'Khối Macron' hành động sau chiến thắng vòng 1 của đảng cực hữu

Người dân Pháp biểu tình, 'khối Macron' lập tức kêu gọi và hành động sau khi đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) giành được sự ủng hộ lớn nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội.

Ngày 1-7, Bộ Nội vụ Pháp công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử quốc hội Pháp vòng một với chiến thắng thuộc về đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN). Theo đó, đảng cực hữu RN giành được 33% phiếu bầu, tiếp theo là liên minh Mặt trận Bình dân mới thuộc cánh tả với 28%, liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron đứng thứ ba chỉ với 22%.

Hiện tại, theo hãng tin Reuters, chưa rõ khả năng đảng cực hữu RN và các đồng minh có giành được đa số tuyệt đối cần thiết để thành lập chính phủ hay không, vì vẫn còn vòng hai của cuộc bầu cử, diễn ra vào ngày 7-7.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham gia bỏ phiếu tại Le Touquet-Paris-Plage (miền bắc nước Pháp) hôm 30-6. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham gia bỏ phiếu tại Le Touquet-Paris-Plage (miền bắc nước Pháp) hôm 30-6. Ảnh: AP

Dân biểu tình, 'khối Macron' hành động

Trong tối 30-6, sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, các cuộc biểu tình chống cực hữu đã nổ ra ở các TP Paris và Lyon. Tại Lyon, khoảng 200 cảnh sát đã được triển khai để đảm bảo an ninh cho TP.

Cảnh sát cho biết gần 8.000 người đã tập trung tại trung tâm Paris để phản đối chiến thắng của đảng cực hữu RN. Theo nhật báo Le Figaro, một số người trong số này vẫy cờ của các đảng cánh tả và cờ của Palestine.

 Cảnh sát chống bạo động ở TP Paris (Pháp) hôm 30-6. Ảnh: GETTY IMAGES

Cảnh sát chống bạo động ở TP Paris (Pháp) hôm 30-6. Ảnh: GETTY IMAGES

Tại TP Nantes (phía tây nước Pháp), cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình tự phát.

Về phía chính phủ, sau cuộc bỏ phiếu vòng 1, ông Macron kêu gọi ngắn gọn, rằng người dân cần đoàn kết trong vòng bỏ phiếu thứ hai của cuộc bầu cử để ngăn sự chiến thắng của phe cực hữu.

Theo công ty nghiên cứu thị trường và thống kê Ipsos, tỉ lệ cử tri Pháp đi bỏ phiếu ở mức 65,8%, cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử quốc hội năm 2022.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal – thành viên liên minh trung dung của Tổng thống Macron – kêu gọi người dân không nên bỏ phiếu cho đảng cực hữu RN. Thủ tướng Pháp cảnh báo rằng trong lịch sử hoạt động của quốc hội Pháp chưa có thời điểm nào rủi ro như lúc này.

“Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: ngăn chặn đảng cực hữu RN đạt được đa số tuyệt đối trong vòng hai và ngăn họ kiểm soát quốc hội” – ông Attal nói.

Ông Attal cũng lưu ý “mọi người đều hiểu” rằng liên minh Mặt trận Bình dân mới sẽ không chiếm đa số tuyệt đối trong vòng tiếp theo.

Trong khi đó, ông Jean Luc-Melenchon – lãnh đạo liên minh Mặt trận Bình dân mới cho rằng kết quả bỏ phiếu “gây ra thất bại nặng nề và không thể phủ nhận” đối với Tổng thống Macron. Ông cũng nhấn mạnh rằng liên minh của ông sẽ phải đối mặt những cuộc “đấu tay đôi” trong vòng bầu cử thứ hai vào ngày 7-7.

“Chúng tôi không cho phép RN vượt qua chúng tôi ở bất cứ nơi nào. Phương hướng của chúng tôi rất đơn giản, trực tiếp và rõ ràng: không cho RN thêm bất cứ ghế nào” – ông Luc-Melenchon nói.

 Bà Marine Le Pen bỏ phiếu ở Henin Beaumont (miền bắc nước Pháp) hôm 30-6. Ảnh: REUTERS

Bà Marine Le Pen bỏ phiếu ở Henin Beaumont (miền bắc nước Pháp) hôm 30-6. Ảnh: REUTERS

Về phía đảng cực hữu RN, bà Marine Le Pen – lãnh đạo đảng RN – cho rằng kết quả của vòng bỏ phiếu đầu tiên cho thấy “sự kết thúc của khối Macon”. Bà Le Pen cũng cảnh báo người dân cần chống lại “nỗi sợ hãi vô lý”, “bịa ra những mối đe dọa” và khẳng định đảng cực hữu RN cần đa số tuyệt đối.

“Dân chủ đã lên tiếng. Người Pháp đã đặt RN và các đồng minh của đảng chúng tôi lên hàng đầu và trên thực tế đã xóa bỏ khối Macron” – bà Le Pen nói.

Các khả năng tại vòng bỏ phiếu thứ hai

Theo đài CNN, dù kết quả bỏ phiếu vòng 1 có nghiêng về phía đảng cực hữu RN, nhưng kết quả chung cuộc vẫn chưa ngã ngũ. Đảng cực hữu RN khó có thể đạt được 289 ghế cần thiết để giành quyền kiểm soát quốc hội 577 ghế.

Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: ngăn chặn đảng RN đạt được đa số tuyệt đối trong vòng hai và ngăn họ kiểm soát quốc hội.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal

Theo kết quả được công bố hôm 1-7, trong số 76 ứng viên đã được bầu vào quốc hội Pháp trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, có 39 người từ đảng RN, 32 người từ liên minh Mặt trận Bình dân mới và 2 người là thành viên liên minh của ông Macron.

Các dự đoán cho thấy, sau vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7-7, đảng RN có thể giành được từ 230 đến 280 ghế trong 577 ghế ở quốc hội. Liên minh Mặt trận Bình dân mới được dự đoán sẽ giành được từ 125 đến 165 ghế, theo sau là liên minh trung dung của ông Macron với dự đoán sẽ giành được từ 70 đến 100 ghế.

Tuy nhiên, theo CNN, cả liên minh trung dung của ông Macron và liên minh cánh tả đều không muốn đảng RN giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội lần này. Do đó, hai liên minh này có thể sẽ hợp tác để ngăn RN giành quyền kiểm soát quốc hội.

 Cuộc biểu tình phản đối phe cực hữu Pháp hôm 1-7. Ảnh: REUTERS

Cuộc biểu tình phản đối phe cực hữu Pháp hôm 1-7. Ảnh: REUTERS

Dù vậy, khả năng đảng RN giành đa số tuyệt đối không phải là không có. Theo đài CNBC, trong trường hợp đảng RN giành đa số tuyệt đối, ông Macron sẽ phải chia sẻ quyền lực với đảng RN và ông Jordan Bardella – chủ tịch đảng RN – có thể sẽ giữ chức thủ tướng Pháp.

Tại Pháp, khi tổng thống và bên nắm đa số ghế trong quốc hội thuộc cùng một đảng hoặc liên minh, việc thông qua luật không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi bên chiếm đa số ghế và tổng thống không cùng đảng hoặc liên minh, việc thông qua luật có thể bị đình trệ.

Ngoài ra, nếu đảng RN chiếm đa số quốc hội, tình trạng xung đột quan điểm có thể ảnh hưởng tình hình nước Pháp và các chính sách đối ngoại của nước này.

Theo đó, đảng RN từng tuyên bố hướng tới hủy bỏ các cải cách lương hưu của ông Macron, cắt giảm thuế nhiên liệu, khí đốt và điện. Tuy nhiên, nếu chính phủ Pháp không quản lý tốt ngân sách và chi tiêu quá đà, Pháp có thể cần phải bước vào giai đoạn thắt lưng buộc bụng để tránh vi phạm các quy định tài chính mới của Ủy ban Châu Âu.

 Lãnh đạo liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới – ông Jean-Luc Melenchon bỏ phiếu tại Paris (Pháp) hôm 30-6. Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới – ông Jean-Luc Melenchon bỏ phiếu tại Paris (Pháp) hôm 30-6. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, về tình hình xung đột Ukraine, trong khi ông Macron cam kết sát cánh cùng Ukraine thì đảng RN tuyên bố không ủng hộ việc gửi quân đến Ukraine và không cho phép Kiev sử dụng thiết bị quân sự của Pháp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, tất cả tình tiết này vẫn chỉ là dự đoán và là kịch bản có thể xảy ra. Do đó, tương lai của chính trường Pháp trong khoảng 3 năm tới sẽ chỉ được sáng tỏ sau vòng bầu cử thứ hai vào Chủ nhật tới.

Nhiều nước bình luận kết quả bầu cử quốc hội Pháp vòng 1

Ngày 1-7, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết Nga đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử quốc hội Pháp sau khi Paris công bố kết quả bầu cử vòng 1 với chiến thắng nghiêng về đảng cực hữu, theo hãng thông tấn TASS.

“Chúng tôi chắc chắn đang theo dõi cuộc bầu cử rất chặt chẽ. Những gì chúng ta đã thấy ở một số nước châu Âu trước đó, bao gồm Pháp, những xu hướng này đang được củng cố” - ông Peskov nói.

“Tôi đoán chúng tôi sẽ chờ đợi vòng thứ hai, mặc dù chúng tôi khá rõ về những gì cử tri Pháp mong muốn” - ông Peskov nói thêm.

Cùng ngày, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng lên tiếng chúc mừng đảng RN của bà Marine Le Pen vì chiến thắng "rõ ràng” trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp vòng 1, theo hãng thông tấn Anadolu.

“Đối với cuộc bầu cử vòng 2, tôi luôn tôn trọng động lực chính trị và bầu cử của các quốc gia khác. Tất nhiên, chúng ta đang phải đối mặt một kịch bản rất phân cực mà rõ ràng là tôi thiên về cánh hữu hơn” - bà Meloni nói.

Bà Meloni cũng nhấn mạnh rằng "ở Pháp cũng vậy, những rào cản giữa các lực lượng thay thế cánh tả đã được tháo gỡ".

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/khoi-macron-hanh-dong-sau-chien-thang-vong-1-cua-dang-cuc-huu-post798398.html