'Biệt đội'giữ rừng di sản…
Giữ rừng, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đối với họ không chỉ là công việc thường xuyên mà còn là trách nhiệm với quê hương, với di sản. Được ví von là những 'biệt đội' giữ rừng ở VQG PN-KB, nhờ họ, mà rừng di sản ngày càng thêm xanh, cánh tay của lực lượng Kiểm lâm như được nối dài hơn…Để BVR di sản, VQG PN-KB đã thành lập 18 tổ xung kích ở các thôn, bản; 33 tổ BVR, 21 nhóm BTTB trên địa bàn 9 xã vùng đệm; ký hợp đồng khoán BVR với 11 tổ BVR, 28 nhóm hộ và 1 cộng đồng; đồng thời thực hiện hỗ trợ và chuyển giao các mô hình sản xuất phù hợp nhằm từng bước giảm áp lực của người dân lên tài nguyên di sản…
VQG PN-KB, hiện có gần 3.000 loài thực vật và hơn 1.300 loài động vật. Trong đó, có nhiều loài động thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Đặc biệt, là việc ghi nhận sự phân bố của quần thể loài Bách xanh đá 500 tuổi, diện tích khoảng 4.000ha. Với những đặc điểm nổi trội như vậy, nên sức hấp dẫn của rừng với “lâm tặc” là rất lớn.
Để bảo vệ di sản, những người dân sinh sống trong vùng đệm VQG PN-KB đã được giao khoán bảo vệ hơn trăm nghìn ha rừng. Nhờ có họ, mà rừng ngày càng thêm xanh, cánh tay của lực lượng Kiểm lâm được nối dài hơn, len lỏi khắp những cánh rừng bạt ngàn, mênh mông.
Ông Trần Thanh Chịnh, Nhóm trưởng nhóm bảo tồn thôn bản (BTTB) Cù Lạc 2 (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch) cho biết, ban đầu nhóm chỉ là những người trong làng nhận làm liên lạc và đi tuần tra rừng cùng cán bộ Kiểm lâm của VQG PN-KB. Nhưng sau này, tỉnh có chủ trương thành lập nhóm BTTB để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ rừng (BVR), bảo vệ di sản, vậy là nhóm chính thức ra đời. Hoạt động của nhóm dưới sự điều hành của Ban tham vấn BTTB VQG PN-KB và thực hiện theo kế hoạch tuần tra hàng tháng, hàng quý của Trạm Kiểm lâm số 6 (VQG PN-KB)…
Nhóm BTTB Cù Lạc 2 chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 (với 8 thành viên, gồm 6 nam, 2 nữ) là một tổ chức quần chúng tự nguyện tham gia tuần tra BVR, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn di sản trên diện tích rừng được VQG PN-KB giao bảo vệ theo thỏa thuận.
Ông Chịnh là người điều phối mọi hoạt động của nhóm, chịu trách nhiệm lên kế hoạch và phối hợp với Kiểm lâm viên địa bàn triển khai các tuyến tuần tra, truy quét BVR; kịp thời ngăn chặn cũng như gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại khai thác động thực vật tại VQG PN-KB.
“Nhóm đã xác định công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật là nhiệm vụ hết sức quan trọng, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Mỗi thành viên phải thực sự gương mẫu, chấp hành các quy định của pháp luật về BVR; đồng thời vận động người thân noi theo, từ đó thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng…”, ông Trần Thanh Chịnh cho hay.
Từ khi hoạt động đến nay, nhóm BTTB Cù Lạc 2 đã phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 6 thực hiện được gần 150 lượt tuyên truyền, 63 đợt tuần tra vòng trong, 88 đợt tuần tra vòng ngoài BVR; tháo gỡ gần 500 dây bẫy trong rừng VQG PN-KB.
Trạm trưởng trạm BVR số 6 Ngô Đình Hiếu gắn bó với di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB cũng ngót 20 năm. Như một lẽ tự nhiên, bất cứ chuyện gì Hiếu kể cũng liên quan đến rừng. Với anh và các cán bộ Kiểm lâm, BVR ở trạm thì cuộc sống của họ là ở rừng, tầm mắt, suy nghĩ, hơi thở đều gắn với rừng.
“Trạm có 13 người, trong đó có 9 Kiểm lâm viên và 4 nhân viên BVR, được giao quản lý gần 4.000ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở VQG PN-KB. Anh em ở đây, hầu hết đều học ngành Lâm nghiệp, làm đúng ngành, đúng nghề. Có lẽ, do sự lựa chọn từ trước nên họ đến với rừng trong trạng thái bình thản, không băn khoăn, tính toán, dù còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn…”, Trạm trưởng trạm BVR số 6 cho hay.
Trạm trưởng trạm BVR số 6 cho rằng, nhóm BTTB Cù Lạc 2 là những người giữ rừng chuyên nghiệp và ví von họ là những “biệt đội” giữ rừng di sản. Vai trò của nhóm rất quan trọng, ngoài thực hiện công tác tuyên truyền BVR di sản, các thành viên của nhóm BTTB còn là “tai mắt” của lực lượng Kiểm lâm trong việc cung cấp thông tin về các đối tượng lén lút vào rừng, buôn bán động vật hoang dã, tàng trữ vũ khí trái phép…
“Thời điểm năm 2018-2029, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ Hương giáng trái phép diễn ra phức tạp, nhóm BTTB Cù Lạc 2 đã thành lập tổ về tận các tổ dân phố, như: Xuân Sơn, Na, Phong Nha, Cù Lạc 1, Cù Lạc 2 để tuyên truyền người dân không khai thác trái phép tài nguyên rừng; đồng thời, thực hiện tốt công tác điều động nhân sự khi có cháy rừng xảy ra trên lâm phận được giao, quản lý… qua đó, góp phần cùng lực lượng Kiểm lâm thực hiện tốt công tác BVR, di sản VQG PN-KB…”, Trạm trưởng trạm BVR số 6 Ngô Đình Hiếu cho hay.
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Nguyễn Quang Vĩnh cho biết, với sự tham gia phối hợp tích cực của các nhóm BTTB và chính quyền địa phương vùng đệm, vùng lõi ở VQG PN-KB trong việc tuần tra, tuyên truyền vận động người dân tham gia BVR; cung cấp thông tin xử lý vi phạm; đặc biệt là các hoạt động vi phạm pháp luật, như: Khai thác gỗ, săn bắt, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật rừng… đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên rừng, làm giảm thiểu áp lực xâm hại tài nguyên khu vực VQG PN-KB.
Qua 6 năm triển khai hoạt động, 21 nhóm BTTB khu vực VQG PN-KB ở 9 xã tại các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh đã tham gia phối hợp với các trạm Kiểm lâm thực hiện tuần tra, BVR được 1.887 đợt với 3.629 lượt người tham gia; phát hiện 19 vụ vi phạm hành chính, 2 vụ hình sự; tháo gỡ 6.899 sợ dây bẫy các loại, đẩy đuổi 105 lượt người vào rừng trái phép…
Ngoài ra, các nhóm BTTB đã tổ chức thực hiện được 843 đợt tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia BVR, bảo tồn đa dạng sinh học với 7.003 lượt người tham gia, bằng nhiều hình thức, như: Lồng ghép thông qua các cuộc họp thôn, bản, hệ thống loa truyền thanh; gặp trực tiếp các đối tượng thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng; vận động gia đình, người thân tham gia BVR, không khai thác lâm sản và thực hiện các hành vi xâm hại rừng trái phép…
“Nhóm BTTB đã cung cấp nhiều thông tin quý về các đối tượng lạ mặt đến tại địa phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; các đối tượng trên địa bàn tàng trữ vũ khí và nuôi nhốt động vật rừng để lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vận động người dân tự giác giao nộp…”, ông Nguyễn Quang Vĩnh thông tin.
Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB Đinh Huy Trí cho biết, đề án thành lập nhóm BTTB của tỉnh do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ đã có nhiều đóng góp tích cực, nâng cao hiệu quả trong công tác BVR và bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG PN-KB; đồng thời nhận thức của cộng đồng địa phương tại các thôn, bản và các xã có những chuyển biến tích cực....
“Hiện nay, đề án đã kết thúc, nhưng đơn vị sẽ tiếp tục lồng ghép vào các chương trình, dự án để duy trì các nhóm BTTB. Từ việc xây dựng mô hình bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng đã có tác động đáng kể trong việc thay đổi phương thức tiếp cận về bảo tồn thiên nhiên đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, là kinh nghiệm quý trong việc thúc đẩy phương thức tiếp cận bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng….”, Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB cho biết thêm.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202309/biet-doigiu-rung-di-san-2212252/