển là anh lại nghĩ đến em, lại đi tìm em, lại nồng nàn với em. Cảm quan về biển của Trịnh Vĩnh Đức là biển của tình yêu. Khác với Đinh Ngọc Diệp, anh nhìn biển với một cảm quan đời người trước biển và biển của Diệp là: “Biển gầm lên, biển là một nghìn cái thác/ Đè lên nhau và con thuyền cưỡi lên đầu ngọn thác/ Vàng lưới xanh rải ra, biển bạc kéo lên thuyền”.
Biển mênh mông, bao la vậy, người thi sĩ đến, ở lại và suy nghĩ, cảm quan để ngòi bút cho ra những vần thơ xương máu. Tập thơ Hương biển của Trịnh Vĩnh Đức đã chạm vào trái tim yêu của người đọc; người đọc hiểu về biển và yêu biển hơn, yêu đời hơn. Ấy là thơ nói về biển, trong tập thơ còn có một mảng đề tài về tình yêu. Trước hết, anh yêu quê hương Hoằng Hóa của anh, yêu dải biển dài mấy cây số của quê anh và đương nhiên là tình yêu đôi lứa. Nhiều câu thơ, khổ thơ đọng lại trong lòng người đọc, rồi lan tỏa, rủ rê: “Ôi cò trắng lòng vẫn thắm muôn nơi/ Vẫn thủy chung cánh chao nghiêng chiều gió/ Gửi hồn quê nơi sóng trôi còn đó/ Vang vọng đôi bờ xanh ngắt tím hoa rơi”.
Tình yêu nâng cánh cho cuộc sống thăng hoa. Quê hương, mẹ và em là mạch nguồn của thơ anh: Nay trở về nơi quê mẹ, mẹ ơi/ Thương nhớ quê tôi sớm chiều vất vả/ Bên dòng sông em một đời yên ả/ Thao thức lòng đau đáu với sông quê/ Tôi khát khao về với những đam mê/ Được chở hồn quê quay về thuở nhỏ/ Để nhớ ai nhớ một thời hoa đỏ/ Quê hương nỗi lòng gắn trọn cuộc đời tôi.
Thơ tình của Trịnh Vĩnh Đức lấy thời khắc của thời gian để tìm tứ và biểu đạt. Trong bài lục bát Tháng Giêng anh viết: Tháng Giêng em đến ngỏ lời/ Bâng khuâng câu hát một thời em trao/ Tháng Giêng ngõ vắng xôn xao/ Xa xa tiếng bạn bên nhau hẹn lòng/ Tháng Giêng hoa cải trổ ngồng/ Đong đưa theo gió cánh đồng nghiêng chao/ Tháng Giêng xanh mướt hàng cau/ Bóng ai thấp thoáng xôn xao cửa chùa. Và tháng ba: Gửi em hương bưởi bay xa/ Anh mang thương nhớ trong tà áo em/ Xin em lối ngõ đường quen/ Để ta lại nhớ hương đêm thuở nào. Tháng tư: Tháng tư về, anh gửi trọn đêm thâu/ Để cùng em ngắm sao trời thương nhớ/ Anh xin gửi tình yêu qua ngọn gió/ Vào hương nồng xao xuyến gọi tháng tư. Mạch thơ cứ liên tiếp trải dài trong các tháng, các mùa của năm. Mùa thu anh có câu thơ cho em: Đêm nay mùa thu em/ Khúc tình ca anh hát/ Để thu em thành nhạc/ Rơi đậu hoài trong thơ...
Trịnh Vĩnh Đức có một chùm thơ về hoa, anh không tả thực loài hoa, mà lấy mỗi loài hoa để gửi vào đó một tình yêu. Hoa loa kèn, Trăng và hoa, Hoa Trinh nữ, Hoa bưởi vườn nhà... cũng là cách anh chọn để gửi hồn mình vào những vần thơ hoa hợp cảnh hợp tình.
Loáng thoáng trong tập thơ còn có một số bài thơ tả cảnh, mượn tình khi anh đi thăm thú du lịch ở những nơi có cảnh đẹp, nơi có di tích lịch sử. Đó là những vần thơ có cảnh, có tình. Và một số bài phê phán, đả kích thói xấu ở đời, nạn tham nhũng... Nhưng theo tôi, anh nên để những bài này vào tập khác thì tập thơ chu chỉnh hơn, đưa vào tập Hương biển có phần lạc điệu.
Công việc hàng ngày của một hiệu trưởng bộn bề là thế mà Trịnh Vĩnh Đức vẫn dành một khoảng lặng cho thơ. Thơ anh giản dị, mạch lạc, thủ pháp và bút pháp chặt, tìm được những tứ hay. Nếu như ngôn ngữ biểu đạt chọn lọc hơn, mới hơn thì tập thơ còn có sức hấp dẫn nhiều hơn.
Phải thể tất rằng, trước anh đã có nhiều bài thơ biển của các nhà thơ lớn viết quá hay nhưng “Hương biển” đã đi vào lòng người đọc hôm nay với một sự mến mộ và ám ảnh, cũng là một niềm vui, đáng mừng cho tác giả Trịnh Vĩnh Đức, một thầy giáo làm thơ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bien-va-hon-tho-trinh-vinh-duc/102355.htm