Biết gì về loại bom chùm Mỹ sắp gửi cho Ukraine?

Bom chùm đã được dùng trong nhiều cuộc chiến và gây nhiều tranh cãi, nhưng dùng bom chùm có vi phạm tội ác chiến tranh hay không thì phải xem xét nhiều yếu tố.

Mỹ đã quyết định sẽ gửi bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD dự kiến sẽ công bố vào ngày 7-7 (giờ Mỹ), theo đài CNN.

Đặc điểm bom chùm Mỹ sắp gửi Ukraine

Bom chùm, đạn chùm là một quả bom chứa hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ hơn (còn gọi là bom con) bên trong chúng. Bom sẽ nổ tung ở độ cao được xác định, tùy vào khu vực nhắm mục tiêu, và các quả bom con sẽ phát nổ quanh mục tiêu đó.

Các quả bom chùm này có thể được thả từ máy bay, được phóng từ tên lửa hoặc được bắn từ pháo, súng hải quân hoặc bệ phóng tên lửa. Những quả bom con có thể tiêu diệt xe tăng, trang thiết bị quân sự cũng như nhân lực đối phương và tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc, theo đài CNN.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick S. Ryder cho biết Bộ Quốc phòng có nhiều biến thể của loại vũ khí này, và những loại mà Mỹ đang xem xét cung cấp cho Ukraine sẽ không bao gồm các biến thể cũ hơn với tỉ lệ chưa phát nổ cao hơn 2,35%.

Vỏ bom chùm được phát hiện ở TP Avdiivka (Ukraine) vào ngày 23-3. Ảnh: Andre Luis Alves/ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

Vỏ bom chùm được phát hiện ở TP Avdiivka (Ukraine) vào ngày 23-3. Ảnh: Andre Luis Alves/ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

Theo một bài báo trên trang web eArmor của Quân đội Mỹ, các loại bom chùm trong kho dự trữ mà Washington sẽ cung cấp cho Kiev được bắn từ pháo 155 mm, vốn là loại vũ khí phổ biến mà Mỹ và đồng minh đã gửi Ukraine.

Mỗi quả bom chùm sẽ mang 88 quả bom nhỏ ở trong. Mỗi quả bom nhỏ có phạm vi sát thương khoảng 10 m2 vuông. Như vậy, một quả bom chùm có thể bao phủ một khu vực rộng tới 30.000 m2 vuông, tùy thuộc vào độ cao mà bom chùm nổ và giải phóng bom con.

Theo bài báo, “mưa” bom con sẽ xuyên thủng lớp giáp sắt của xe tăng hay phương tiện bọc thép. Có thể cần 10 quả bom con trở lên để phá hủy một phương tiện bọc thép, nhưng chỉ cần một quả bom con để vô hiệu hóa vũ khí của xe bọc thép hoặc khiến nó ngừng hoạt động.

Dùng bom chùm gây tranh cãi, nhưng có phạm tội ác chiến tranh?

Sở dĩ dùng bom chùm gây nhiều tranh cãi hơn các loại bom khác là vì khi các quả bom con rơi xuống một khu vực rộng lớn, chúng có thể gây nguy hiểm cho những người không tham chiến, như dân thường.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, khoảng 10% đến 40% bom con sẽ không nổ và chúng sẽ nằm im trong đất và có thể sẽ phát nổ nhiều năm, thậm chí là nhiều thập niên sau đó, gây nguy hiểm cho người dân.

Theo tờ The Washington Post, bản thân việc sử dụng bom chùm không vi phạm tội ác chiến tranh nhưng sử dụng chúng để chống lại thường dân có thể là hành vi vi phạm. Trong bất kỳ cuộc tấn công nào, việc xác định tội ác chiến tranh đòi hỏi phải xem xét nhiều yếu tố, chẳng hạn liệu mục tiêu có hợp pháp hay không và các biện pháp phòng ngừa có được thực hiện để tránh thương vong cho dân thường hay không.

Vỏ bom chùm được phát hiện tại TP Kharkiv (Ukraine) vào ngày 10-6-2022. Ảnh: REUTERS

Vỏ bom chùm được phát hiện tại TP Kharkiv (Ukraine) vào ngày 10-6-2022. Ảnh: REUTERS

Hiện tại, công ước cấm sử dụng bom chùm có tên là Convention on Cluster Munitions (CCM) đã được hơn 120 quốc gia ký kết, theo đó các nước đồng ý không sử dụng, sản xuất, vận chuyển hoặc tàng trữ vũ khí và sẽ thu dọn bom này sau khi sử dụng. Các nước chưa ký công ước này bao gồm Mỹ, Nga và Ukraine.

Bom chùm đã được dùng trong nhiều cuộc chiến

Trong một thông báo vào ngày 7-7, Tổ chức theo dõi nhân quyền - tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, cho biết cả Ukraine và Nga đã dùng bom chùm khiến thường dân thiệt mạng kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra đến nay.

Với Mỹ, ban đầu, Mỹ coi bom chùm là một phần không thể thiếu trong kho vũ khí của mình khi cuộc chiến ở Afghanistan bắt đầu từ năm 2001, theo Tổ chức theo dõi nhân quyền. Tổ chức này ước tính rằng liên minh do Mỹ lãnh đạo đã thả hơn 1.500 quả bom chùm ở Afghanistan trong 3 năm đầu của cuộc xung đột.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến đến năm 2019 sẽ ngừng sử dụng bất kỳ loại bom, đạn chùm nào có tỉ lệ bom chưa nổ lớn hơn 1%. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút lại quyết định này và vẫn cho phép các chỉ huy phê duyệt việc sử dụng.

Ngoài Mỹ, Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chiến đấu tại Yemen cũng đã sử dụng bom chùm trong cuộc chiến với phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn vào năm 2019.

Quân đội chính phủ Syria thường sử dụng bom chùm để chống lại các thành trì của phe đối lập trong cuộc nội chiến ở nước này.

Israel cũng đã sử dụng bom chùm trong các khu vực dân sự ở phía nam Lebanon trong cuộc chiến Lebanon năm 1982.

Vào những năm 1980, Liên Xô đã sử dụng bom chùm trong cuộc chiến tranh với Afghanistan kéo dài 10 năm. Hậu quả của nhiều thập niên chìm trong chiến tranh là hiện tại Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia có lượng bom mìn tồn đọng nhiều nhất trên thế giới.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/biet-gi-ve-loai-bom-chum-my-sap-gui-cho-ukraine-post741316.html