Biết ơn hai chữ 'đồng bào'

Sáng 12/9, trong cơn mưa tầm tã không ngớt, nước sông Thao cứ cuồn cuộn dâng cao trên mức báo động III, do ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 3, những đoàn xe từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn nối đuôi nhau tiến về huyện Hạ Hòa, nơi có hàng nghìn ngôi nhà ngập chìm trong biển nước do cơn lũ lịch sử, hàng nghìn hộ dân đang phải đi ở tạm tránh lũ cần được sẻ chia những gian nan. Hình ảnh đậm nét đó đã giúp chúng tôi thêm thấm thía và biết ơn hai tiếng 'đồng bào'.

Đồ ăn, thức uống và các nhu yếu phẩm được vận chuyển đến người dân vùng lũ

Đồ ăn, thức uống và các nhu yếu phẩm được vận chuyển đến người dân vùng lũ

Trong đoàn xe ấy có những xe chở màu áo xanh bộ đội Cụ Hồ đã dừng lại sẵn sàng dầm mưa để nhanh chóng dọn đường đi cho các phương tiện giao thông. Thật xúc động khi tận mắt chứng kiến có chiếc xe trọng tải lớn chở những chiếc thuyền của ngư dân từ Quảng Bình ra hỗ trợ đồng bào vùng lũ Hạ Hòa khi nghe tin đồng bào mình bị ngập lụt, chia cắt, phương tiện duy nhất lúc này là thuyền mới tiếp tế được đồ ăn, thức uống đến nơi. Nhiều chiếc xe chở áo phao, đèn pin và các nhu yếu phẩm khác không chỉ dừng lại ở Hạ Hòa mà còn đi các tỉnh Yên Bái, Lào Cai... nơi nhiều đồng bào còn đang khó khăn, vất vả hơn.

Đến vùng lũ, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nổi bật trong công tác hỗ trợ Nhân dân di dời là màu áo xanh bộ đội Cụ Hồ, công an, màu áo xanh thanh niên tình nguyện và các lực lượng khác cùng chung sức vận chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Nhiều chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ... bàn tay đã đỏ rát vì chằng léo, di chuyển tài sản giúp dân, đã có người bị thương nhẹ.

Càng xúc động hơn khi chứng kiến những hình ảnh và tinh thần tương thân tương ái của của đồng bào ta ở khắp nơi đang hướng về miền Bắc. Nhiều đoàn công tác của các tỉnh: TP như Đà Nẵng, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh... đã lên đường ra Bắc. Ngoài thăm hỏi, động viên, hỗ trợ bằng tinh thần, vật chất, các tỉnh miền Trung, phía Nam còn hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương đối phó, khắc phục do lũ lụt gây ra. Hàng nghìn áo phao, thùng mì tôm, bánh chưng... được các địa phương, cá nhân tổ chức gói, vận chuyển đến hỗ trợ bà con ở các vùng trọng điểm của bão lũ...

Xe của đoàn ngư dân Quảng Bình chở những chiếc thuyền ra hỗ trợ đồng bào vùng lũ huyện Hạ Hòa

Xe của đoàn ngư dân Quảng Bình chở những chiếc thuyền ra hỗ trợ đồng bào vùng lũ huyện Hạ Hòa

Các hội nhóm thiện nguyện cũng kêu gọi, tập hợp tình nguyện viên đóng góp, ủng hộ thuyền, áo phao, lương thực, thực phẩm cho người dân bị thiệt hại do bão lũ. Trong cơn mưa tầm tã không ngớt, dưới bầu trời xám xịt, chúng tôi bỗng thấy ấm lòng khi bắt gặp những ánh mắt của người dân vùng lũ vẫn ánh lên niềm tin, có lẽ bởi đồng bào trong cả nước đã đem đến cho họ không chỉ giá trị vật chất mà còn đáng quý hơn là giá trị tinh thần, tình cảm sẻ chia yêu thương. Điều đó như đem đến cho họ niềm tin và hy vọng xua tan những hoang mang, bàng hoàng khi vừa trải qua lũ dữ.

Tính đến ngày 14/9, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiếp nhận nguồn hỗ trợ trên 50 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân (trong đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ 30 tỷ đồng) để kịp thời hỗ trợ cho các địa phương vùng bị ảnh hưởng của thiên tai ổn định đời sống. Hội Chữ thập đỏ tỉnh hướng dẫn trên 60 nhóm thiện nguyện đến hỗ trợ trực tiếp tại các địa bàn bị ngập úng, tổng giá trị cứu trợ, hỗ trợ trên 3 tỷ đồng.

Hội đã tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm bao gồm bánh chưng, mỳ tôm, gạo, sữa, nước lọc, lương khô... trị giá 1,68 tỷ đồng, số tiền mặt tiếp nhận được 411,2 triệu đồng. Tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, tương thân tương ái được thắt chặt, lan tỏa mạnh mẽ.

Khi ngồi viết những dòng này, tôi nhận được những dòng tin nhắn của một người quen từ vùng lũ: “Ngày hôm nay chắc các chị bận lắm. Nhờ có báo chí và mạng xã hội mà nhiều xe cứu trợ về quê em chị ạ. Nhiều xe còn qua nhà em lên Yên Bái, Lào Cai. Mỗi lần nhìn đoàn xe cứu hộ đi qua xúc động đến phát khóc chị ạ”.

Sáng 15/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị nhằm đưa ra các giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Những người dự hội nghị hôm đó đều rưng rưng xúc động khi nghe nói về thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đặc biệt là khi nhắc đến đồng bào làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nơi lũ quét và sạt lở đất đã gây nhiều tổn thất về người... và Thủ tướng đã bật khóc.

Trong thời khắc đó khiến tôi càng thấm thía rằng không phải ngẫu nhiên mà đang đọc bản Tuyên ngôn độc lập giữa Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng lại ân cần hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, “đồng bào” chiếm vị trí đặc biệt trong tác phẩm của Hồ Chí Minh. Riêng hai năm 1945, 1946 nhất là lúc đất nước ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã viết 20 lá thư có tiêu đề “gửi đồng bào”.

Trong Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâyku, ngày19/4/1946, Bác đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” .

Hai chữ “đồng bào” chung thủy, son sắt đã tạo nên sức mạnh đưa Việt Nam vượt qua mọi gian nan, thử thách trong quá trình dựng nước, giữ nước và lập bao kỳ tích rạng ngời thời kỳ đổi mới, hội nhập đỉnh cao. Minh chứng rõ nét là giữa đại dịch COVID-19 khốc liệt, toàn thể dân tộc Việt Nam đã thắt chặt đoàn kết, chung sức đồng lòng chống đại dịch. Từ đó, giúp cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, khiến thế giới nể phục.

Trong chống siêu bão và lũ lịch sử vừa qua, hơn bao giờ hết, cả trăm triệu trái tim người con đất Việt trong và ngoài nước cùng hòa chung nhịp đập, thể hiện tấm lòng tương thân tương ái “thương người như thể thương thân” hướng về miền Bắc ruột thịt. Vượt qua những mất mát, trong và sau khi thiên tai hoành hành càng thấy rõ hơn giá trị thiêng liêng và biết ơn hai tiếng “đồng bào”.

Chỉ còn ít ngày nữa là tròn 70 năm Bác Hồ về thăm Đền Hùng (19/9/1954-19/9/2024). Trong những ngày thiên tai hoành hành, chúng ta vẫn nghe như vang đâu đây lời Bác:“Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thực tế đã chứng minh, bão lũ có thể cuốn đi tính mạng, của cải vật chất nhưng không thể làm lung lay tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào để cùng nhau vượt qua khó khăn, gian nan thử thách, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/biet-on-hai-chu-dong-bao-219100.htm