Biệt thự cũ Hà Nội: Hiểu sâu sắc để bảo tồn nguyên vẹn
Những công trình kiến trúc kiểu Pháp có tuổi đời trên 100 năm hiện là quỹ di sản lớn trong kiến trúc đô thị Hà Nội. Đã nhiều lần thành phố đưa ra các phương án nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc này. Mới đây là kế hoạch thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hóa 3D đối với 222 biệt thự cũ thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý nhà biệt thự. Nhân dịp này PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
PV: Thưa ông, câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi biệt thự cũ ở Hà Nội đã nhiều lần được đưa ra bàn luận và mới đây, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thiết lập hồ sơ số hóa để quản lý nhà biệt thự. Ông đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn kiến trúc biệt thự cũ của Hà Nội trong thời gian qua?
KTS PHẠM THANH TÙNG: Dù khoảng 30 năm nay Hà Nội rất quan tâm đến bảo tồn các căn biệt thự cũ và các công trình kiến trúc được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ XX, nhưng do nguồn lực, khả năng và nhiều vấn đề khác nên công tác bảo tồn vẫn chưa thực sự tốt. Đến bây giờ Hà Nội vẫn đang kiểm kê lại các biệt thự để trả lại đúng giá trị vốn có của nó. Trong kế hoạch số hóa lần này, thành phố lựa chọn 24 biệt thự và 8 công trình để ưu tiên kiểm định, đánh giá chi tiết chất lượng là cách thực hiện rất tốt khi đã có sự tập trung vào những công trình tiêu biểu. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 và Hà Nội đang tích cực chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số vào quản trị. Việc số hóa 1.126 biệt thự cũ khá dễ để thực hiện bởi người Pháp đã để lại cho lưu trữ quốc gia gần như đầy đủ các bản vẽ. Có những trường hợp mất bản thiết kế nhưng chúng ta vẫn có thể tiến hành đo và vẽ lại bởi hiện nay các biệt thự đều đang hiện diện. Đưa số hóa vào quản lý, mỗi lần có vấn đề chỉ cần tra thông tin là có thể dễ dàng kiểm soát.
Vậy điều cốt lõi để bảo tồn quỹ kiến trúc biệt thự được xây dựng từ thời Pháp là gì?
- Hà Nội có những nét cổ kính như Hoàng thành Thăng Long, 36 phố phường; những nét giao thoa giữa cổ và mới, tức là các biệt thự Pháp và những công trình hiện đại là các khu đô thị mới, nó thể hiện sự nối tiếp. Bởi vậy để bảo tồn một cách toàn vẹn thì trước hết ta phải hiểu về giai đoạn hình thành nên những căn biệt thự và sự cấu thành văn hóa trong những kiến trúc đó.
Trước đây chúng ta cũng có đô thị nhưng là đô thị cổ (đô thị phong kiến), không phải đô thị mang thiết kế có quảng trường, nhà hát, bệnh viện... Cùng với quy hoạch mạng lưới đường ô cờ thì người Pháp còn cải tạo xây dựng lại khu phố cổ của Hà Nội (36 phố phường), một loạt khu phố Tây (khu phố cũ) có cả ngàn biệt thự đồng loạt được xây dựng. Những người đầu tiên sống trong biệt thự đó chủ yếu là người Pháp, những gia đình của quan chức, viên chức người Pháp hay gia đình quan chức viên chức người Việt cao cấp làm việc cho Pháp, những người dân bình thường thì sống ở nhà chia lô.
Những kiến trúc Pháp đó có giá trị đặc biệt. Thứ nhất là giá trị lịch sử, nó đánh dấu một quãng giai đoạn phát triển của Hà Nội. Thứ hai nó mang giá trị văn hóa, đó là sự giao thoa giữa văn hóa Đông - Tây. Chính vì thế mới tạo ra một hình thức kiến trúc biệt thự Pháp ở Hà Nội rất đặc biệt, với nhiều phong cách. Từ phong cách tân cổ điển Pháp cho đến tân cổ điển châu Âu được pha trộn với kiến trúc của Việt Nam như mái che, mái trạm trổ, hàng hiên rộng. Các biệt thự được xây đa phần được mang nét pha trộn kiến trúc truyền thống Việt Nam cho nên nó có ý nghĩa giao thoa của hai dòng văn hóa. Trải qua thời gian biệt thự có sân vườn, tạo nên những con phố rất đẹp như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lê Hồng Phong... Tất cả các biệt thự ở đây được xây dựng đều có sân vườn, với diện tích khoảng từ 500 - 600 m2.
Hiện nay các căn biệt thự Pháp ở Hà Nội có niên đại 120 -150 năm mang giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời là minh chứng cho một giai đoạn phát triển của thành phố. Biệt thự cũng giống như con người, người già thì cần được chăm sóc, tức là phải có sự trùng tu, bảo dưỡng thì mới bền được. Nhưng trước khi thực hiện các công việc đó cần phải hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa cốt lõi của biệt thự cũ thì mới có thể bảo tồn vẹn nguyên giá trị của nó.
Có thể thấy các công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc ở Hà Nội chính là một quỹ tài sản đô thị đặc biệt của thành phố, nhưng qua thời gian biệt thự cũ đã trở thành nơi ở của nhiều hộ gia đình. Muốn bảo tồn biệt thự cổ cũng cần bảo đảm cuộc sống cho người dân. Ý kiến của ông như thế nào về việc này?
- Chúng ta rất may mắn khi Hà Nội và TPHCM là hai thành phố ít bị tàn phá bởi chiến tranh. Quỹ biệt thự của Hà Nội năm 1954 sau khi giải phóng vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên qua năm tháng chiến tranh, thời kỳ bao cấp, kinh tế khó khăn, các biệt thự ít được quan tâm nên việc người dân cơi nới, sửa chữa đã phần nào làm biến dạng kiến trúc gốc của biệt thự.
Hiện nay, muốn hài hòa giữa việc bảo tồn và đảm bảo cuộc sống cho người dân thì cần phải có được sự đồng thuận. Khi mà anh đã lên danh sách biệt thự này được bảo tồn tức là không ai được phép sửa chữa, muốn sửa chữa phải có ý kiến của Nhà nước. Tức là bảo tồn, tu bổ phải giữ lại nguyên trạng kiến trúc ban đầu. Thí dụ đó là kiến trúc decor tân cổ điển từ cái phào, trạm trổ phải giữa nguyên. Anh có thể cải tạo nội thất bên trong cho hiện đại nhưng kiến trúc bên ngoài vẫn phải đảm bảo và đặc biệt cần trả lại sân vườn, khuôn viên cho biệt thự. Những cái cơi nới phải bỏ đi hết, trồng lại cây trong khuôn viên. Như biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo đang được tu sửa, cái đó rất tốt nhưng để làm thêm được nhiều căn khác thì vẫn cần thêm nhiều nguồn lực.
Một điều quan trọng khác là cần giúp người dân hiểu để tham gia vào giữ gìn kiến trúc biệt thự. Người dân sống ở những ngôi biệt thự phải tham gia vào việc giữ gìn di sản sống. Cần có thỏa thuận rõ giữa người sử dụng và Nhà nước. Còn nếu thành phố lấy biệt thự để làm mục đích phát triển văn hóa thì không được có người ở. Chỗ đó Nhà nước cho thuê, sử dụng làm điểm đến thu hút khách du lịch. Tiền thu lại sẽ duy trì để tái bảo trì, đồng thời trả lại cho biệt thự vẻ đẹp kiêu sa của nó để góp phần làm cho Hà Nội thêm đẹp và văn minh. Nếu làm được điều này thì chúng ta sẽ giữ được quỹ biệt thự. Thời gian không chờ đợi ai nên rất cần sự chung tay của Nhà nước và của cả cộng đồng để làm sao chúng ta giữ lại được càng nhiều biệt thự cũ càng tốt và chính những ngôi biệt thự được bảo tồn đó sẽ hấp dẫn khách du lịch và tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa.
Sau khi bảo tồn, chúng ta cũng phải tính đến việc sử dụng sao cho hợp lý những căn biệt thự đó. Vậy ông có đề xuất gì về việc kết hợp du lịch với những căn biệt thự, công trình kiến trúc thời Pháp thuộc ở Hà Nội?
- Các công trình như tháp nước Hàng Đậu khi bảo tồn xong thì cần phải biến nó thành địa điểm có ích. Đấy là nơi đó có thể được tận dụng làm không gian sáng tạo. Ở các nước người ta lấy cả một nhà ga cũ làm không gian sáng tạo, làm triển lãm, nơi biểu diễn... Tại sao chúng ta có cả một tháp nước mà không tận dụng làm một cái bảo tàng nho nhỏ? Nếu chúng ta mạnh dạn làm và để những người trẻ tham gia, bây giờ thế hệ 8x, 9x rất giỏi họ được trang bị công nghệ, nắm bắt được khoa học công nghệ, nếu được sự động viên, hỗ trợ của thành phố cho họ nguồn lực để làm thì tôi tin nơi đó sẽ trở thành không gian sáng tạo.
Chúng ta đang ở trong thời kỳ công nghệ số, số hóa các vấn đề quản trị và đồng thời chúng ta đang sống trong giai đoạn phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rất rõ: Văn hóa là động lực để phát triển kinh tế. Cho nên tinh thần đó phải được thể hiện trong quản trị đô thị, để Hà Nội không bị mất đi các di sản.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chuyên gia Pháp lý giải màu sơn trên căn biệt thự cổ đang trùng tu
Liên quan đến việc dự án biệt thự Pháp cổ ở số 49, phố Trần Hưng Đạo và số 46, phố Hàng Bài đang trong quá trình tu bổ bảo tồn và màu sắc công trình đang được dư luận quan tâm lớn, chiều 15/4, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng chuyên gia Pháp đã có buổi gặp gỡ, báo chí thông tin ngay tại công trình này.
Trao đổi với báo chí, ông Emmanuel Cerise- Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam, đơn vị phối hợp với quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án này cho biết: “Chúng tôi khẳng định là dự án chưa đến giai đoạn trùng tu cuối cùng, chưa hoàn thiện. Tuy nhiên các gam màu cơ bản được dùng đúng như màu gốc của công trình ban đầu”.
Cũng theo ông Emmanuel Cerise, tầng trên của căn biệt thự chưa kẻ chỉ gạch nên tạo cảm giác hơi ấn tượng . Tầng dưới đã kẻ chỉ gạch giống bản gốc của công trình. "Đây là những gam màu gốc và chúng tôi khẳng định tôn trọng bản gốc", ông Emmanuel Cerise nói.
Liên quan đến dư luận cho rằng, thời gian gần đây, có một số dự án tôn tạo, trùng tu các biệt thự cổ Pháp đi theo hướng lựa chọn gam màu nhạt đi, cố tình thể hiện nhuốm màu thời gian, ông Emmanuel Cerise khẳng định: “Đây không phải cách bảo tồn công trình thật sự, phải tôn trọng cái gốc khi mới được xây dựng. Nếu cố tình làm nhạt màu theo thời gian, thì sau đó với tác động của mặt trời, mưa gió, thì màu lại nhạt tiếp. Vì vậy, với căn biệt thự đang trùng tu ở Trần Hưng Đạo, gam màu này trong thời gian tới có một chút điều chỉnh, nhưng về cơ bản, chúng tôi sẽ không thay đổi. Chúng tôi tôn trọng gam màu gốc”.