Biệt phái giáo viên, Phòng GD&ĐT gặp khó vì không có hướng dẫn cụ thể

Việc vừa hỗ trợ chuyên môn cho phòng giáo dục vừa thực hiện công tác giảng dạy theo quy định đã tạo ra gánh nặng cho các giáo viên.

Nhiều phòng giáo dục và đào tạo hiện nay duy trì trưng tập giáo viên các trường về phòng làm việc. Thay vì thực hiện biệt phái về hẳn phòng giáo dục và đào tạo các giáo viên được trưng tập về nên vẫn phải đảm bảo số tiết đứng lớp. Cũng vì thế mà khối lượng công việc rất nhiều và áp lực cao. Trong khi đó, họ lại không được hưởng phụ cấp dù làm việc như một chuyên viên của phòng giáo dục và đào tạo.

Từ giáo viên biệt phái chuyển sang giáo viên trưng tập

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Kim Tuấn - một giáo viên vừa nghỉ hưu đầu năm 2024 tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây, thầy giữ chức vụ tổ trưởng chuyên môn tại Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Giá. Sau đó, thầy được biệt phái và đảm nhận công tác chuyên môn tại phòng giáo dục và đào tạo trong vòng 3 năm.

Theo thầy Tuấn, những người thuộc diện biệt phái ở phòng giáo dục và đào tạo hầu hết đã có kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc để tham gia các hoạt động chuyên môn. Được lựa chọn kỹ càng, giáo viên biệt phái về phòng giáo dục và đào tạo có nhiều thuận lợi trong công việc, đặc biệt là chế độ khen thưởng. Nhiều giáo viên biệt phái sau khi trở về trường được phân công làm phó hiệu trưởng.

Tuy nhiên, thầy Tuấn nhấn mạnh rằng khó khăn lớn nhất của giáo viên biệt phái là sắp xếp thời gian và khối lượng công việc nặng nề. Khi dạy ở trường, thầy có thể nghỉ 1-2 ngày trong tuần, nhưng ở phòng giáo dục và đào tạo, thầy phải làm việc 8 giờ mỗi ngày và phải dạy thêm ở trường vào thứ 7. Thầy Tuấn mặc dù có chuyên môn vững vàng nhưng chưa quen với công tác quản lý và hành chính tại phòng giáo dục và đào tạo, dẫn đến việc hỗ trợ công việc trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên biệt phái cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển vì khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc thường từ 10 đến 15 km. Dù vậy, họ vẫn nhận được khoản hỗ trợ 350.000 đồng mỗi tháng từ ủy ban nhân dân thị xã để trang trải chi phí đi lại.

 Giáo viên trưng tập có khối lượng công việc lớn, thực hiện nhiệm vụ cả ở trường và phòng giáo dục. Ảnh minh họa: Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn cung cấp

Giáo viên trưng tập có khối lượng công việc lớn, thực hiện nhiệm vụ cả ở trường và phòng giáo dục. Ảnh minh họa: Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn cung cấp

Thầy Phạm Kim Tuấn chia sẻ rằng, kể từ khi phòng giáo dục và đào tạo không còn duy trì chế độ biệt phái, thầy vẫn đảm nhận một số tiết dạy theo quy định ở trường, thời gian còn lại được trưng tập làm việc tại phòng, thực hiện một số nhiệm vụ như tổ chức các hội thi và kỳ thi.

"Phòng giáo dục và đào tạo không có nhiệm vụ tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi hay các hội thi, nhưng thực tế phòng phải tham gia vào nhiều khâu.

Lãnh đạo phòng giáo dục phải họp liên tục, trong khi phòng phải tổ chức rất nhiều cuộc thi và hội thi. Điển hình như Hội khỏe Phù đổng, nếu không có sự hỗ trợ của các chuyên viên biệt phái từ trường thì rất khó tổ chức. Một lúc có thể diễn ra 40-50 cuộc thi khác nhau, từ bóng đá nam nữ đến bơi lội, kéo dài hàng tháng để hoàn thành Hội khỏe Phù Đổng. Ngoài ra, hội thi giáo viên dạy giỏi cũng thường yêu cầu tổ chức từ 3-4 môn liền nên rất tốn nhiều thời gian và công sức", thầy Tuấn cho hay.

Cũng là giáo viên trưng tập tại một phòng giáo dục và đào tạo, thầy Trần Văn Ninh - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Giá, thị xã Điện Bàn, chia sẻ rằng trước đây, thầy đã có ba năm làm giáo viên biệt phái, trước khi phòng giáo dục và đào tạo không còn chế độ biệt phái. Do khối lượng công việc lớn và nhân sự không đủ, phòng giáo dục và đào tạo vẫn cần thêm nhân sự. Mỗi tuần, thầy làm việc tại phòng 3 ngày, còn lại là thời gian giảng dạy ở trường.

Thầy Ninh cho biết, việc thầy trưng tập ở phòng giáo dục và đào tạo chủ yếu xuất phát từ tinh thần vì cái chung. Bởi thầy Ninh không được nhận thêm khoản phụ cấp hay đi kèm chế độ nào đặc biệt. Giáo viên diện trưng tập vất vả vì phải đảm đương thêm công việc tại phòng giáo dục và đào tạo, trong khi việc ở trường cũng không giảm bớt.

Phòng giáo dục gặp khó vì không có văn bản hướng dẫn cụ thể về biệt phái giáo viên

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết năm 2024, ngành giáo dục thị xã Điện Bàn được phân bổ 2.435 biên chế, và được cấp thêm 98 chỉ tiêu để hợp đồng nhân sự chuyên môn nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy.

 Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Ngành giáo dục thị xã Điện Bàn có quy mô lớn với hơn 47.000 trẻ em và học sinh trong độ tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong khi đó, phòng giáo dục và đào tạo không chỉ quản lý chuyên môn giảng dạy mà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như thực hiện chế độ chính sách cho trẻ em và học sinh trong khu vực; tham mưu cho ủy ban nhân dân thị xã trong quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại; xử lý chế độ nâng lương, phụ cấp và thâm niên cho hơn 2000 cán bộ. Bên cạnh đó, phòng giáo dục và đào tạo phải phối hợp với các ban, ngành đoàn thể khác trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Số lượng biên chế được giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn năm 2024 là 10, tuy nhiên hiện tại chỉ có 8 vị trí đang công tác (1 vị trí đã nghỉ hưu, 1 vị trí đã chuyển công tác). Hiện tại, phòng đang cần bổ sung 1 công chức phụ trách bậc học mầm non. Mặc dù phòng giáo dục và đào tạo đã tiến hành tuyển dụng nhưng vẫn chưa tìm được nhân sự phù hợp, do đó, phòng đã phải động viên đội ngũ viên chức ở trường chuyển sang công chức. Tuy nhiên, phòng vẫn phải chờ kế hoạch xét tuyển chuyển đổi từ viên chức sang công chức của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Kể từ năm 2021, ngành giáo dục thị xã Điện Bàn không còn thực hiện chế độ biệt phái, trong khi khối lượng công việc ngày càng gia tăng, gây khó khăn cho phòng giáo dục trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Không chỉ riêng ngành giáo dục thị xã Điện Bàn, mà tất cả các phòng giáo dục ở các huyện và thành phố trong tỉnh Quảng Nam đều mong muốn có hướng dẫn cụ thể về cách biệt phái phù hợp với đặc thù ngành. Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn đã báo cáo lên lãnh đạo ủy ban nhân dân thị xã, nhưng do không có văn bản từ cấp trên, thị xã không thể giải quyết đề xuất của phòng", Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn chia sẻ.

Để đảm bảo công việc được hoàn thành đúng thời gian quy định, phòng giáo dục đã báo cáo với lãnh đạo thị xã để xin phép trưng tập giáo viên hỗ trợ chuyên môn. Hiện nay, giáo viên trưng tập được hưởng lương dựa trên chức danh nghề nghiệp và phụ cấp thâm niên theo quy định của trường.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân bày tỏ sự trăn trở vì việc điều động hỗ trợ chuyên môn cho phòng giáo dục và đào tạo mặc dù cần thiết nhưng lại không có kinh phí hỗ trợ cho việc di chuyển của các giáo viên.

"Việc vừa hỗ trợ chuyên môn cho phòng giáo dục và đào tạo vừa thực hiện công tác giảng dạy theo quy định đã tạo ra gánh nặng cho các giáo viên. Nếu không vì đam mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm với công việc chung, giáo viên sẽ không chấp nhận việc điều động như vậy. Thêm vào đó, hiện tại chưa có chế độ chính sách nào hỗ trợ thêm cho các giáo viên trong diện trưng tập này", Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn cho biết.

 Hoạt động dạy và học của cô trò Trường Mẫu giáo Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn cung cấp

Hoạt động dạy và học của cô trò Trường Mẫu giáo Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn cung cấp

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét các đặc thù của ngành giáo dục địa phương. Mặc dù việc tinh giản biên chế là một chủ trương hợp lý, nhưng thực tế khối lượng công việc cho thấy biên chế hiện tại giao cho ngành là không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc.

Do đó, cần có cơ chế cho phép ngành giáo dục biệt phái viên chức theo Điều 27, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ và giáo viên tại trường. Từ đó hỗ trợ hiệu quả cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn. Nếu có chế độ hỗ trợ cho viên chức biệt phái, điều này sẽ càng giúp họ yên tâm công tác hơn.

Giáo viên biệt phái khó yên tâm công tác ở môi trường làm việc "tạm thời"

Ông Lê Đại Thành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, ngành giáo dục huyện Đắk Glong có sự thiếu hụt một lượng lớn giáo viên. Qua thống kê sơ bộ, năm học 2024-2025, huyện Đắk Glong còn thiếu hơn 180 giáo viên ở tất cả các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở.

Tuy nhiên, việc tăng cường, biệt phái giáo viên từ trường này sang trường khác nhằm chia sẻ gánh nặng trong công tác giảng dạy vẫn gặp phải nhiều bất cập, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, đa số các trường học trên địa bàn huyện đều gặp tình trạng thiếu giáo viên vì số lượng học sinh tăng lên hàng năm, trong khi số lượng biên chế vẫn giữ nguyên. Hơn nữa, số lượng giáo viên đứng lớp còn giảm do chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Thứ hai, đa số các thầy cô giáo đã lập gia đình và sinh sống gần ngôi trường mà bản thân công tác. Do vậy, khi thực hiện việc biệt phái giáo viên từ trường này sang trường khác, giáo viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển từ nhà đến nơi được tới biệt phái để giảng dạy.

Thứ ba, giáo viên được biệt phái sẽ có tình trạng không thể chuyên tâm dạy như khi ở môi trường mà họ đã xác định gắn bó suốt đời. Mối quan hệ với đồng nghiệp tại nơi làm việc "tạm thời" cũng không được gắn kết bền chặt như ở trường mà giáo viên đã làm việc trước đây.

 Giáo viên biệt phái từ trường này sang trường khác gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển và không yên tâm trong công việc. Ảnh: Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cung cấp

Giáo viên biệt phái từ trường này sang trường khác gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển và không yên tâm trong công việc. Ảnh: Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cung cấp

Bên cạnh đó, số lượng đội ngũ biên chế được giao tại phòng giáo dục và đào tạo rất hạn chế, chỉ từ 5-6 biên chế. Trong khi đó, khối lượng công việc cần phải xử lý lớn, dẫn đến hầu hết các phòng phải trưng tập nhân lực từ các trường để hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ tại phòng giáo dục.

Song vấn đề này vẫn còn tồn tại một số khó khăn, điển hình như khối lượng công việc được giao lớn, áp lực công việc cao, chế độ, mức lương thấp hơn so với các trường học, và phải làm việc ngay cả trong thời gian hè. Quan trọng hơn, các thầy cô giáo được trưng tập làm việc tại phòng giáo dục vẫn chưa thể nắm bắt và quản lý công việc đến các trường, vì họ chưa là người chính thức công tác tại đơn vị phòng.

Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Đại Thành cho rằng, cần phải nâng cao việc dự báo số lượng giáo viên thiếu hụt hàng năm, nhằm đảm bảo sự đồng bộ với quá trình đào tạo sư phạm. Cụ thể, cần xem xét số lượng trẻ em được sinh ra trong năm và dự báo số lượng trẻ sẽ vào lớp 1 trong khoảng 5 năm tới. Tránh việc tinh giản biên chế theo kế hoạch đã được tỉnh đề ra, đặc biệt là trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách, cơ chế hiệu quả hơn nữa trong việc luân chuyển, biệt phái có thời hạn đối với những thầy cô giáo đến những nơi còn khó khăn về đội ngũ giáo viên. Đồng thời những chế độ phụ cấp nhất định đối với những thầy cô giáo đang công tác tại phòng giáo dục, sở giáo dục khi không được phụ cấp đứng lớp như ở trường.

Điều 27, biệt phái viên chức, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định:

1. Việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;

b) Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

2. Thời gian biệt phái viên chức không quá 03 năm. Đối với ngành, lĩnh vực đặc thù, thời gian biệt phái thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Khi hết thời gian biệt phái thì cơ quan, đơn vị nơi cử viên chức đi biệt phái xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với viên chức.

3. Viên chức được cử biệt phái chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.

4. Thẩm quyền biệt phái viên chức:

a) Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quy định tại Điều 7 Nghị định này quyết định việc biệt phái viên chức.

b) Việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

5. Trình tự, thủ tục biệt phái viên chức:

a) Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận viên chức biệt phái;

b) Bước 2: Gặp viên chức để trao đổi về chủ trương biệt phái và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;

c) Bước 3: Trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

6. Viên chức biệt phái được hưởng quyền lợi quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 36 Luật Viên chức. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, đơn vị cử viên chức biệt phái chi trả, viên chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi nhận biệt phái chi trả.

Bích Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/biet-phai-giao-vien-phong-gddt-gap-kho-vi-khong-co-huong-dan-cu-the-post245778.gd