Biết đủ là hạnh phúc
Đôi lần ngồi ước ao rằng giá mà mình có thật nhiều tiền, khi đó sẽ làm được nhiều việc hơn. Thí dụ lo cho ba mẹ đi du lịch, lo cho con cái học hành, rồi thì thích mua gì cũng được không phải dè sẻn chi tiêu.
Ai mà chẳng muốn mình có nhiều tiền, thật nhiều tiền. Khi trong túi chẳng bao giờ có nổi một triệu đồng thì người ta ước giá như mình có một triệu đồng, có được một triệu đồng rồi lại ước có năm triệu đồng, rồi mười triệu đồng… Ước mơ cứ tăng lên mỗi ngày chẳng bao giờ dừng lại. Lòng tham của con người là vô đáy mà. Rồi để thỏa mãn ước mơ đó, người ta tìm mọi cách để có được tiền. Lao vào làm việc, tiết kiệm từng đồng không dám ăn, không dám mặc. Khi đó người ta đâu có nghĩ cuộc đời vô thường lắm, ra đi đâu có mang được đồng nào theo đâu. Lúc đó mới hối hận thì đã muộn rồi.
Tôi đã từng chứng kiến những năm tháng cuối cùng của một người chị thân thiết. Ai cũng ngưỡng mộ vì chị giỏi, thực sự giỏi. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị xây được nhà, mở được cơ sở làm ăn. Tích cóp tiền lời hàng năm lại, chị vay mượn thêm ngân hàng mua đất mặt tiền, mở rộng cơ sở làm ăn ra. Con đường phía trước đang phơi phới bởi cơ sở làm ăn của chị có tiếng, khách đông nườm nượp, cứ đà kinh doanh này thì chỉ vài năm món nợ ngân hàng sẽ trả xong. Đùng một cái dịch Covid-19 nổ ra. Mọi hoạt động ngưng trệ. Vừa phải trả nợ ngân hàng vừa phải gánh lỗ. Chị đâm ra lo âu, nhiều đêm không thể ngủ được. Người chị cứ theo đó mà teo tóp lại, bệnh đau bao tử hồi giờ đã bớt nay đau. Ai cũng khuyên chị thôi đừng lo nghĩ nhiều, tình hình khó khăn chung, làm ăn cũng có khi lời khi lỗ, cứ cố gắng gánh gồng qua dịch rồi sẽ ổn thôi. Chị cũng biết vậy chứ, cũng cố gắng không lo nghĩ nhưng trong lòng cứ bất an, đầu óc cứ tự nó lo nghĩ, không kiểm soát được. Bệnh tình cứ vậy mà nặng dần lên. Khi không thể ráng chịu đau được nữa, chị quyết định đi thành phố khám tổng quát. Bác sĩ thông báo chị bị khối u dạ dày giai đoạn 3 rồi. Nghe tin như sét đánh bên tai. Ung thư hồi giờ có ai sống được lâu đâu.
Trở về, nhìn cơ ngơi mình cực khổ một tay xây dựng lên. Nhìn con trai ngồi học bài chăm chỉ. Mười mấy tuổi rồi mà còn khờ trân, ăn cơm chưa biết dẻ xương cá, không có mẹ thì làm sao sống đây. Nước mắt chị tự nhiên tuôn trào. Dẫu chồng động viên đủ kiểu, rằng thì giờ ung thư vẫn có thể chữa được, miễn mình sống lạc quan là bệnh tình sẽ thuyên giảm. Chị nằm khóc suốt hai ngày trong phòng. Xong, quyết tâm vực mình dậy, không chịu đầu hàng số phận. Chị dậy sớm tập thể dục, suy nghĩ đơn giản rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, chỉ cần mình cố gắng thì ông trời không bao giờ phụ lòng.
Chị kiên cường chống chọi bệnh tật, cắn răng chịu đựng không bao giờ rên đau, không bao giờ khóc nữa. Nhìn khuôn mặt tươi tắn, lúc nào cũng cười của chị, nhân viên ai cũng phải nể phục. Chị giấu bệnh tình không cho ai biết vì nghĩ rồi sẽ vượt qua được, không thể chấp nhận đầu hàng số phận được. Hễ bác sĩ tư vấn thuốc nào tốt là chị cố gắng gom tiền để vô thuốc đó. Chồng chị cũng ráng vay mượn, chạy vạy để lo chữa bệnh cho vợ. Những đêm trong bệnh viện, anh thức cả đêm canh chị vô thuốc. Anh gầy rộc đi nhanh chóng. Từ con người mập mạp phải tập thể dục giảm cân thì nay anh chỉ còn cái dáng lêu khêu, lưng khòm lại trong cái áo sơ mi rộng thùng thình. Nhìn anh, chị vừa thương vừa xót, càng quyết tâm mau hết bệnh để chăm lo cho hai cha con.
Bác sĩ nói bệnh tình có thuyên giảm. Chị cũng thấy cơ thể mình khỏe dù có bị sút ký, rụng tóc do vô thuốc. Chị vẫn tin một ngày mình hết bệnh nên giấu không nói cho ai biết kể cả chị em ruột.
Nhưng cuộc đời này chẳng ai biết trước được tương lai. Đùng một cái bệnh tiến triển rất nhanh. Khối u di căn ra khắp cơ thể. Cột sống đau nhức tựa có ngàn con giòi đang đục phá ở trong. Chị không thể đứng lên đi nổi vì phải chống chọi với những cơn đau. Quằn quại nhốt mình trong phòng kín, sợ ai đó thấy bộ dạng thảm hại của mình lúc này. Ai đã từng chứng kiến người bệnh chống chọi với ung thư mới hiểu cảm giác đau đớn mà căn bệnh quái ác này bắt người ta phải chịu đựng. Toàn thân đau nhức, ruột gan như muốn nổ tung ra thành từng mảnh. Dù vậy chị vẫn cắn răng không rên la. Chị không muốn hai ba con phải lo lắng cho chị. Anh luôn túc trực chăm sóc, động viên cố gắng vượt qua bệnh tật. Nhưng chị không thể tin lời anh được, tự bản thân cảm nhận được sự bất ổn của cơ thể. Chị cảm nhận được thần chết đang đến rất gần, từng ngày, từng ngày…
Trước lúc ra đi, chị yêu cầu anh gọi tất cả bà con đến để nhìn mặt lần cuối. Chị cầm tay từng người, hỏi mỗi người dăm ba câu, vẫn vui vẻ như thể không hề có bệnh đau gì. Nhìn chị ai cũng khóc thầm chứ không dám khóc to thành tiếng. Ai cũng xót thương bởi chị còn quá trẻ để ra đi.
Ngày chị đi, trời đang nắng bỗng nhiên mưa. Người đưa tiễn chị dài cả dãy phố. Ai cũng khóc, ai cũng xót xa. Nhìn thấy cảnh đó, tôi mới chợt hiểu ra cái vô thường của cuộc đời người. Lúc đó mới tự nhìn lại bản thân, dặn mình đừng cố gắng lao vào công việc như con thiêu thân nữa, phải biết nghỉ ngơi, phải biết tận hưởng. Cuộc đời tưởng chừng dài lại hóa ra rất ngắn. Tiền tưởng chừng quan trọng lại hóa ra phù du. Lúc đó mới hiểu được câu “biết đủ là hạnh phúc”, biết hài lòng với chính mình chính là chìa khóa hạnh phúc chứ không phải có nhiều, thật nhiều tiền.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/biet-du-la-hanh-phuc-107028.html