Biết gì về quyền công dân theo nơi sinh đang gây tranh cãi ở Mỹ?

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh tác động kinh tế, xã hội của việc không công nhận quyền công dân theo nơi sinh ở Mỹ, tuy nhiên trước mắt có thể thấy quyết định bày ảnh hưởng không nhỏ đến quyền của người nhập cư.

Ngày 20-1, ngay sau lễ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một loạt sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh về việc hủy bỏ công nhận "quyền công dân theo nơi sinh" được quy định trong hiến pháp Mỹ.

Kể từ khi ông Trump ký ban hành sắc lệnh, ít nhất 6 vụ kiện đã được đệ trình để thách thức sắc lệnh này, phần lớn từ các nhóm dân quyền và 22 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, cùng đặc khu Columbia và TP San Francisco.

Quyền công dân theo nơi sinh là gì?

Quyền công dân theo nơi sinh là quyền được ghi trong Hiến pháp Mỹ. Theo quyền này, chính quyền sẽ tự động cấp quyền công dân cho bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra trên đất Mỹ, bất kể quốc tịch của cha mẹ đứa trẻ.

 Sắc lệnh không công nhận "quyền công dân theo nơi sinh" là một trong những sắc lệnh đầu tiên được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Ảnh: ISTOCK

Sắc lệnh không công nhận "quyền công dân theo nơi sinh" là một trong những sắc lệnh đầu tiên được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Ảnh: ISTOCK

Theo sắc lệnh của tân tổng thống Mỹ, bất kỳ trẻ em nào sinh ra tại Mỹ sau ngày 19-2 mà mẹ và cha không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp sẽ bị trục xuất, sẽ không thể nhận số an sinh xã hội, các phúc lợi của chính phủ và khả năng làm việc hợp pháp khi chúng lớn lên.

Phần lớn các quốc gia công nhận quyền công dân theo nơi sinh vô điều kiện đều nằm ở châu Mỹ và khu vực Caribe. Nhà nhân khẩu học người Pháp Jean-Francois Mignot viết rằng sau khi giành được độc lập, các quốc gia mới đã cho phép quyền công dân theo nơi sinh nhằm thu hút những người nhập cư châu Âu và duy trì các chính sách đó cho đến ngày nay.

Theo Ban giám đốc nghiên cứu pháp lý toàn cầu của Thư viện luật của Quốc hội Mỹ, bên cạnh Mỹ, Canada, Mexico, các quốc gia Trung Mỹ đều công nhận quyền công dân theo nơi sinh. Guatemala, Belize, El Salvador, Honduras, Nicaragua, Panama, Costa Rica công nhận quyền công dân theo nơi sinh nhưng phải đăng ký.

Hầu hết các quốc gia khu vực Caribe cũng công nhận quyền công dân theo nơi sinh, bao gồm Barbados, Cuba, Dominica, Grenada, Jamaica, Saint Lucia, Antigua và Barbuda, Saint Kitts và Nevis, Saint Vincent và Grenadines, Trinidad và Tobago.

Ở Nam Mỹ, 10 quốc gia công nhận quyền công dân theo nơi sinh, bao gồm Brazil, Chile, Argentina, Venezuela, Ecuador, Peru, Bolivia, Paraguay, Uruguay và Guyana.

Bên ngoài châu Mỹ, các quốc gia công nhận quyền công dân theo nơi sinh bao gồm Pakistan, Lesotho, Tanzania, Tuvalu, Fiji.

Nguồn gốc của quyền công dân theo nơi sinh ở Mỹ

Theo The Washington Post, lịch sử của quyền công dân theo nơi sinh ở Mỹ khác với các quốc gia khác ở chỗ quyền này được luật hóa thông qua Tu chính án thứ 14, gần 1 thế kỷ sau khi nước Mỹ được thành lập.

Đạo luật Nhập tịch năm 1790 chỉ áp dụng cho "những người da trắng tự do". Sau đó, Tu chính án thứ 14 chấm dứt chế độ nô lệ ở quốc gia này đã thiết lập quyền công dân cho người Mỹ gốc Phi, cũng như "tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ".

 Người di cư xếp hàng chờ được giới chức Mỹ giải quyết sau khi vượt qua biên giới Mexico đến Mỹ vào năm 2023. Ảnh: GETTY IMAGES

Người di cư xếp hàng chờ được giới chức Mỹ giải quyết sau khi vượt qua biên giới Mexico đến Mỹ vào năm 2023. Ảnh: GETTY IMAGES

Vào năm 1898, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ một lần nữa khẳng định quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ.

Theo giáo sư kinh tế học Graziella Bertocchi, quyền công dân theo nơi sinh của Mỹ được cho là có nguồn gốc từ Anh. Tuy nhiên, bà Bertocchi cho biết một số quốc gia châu Âu đã đảo ngược lập trường của họ liên quan quyền công dân theo nơi sinh sau Thế chiến II và chuyển sang quyền công dân thông qua huyết thống.

Vào năm 1984, Anh đã thay đổi luật và quy định rằng một đứa trẻ sinh ra trên đất Anh chỉ được coi là công dân Anh nếu cha mẹ của đứa trẻ là thường trú nhân hợp pháp hoặc công dân của Vương quốc Anh. Ireland cũng ra luật tương tự vào năm 2004.

Điều gì xảy ra khi quyền công dân theo nơi sinh không còn?

Bà Bertocchi cho biết hiện các nhà hoạch định chính sách không có nhiều nghiên cứu về tác động của việc đảo ngược hoặc thu hẹp việc công nhận quyền công dân theo nơi sinh. Bên cạnh đó, các ý kiến về tác động kinh tế, văn hóa hoặc xã hội của một thay đổi chính sách như vậy vẫn chưa nhiều.

Tuy nhiên, theo bà Bertocchi, các quốc gia có chính sách ủng hộ quyền công dân theo nơi sinh sẽ tạo nên những tác động tích cực đối với những người nhập cư.

"Họ [người nhập cư] có nhiều khả năng được giáo dục hơn, tham gia vào đời sống chính trị nhiều hơn" – bà Bertocchi nói.

 Ông Trump ký loạt sắc lệnh tại Nhà Trắng tối 20-1. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Ông Trump ký loạt sắc lệnh tại Nhà Trắng tối 20-1. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Ngược lại, các chính sách liên quan việc không công nhận quyền công dân thường gây một số tác động tiêu cực.

Điển hình, quyết định đảo ngược chính sách công nhận quyền công dân theo nơi sinh của Cộng hòa Dominica đã dẫn đến nhiều vấn đề. Năm 2013, Tòa án Hiến pháp Dominica đã phán quyết rằng chính sách thay đổi này áp dụng cho bất kỳ ai sinh sau năm 1929.

Điều này khiến 200.000 người Dominica gốc Haiti trở thành người không quốc tịch. Sắc lệnh của ông Trump nêu rõ rằng quyết định của ông sẽ không có hiệu lực hồi tố và sẽ chỉ ảnh hưởng đến những người sinh ra tại Mỹ sau ngày 19-2.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây mới chỉ là sự bắt đầu.

“Điều này mở ra cánh cửa cho nguyên tắc về việc tổng thống có quyền quyết định ai phải chịu sự quản lý của Mỹ và ai không. Điều này khiến chúng ta tiếp tục suy nghĩ về những câu hỏi và sự hoài nghi về việc bạn có thuộc về nơi này hay không” - theo bà Martha S. Jones, nhà sử học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/biet-gi-ve-quyen-cong-dan-theo-noi-sinh-dang-gay-tranh-cai-o-my-post831641.html