'Biệt đội' săn chuột đồng

Cứ đến mùa thu hoạch lúa, nhiều thanh niên làng Groi 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai) lại tỏa đi khắp các cánh đồng trong tỉnh để săn chuột. Không chỉ kiếm tìm nguồn thực phẩm thơm ngon, mỗi chuyến đi săn với họ còn là niềm vui được hòa mình vào thiên nhiên bên những người anh em gắn bó.

Đặt bẫy

Hơn 4 giờ chiều, anh Khelly Nguyên đã hô hào, tập trung những thanh niên vừa xong ngày hái cà phê về giọt nước cuối làng. Nhóm của anh Nguyên có 6 người, mỗi người mang theo 30-40 cái bẫy chuột được quấn từ những sợi dây thép. Cả nhóm tập trung bắt cào cào bỏ vào những chai nhựa để dùng làm mồi bẫy chuột. Khi đã kiếm đủ mồi, họ bắt đầu hành trình đi săn chuột. “Hôm nay, bọn mình sẽ đi cánh đồng Sân bay Pleiku. Ở đó vừa gặt lúa xong, chuột sẽ ra nhiều. Cánh đồng này người Jrai trồng lúa giống địa phương, 6 tháng mới gặt nên không dùng thuốc trừ sâu như loại lúa 3 tháng. Chuột ăn lúa này nên thịt ngon lắm”-anh Hngol (một thanh niên trong nhóm) chia sẻ.

Mỗi đêm, có hàng trăm con chuột bị mắc bẫy. Ảnh: V.N

Mỗi đêm, có hàng trăm con chuột bị mắc bẫy. Ảnh: V.N

Chỉ mất khoảng 30 phút đi xe máy, cả nhóm đã có mặt ở cánh đồng. Lúa ở cánh đồng đã thu hoạch gần hết, chỉ còn rải rác vài đám. Nhóm thanh niên chọn một bãi đất trống khô ráo, nằm gần giọt nước làm điểm tập kết, cũng là nơi họ sẽ trải bạt ngủ lại qua đêm.

Từ đây, mỗi “thợ săn” mang theo bẫy tỏa đi khắp cánh đồng, bắt đầu lần tìm dấu vết con mồi. Anh Nguyên cho biết: “Không phải chỗ nào cũng đặt bẫy được bởi chuột chỉ ra ăn ở những ruộng nào xăm xắp nước. Mình phải lần theo các bờ ruộng để tìm dấu chân chuột. Phải là người quen nghề, tinh mắt mới nhìn thấy vì dấu chân chuột rất nhỏ. Dấu chân càng mới thì khả năng chuột dính bẫy càng cao vì chúng chỉ quanh quẩn gần đó thôi. Hoặc những chỗ trên bờ đất cứng, chuột đi từ hang ra sẽ tạo thành đường, đất hơi nhẵn và bóng. Ở đó thì mình cũng có thể đặt bẫy chắn ngang đường vì chuột đã đi đường nào rồi thì sẽ quen đường đó”.

Cận cảnh 1 con chuột bị mắc bẫy. Ảnh: V.N

Cận cảnh 1 con chuột bị mắc bẫy. Ảnh: V.N

“Đại tiệc” giữa cánh đồng

Sau khi đặt bẫy khắp cánh đồng, nhóm thanh niên trở về điểm tập kết để nấu cơm ăn. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh Nguyên kể, từ nhỏ, đám con trai trong làng đã theo người lớn đi săn chuột đồng. Bởi thế, săn chuột trở thành “nghề” mà ai cũng thành thục. Tùy từng khoảng thời gian của mùa gặt ở những cánh đồng khác nhau mà họ chọn nơi đi săn. Khắp Đak Đoa, Mang Yang, Chư Pah, Chư Prông… vì thế đều in dấu chân của “biệt đội” săn chuột làng Groi 2. Thậm chí, sau khi ăn Tết, vào khoảng thời gian nông nhàn, họ còn xuôi theo quốc lộ 25 xuống vùng Đông Nam tỉnh để săn chuột.

Tiếp lời anh Nguyên, anh Thưn kể: “Ở vùng Ia Pa, Krông Pa, bọn mình chủ yếu săn chuột rừng. Chuột ở vùng này thường rất to và dai thịt vì đã sống lâu năm nên vị ngon không thua gì thịt rừng. Người Jrai ở địa phương thấy bọn mình đi săn chuột cũng đi theo. Họ cũng thích bọn mình lắm vì giúp họ diệt lũ chuột hay phá hoại mùa màng. Mỗi đêm ở đó, nhóm mình bẫy được hàng trăm con, ăn không hết nên bán lại, mỗi con 10 ngàn đồng, cũng bù lại tiền xăng xe”.

Thu hoạch lúa ở cánh đồng thuộc huyện Đak Đoa. Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH

Thu hoạch lúa ở cánh đồng thuộc huyện Đak Đoa. Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH


Sau bữa cơm, nhóm “thợ săn” mỗi người đeo một chiếc đèn pin trên trán bắt đầu đi gỡ bẫy. Gần 1 giờ sau, họ trở về điểm tập trung, mang theo gần 30 con chuột lớn bé cùng 5 con gà nước bị dính bẫy. Bếp lửa được nhóm lên hồi chiều giờ đã hồng rực than. Các anh quây quần bên bếp lửa tập trung nướng toàn bộ số chuột và gà bẫy được. Chẳng mấy chốc, mùi thịt nướng đã thơm khắp cánh đồng. Những con chuột to nhất, béo nhất cùng những con gà nước được đem ra bày biện cho bữa tiệc giữa thiên nhiên. Số còn lại sau khi nướng sơ qua sẽ được cho vào một cái túi mang về làng chia nhau vào sáng hôm sau để cả gia đình cùng thưởng thức. Trong cuộc săn hôm ấy, họ tiếp tục đi gỡ bẫy một lần vào lúc nửa đêm, thu về một túi đầy chuột.

“Thịt chuột ngon nhất là nướng chấm với muối ớt, lá é ăn luôn tại cánh đồng. Khi mang về nhà, mình có thể nướng lại cho nóng hoặc băm ra nấu với cà đắng, lá mì cũng rất ngon. Chuột đồng thịt ngọt, dai và ăn hết được cả xương”-anh Hngol nói rồi xé chiếc đùi chuột nóng hổi chấm muối, uống một ngụm rượu gạo, khà lên sảng khoái giữa màn đêm lạnh giá.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12468/202001/biet-doi-san-chuot-dong-5666794/