Hơn 200 đại biểu tham gia thảo luận về việc triển khai tài nguyên giáo dục mở

Tọa đàm được tổ chức với mong muốn các trường đại học sẽ có dịp hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển tài nguyên giáo dục mở.

Ngày 1/10, tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Câu lạc bộ Giáo dục mở (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài nguyên giáo dục mở tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam”. Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự tọa đàm có Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội; Ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban công tác hội viên của Hiệp hội.

Về phía Câu lạc bộ có Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Giáo dục mở; Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng lãnh đạo các thành viên trong câu lạc bộ và sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.

 Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài nguyên giáo dục mở tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam” được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh chụp màn hình

Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài nguyên giáo dục mở tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam” được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh chụp màn hình

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Tài nguyên giáo dục mở đang ngày càng khẳng định giá trị trong quá trình phát triển của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Có thể nói, tài nguyên giáo dục mở đang tạo ra một cơ hội lớn cho giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn học liệu có chất lượng với chi phí thấp nhất để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu, tạo ra sự bình đẳng xã hội trong việc tiếp cận thông tin và giáo dục với phương châm giáo dục cho tất cả mọi người.

Năm 2016, UNESCO đã chỉ ra tài nguyên giáo dục mở cung cấp cơ hội mang tính chiến lược trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện chia sẻ tri thức và xây dựng năng lực cho mỗi cá nhân.

Với sự thay đổi không ngừng và phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tài nguyên giáo dục mở đã giúp cho các giảng viên, sinh viên chủ động tiếp cận và cập nhật được các kiến thức và theo kịp sự phát triển của xã hội.

Theo đó, với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác giữa các trường đại học với các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng phát triển tài nguyên giáo dục mở, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành rất vinh dự được phối hợp với Câu lạc bộ Giáo dục mở của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm này”.

Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Ái Cầm còn cho hay, trong thời gian vừa qua, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã triển khai xây dựng và khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở.

Cụ thể, nhà trường đã xác định vai trò cũng như tầm quan trọng của tài nguyên giáo dục mở thông qua việc triển khai Đề án tài nguyên giáo dục mở ở giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó có một số nội dung trọng điểm đã được nhà trường triển khai đi từng bước như xây dựng chính sách hay xây dựng khung năng lực tài nguyên giáo dục mở, xây dựng các sản phẩm tài nguyên giáo dục mở và triển khai đưa tài nguyên giáo dục mở vào các học phần trong chương trình đào tạo.

“Đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tài nguyên giáo dục mở là một trong những định hướng lâu dài, là nền tảng để nhà trường hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai", cô Cầm nhấn mạnh.

Trên cương vị chủ nhiệm Câu lạc bộ Giáo dục mở, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Phát triển tài nguyên giáo dục mở là một vấn đề lớn, quan trọng, liên quan đến nhiều đối tượng trong xã hội và cần có tầm nhìn dài hạn.

Theo đó, việc xây dựng, triển khai mô hình học liệu mở thông qua việc sử dụng, tạo lập nguồn tài nguyên giáo dục mở đem lại cho các trường đại học những lợi ích lớn lao và bền vững.

Điều này đúng với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Song, theo thầy Khang, hiện tại ở Việt Nam chưa có nhiều trường đại học xây dựng mô hình quản trị nhằm thúc đẩy nguồn tài nguyên giáo dục mở trong tổ chức của mình.

“Nhận thấy tầm quan trọng, cần thiết của mô hình tài nguyên giáo dục mở, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 4301/BGDĐT-GDTX ngày 20/09/2019 về việc xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở.

Đến ngày 25/09/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt chương trình xây dựng mô hình tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Đây là những cột mốc tích cực để phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam”, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang nêu quan điểm.

Là một trong bốn báo cáo viên trình bày tham luận tại tọa đàm, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều - Giám đốc Thư viện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã trình bày một số mục tiêu và kết quả triển khai tài nguyên giáo dục mở tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

 Mục tiêu cụ thể của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh chụp màn hình

Mục tiêu cụ thể của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh chụp màn hình

Theo chia sẻ của cô Kiều, một trong những lợi ích khi triển khai tài nguyên giáo dục mở trong trường đại học chính là mang lại cơ hội học tập suốt đời cho tất cả sinh viên, cán bộ và giáo viên nhằm góp phần xây dựng một xã hội học tập tích cực.

Qua đó còn góp phần tăng cường chất lượng đào tạo và nghiên cứu, cung cấp nguồn học liệu có chất lượng, đồng thời giảm giá thành phát triển học liệu.

Thứ hai, tài nguyên giáo dục mở góp phần trang bị kỹ năng số cho người học thích ứng với môi trường học tập số tại nhà trường và môi trường số sau khi ra trường làm việc. Thúc đẩy sự minh bạch trong học thuật và giải quyết được vấn đề bản quyền trong quá trình sử dụng và chia sẻ học liệu.

Cuối cùng, tài nguyên giáo giáo dục mở có khả năng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học đạt các chuẩn về đánh giá, xếp hạng và kiểm định chất lượng, đáp ứng các mục tiêu khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu của định hướng mô hình đại học chia sẻ. Qua đó tạo nền tảng cơ sở phát triển bền vững và tự chủ, góp phần quảng bá thương hiệu cho nhà trường.

“Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã triển khai chuyển đổi một số học liệu có bản quyền sang hình thức truy cập mở, xây dựng được 50 tài nguyên giáo dục mở từ kết quả nghiên cứu của giảng viên.

Nhà trường đã triển khai sử dụng tài nguyên giáo dục mở ở trong các học phần của một số chương trình đào tạo, đặc biệt là một số học phần trong chương trình đào tạo năm 2024.

Tính đến nay, tổng số khóa học nhà trường cung cấp cho giảng viên, sinh viên là khoảng 30 khóa học được chia sẻ từ các trường đại học và các tổ chức hàng đầu trong việc triển khai, sử dụng tài nguyên giáo dục mở.

Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm và các hoạt động đào tạo khác, các chính sách đầu tư, xác định ứng dụng giải pháp công nghệ tài nguyên giáo dục mở được nhà trường tiếp cận một cách thận trọng, cân nhắc về vấn đề chi phí vận hành để lưu trữ tài nguyên giáo dục mở.

Sau một thời gian phối hợp giữa các bộ phận có liên quan và đặc biệt là phòng quản trị thông tin của nhà trường thì đến nay chúng tôi đã triển khai và đưa vào ứng dụng công nghệ quản trị tài nguyên giáo dục mở bao gồm cả website, phần mềm lưu trữ khóa học, hệ thống lưu trữ tài liệu các sản phẩm tài nguyên giáo dục mở.

Về công tác đào tạo, tính đến nay tổng số giảng viên được tập huấn tài nguyên giáo dục mở là 285 giảng viên; tổng số sinh viên được tập huấn tìm hiểu tài nguyên giáo dục mở là 363 em”, Thạc sĩ Trần Thị Thúy Kiều chia sẻ.

 Hình ảnh hoạt động triển khai Tài nguyên giáo dục mở tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh hoạt động triển khai Tài nguyên giáo dục mở tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, cô Kiều còn cho biết trong quá trình triển khai, thực hiện, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức khi văn hóa sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong sinh viên, giảng viên chưa cao. Đồng thời việc thực thi bản quyền khi triển khai xây dựng tài nguyên giáo dục mở cũng như những chính sách hợp tác giữa các trường đại học trong việc triển khai hiện nay còn đang hạn chế.

Góp mặt tại tọa đàm, Thạc sĩ Trương Minh Hòa - Cán bộ Thư viện cấp cao tại Trường Đại học Fulbright đã trình bày tham luận về Học liệu mở Fulbright: Cơ hội và thách thức.

Theo đó, học liệu Fulbright dựa trên kinh nghiệm của Viện Công nghệ Massachusetts với Sáng kiến học liệu mở (OCW), FSPPM đã bắt đầu đưa tài liệu giảng dạy và nghiên cứu lên mạng. Đây là một nguồn tư liệu để những ai đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách có thể nâng cao kiến thức và khám phá những cách thức tiếp cận mới trong quá trình học tập và xây dựng giáo trình.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Kỹ thuật số của Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ các nội dung liên quan đến một số vấn đề về phát triển hệ thống công nghệ, các khóa học mở HOUMOOCS đáp ứng cho đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Mở Hà Nội.

Theo đó, thầy Dũng cho hay: Sự thay đổi và ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng có sự phát triển vượt bậc. Hoạt động dạy và học đã có sự thay đổi lớn từ lấy giảng viên làm trung tâm chuyển sang lấy người học làm trung tâm, từ bài giảng giấy sang dạng điện tử có khả năng tương tác với người học.

Quá trình học tập từ khi có hình thức học tập trực tuyến thông qua internet thì thời gian và không gian gần như được xóa bỏ khi người học có thể học bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào.

Trên cơ sở đó, khóa học trực tuyến mở (MOOCS) là một trong những xu hướng phát triển trong giáo dục đại học hiện nay, hỗ trợ việc học tập suốt đời của từng cá nhân và của cả xã hội.

 Thạc sĩ Trần Tiến Dũng đặt vấn đề cho tham luận của mình. Ảnh chụp màn hình

Thạc sĩ Trần Tiến Dũng đặt vấn đề cho tham luận của mình. Ảnh chụp màn hình

Để làm nổi bật quan điểm của mình, Thạc sĩ Trần Tiến Dũng đã lấy dẫn chứng theo thống kê của Vnetwork năm 2023 tại Việt Nam đã có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số.

Với đặc điểm đó, MOOC là các khóa học được thiết kế cho một số lượng lớn người tham dự, có thể được truy cập ở bất cứ nơi nào và cho bất kỳ ai nếu như họ có thể kết nối với internet.

“ Tuy nhiên, trên thực tế kết quả học tập trên MOOC vẫn chưa được công nhận giá trị chính thống như các khóa học trực tuyến khác. Ghi nhận từ thực tế có thể thấy rằng, việc người học có thể linh động trong quá trình học tập dễ dẫn đến tình trạng người học mất đi động lực học tập để hoàn thành khóa học.

Mặt khác, phần lớn số người học đăng ký tài khoản nhưng không tham gia hoặc tham gia nhưng không hoàn thành các khóa học”, thầy Dũng cho hay.

Trình bày tham luận cuối cùng tại tọa đàm, Kỹ sư Lê Trung Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển tài nguyên giáo dục mở đã có những chia sẻ gợi ý triển khai tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học theo Quyết định số 1117/QĐ-TTg.

Theo đó, Kỹ sư Lê Trung Nghĩa đã đặt vấn đề trước việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học với mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2023-2026 và 2027-2030 cùng với 4 nhiệm vụ và giải pháp nhằm triển khai thực hiện quyết định này.

Trên cơ sở đó, thầy Nghĩa nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các trường đại học khi hoàn toàn có thể chủ động tích cực triển khai nhiều trong số các hoạt động thuộc 4 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong đó.

Ngoài ra, Kỹ sư Lê Trung Nghĩa đã đưa ra một số gợi ý ở dạng một bảng câu hỏi khảo sát để giúp các cơ sở giáo dục đại học có thêm thông tin, nội dung phục vụ cho hoạt động triển khai, thực thi tài nguyên giáo dục mở tại đơn vị, tổ chức của mình.

Tại tọa đàm các đại biểu, khách mời tham dự đã có cơ hội được trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc triển khai tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học. Sau mỗi câu hỏi, các báo cáo viên trực tiếp giải đáp, chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế để góp ý và làm rõ hơn chủ đề chung của tọa đàm.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hon-200-dai-bieu-tham-gia-thao-luan-ve-viec-trien-khai-tai-nguyen-giao-duc-mo-post245908.gd