Biệt thự 'tiền tỷ' ở Hà Nội bị bỏ hoang cho cỏ mọc, giải pháp đánh thuế vẫn bỏ ngỏ

Giữa lúc thị trường địa ốc đang phải gồng mình đi qua chuỗi ngày khốn khó thì nhiều căn biệt thự có giá lên đến hàng chục tỷ đồng vẫn nằm hoang lạnh, để cho cỏ mọc. Việc đánh thuế - giải pháp từng được kỳ vọng có thể khắc phục được tình trạng này - theo đó cũng đang bị bỏ ngỏ.

“Người cần không có, người có bỏ không” đã trở thành thực trạng nhức nhối diễn ra suốt cả chục năm qua trong vấn đề an cư cho người dân Thủ đô. Trong khi hàng ngàn người lao động có thu nhập thấp đang ngày đêm mòn mỏi xếp hàng để chờ được phê duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giá rẻ thì không ít những khu biệt thự “nhà giàu” lại để cho… cỏ mọc!

Biệt thự “cỏ mọc” vẫn hét giá “trên trời”

Ghi nhận thực tế của phóng viên VnBusiness trong hạ tuần tháng 8/2023 cho thấy, tại nhiều khu đô thị ở ngoại thành Hà Nội có không ít căn biệt thự, nhà liền kề, shophouse dù đã xây xong từ lâu nhưng vẫn bị bỏ hoang gây lãng phí tài sản.

Đơn cử như khu đô thị Dương Nội (phường Dương Nội, quận Hà Đông) đã được chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng từ cuối năm 2018. Sau nửa thập kỷ, nhiều dãy nhà ở đây vẫn trong tình cảnh vắng vẻ, thưa thớt dân cư đến sinh sống.

Đáng chú ý, không ít căn biệt thự, nhà liền kề sở hữu vị trí đắc địa khi nằm ngay mặt đường lớn nhưng dán thông tin bán/cho thuê cả năm trời mà vẫn chưa tìm được khách. Liên hệ theo số điện thoại trên biển “cho thuê làm văn phòng ngân hàng hoặc quán cafe” của một căn biệt thự 3 tầng nằm ngay ngã tư với 2 mặt tiền kinh doanh, phóng viên nhận được câu trả lời chỉ cho thuê nguyên căn với mức giá 90 triệu đồng/tháng, không cho thuê lẻ từng tầng.

Sau nhiều năm trời được chủ đầu tư bàn giao, không ít khu biệt thự “nhà giàu”, nhà liền kề, shophouse vẫn trong tình cảnh vắng vẻ, thưa thớt dân cư.

Sau nhiều năm trời được chủ đầu tư bàn giao, không ít khu biệt thự “nhà giàu”, nhà liền kề, shophouse vẫn trong tình cảnh vắng vẻ, thưa thớt dân cư.

Cách đó không xa, khu đô thị Geleximco (huyện Hoài Đức) cũng không thoát khỏi tình cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”. Rất nhiều căn biệt thự đã được xây xong phần thô nhưng đều khóa cửa bỏ trống. Bỏ hoang lâu ngày nên không ít căn nhà đã bị xuống cấp khi tường gạch xuất hiện vết rạn nứt, ố vàng.

Khảo sát thực tế cho thấy, giá bán của mỗi căn biệt thự tại những khu đô thị này đều rất đắt đỏ khi dao động từ 100 - 150 triệu đồng/m2, tức 10 - 30 tỷ đồng/căn tùy theo vị trí, diện tích và hướng nhà. Đặc biệt, với những căn đã được chủ nhà cải tạo thiết kế và hoàn thiện hệ thống điện, nước thì giá bán lại càng “ngất ngưởng”, có thể chạm ngưỡng 50 tỷ đồng/căn.

Trong khi đó, ở khu đô thị An Hưng (quận Hà Đông), không ít người cũng phải ngã ngửa khi biết giá bán biệt thự ở đây vẫn đang neo cao ở ngưỡng 62 - 169 triệu đồng/m2, tức 10 - 52 tỷ đồng/căn, tùy theo diện tích, vị trí, số tầng hay hướng. Không ít căn nhà do lâu ngày không có người sinh sống nên cỏ mọc um tùm, che kín cả lối ra vào.

Trao đổi với VnBusiness, anh Đinh Quốc Long, môi giới “thổ địa” chuyên về phân khúc nhà ở cao cấp khu vực Hà Nội tiết lộ: “Dù bị bỏ hoang nhiều năm nhưng trên thực tế, có những căn biệt thự đã trải qua không ít đời chủ. Những người sở hữu các bất động sản có giá trị lớn như thế này thường mua để đầu tư nên họ cứ khóa cửa để đó, chờ khi nào tăng giá thì bán để “ăn” số tiền chênh lệch”.

Tuy nhiên, thị trường gần như rơi vào trạng thái “đóng băng” suốt nhiều tháng trở lại đây đã khiến lượng giao dịch giảm mạnh. Anh Long cho biết tình cảnh chung của những người hành nghề môi giới địa ốc là đều đang lao đao, gần như phải đong ăn từng bữa, nhất là khi thị trường lại vừa đón nhận thêm “cú bồi” tháng cô hồn khiến các nhà đầu tư càng mang tâm lý dè chừng trong chuyện mua bán bất động sản.

Số liệu báo cáo tổng quan theo quý về thị trường bất động sản Hà Nội mới đây của Savills Việt Nam cho thấy trong cả quý II/2023, lượng giao dịch trên thị trường của phân khúc biệt thự, liền kề có 106 căn đã bán, tăng 20% so với quý I nhưng lại giảm tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Bài toán" đánh thuế vẫn bỏ ngỏ

Một trong những nghịch lý đang tồn tại ở nhiều khu đô thị ngoại thành Hà Nội chính là thực trạng giá bán bất động sản rất cao nhưng hạ tầng khu vực vẫn chưa đủ sức “tụ dân”.

Cụ thể, nhiều khu đô thị mới dù xây rất nhiều biệt thự, nhà liền kề... nhưng xung quanh vẫn chưa có trường học, thiếu cơ sở y tế, vắng chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại,... Vì lẽ đó mà người dân Thủ đô vẫn chưa mặn mà an cư.

Không chỉ vắng bóng dân cư đến sinh sống lâu dài, những biệt thự, nhà liền kề hay shophouse ở các khu đô thị này còn vắng bóng cả khách thuê. Bên cạnh việc giá thuê cao thì môi giới Đinh Quốc Long còn lý giải một nguyên nhân khác: “Nhiều chủ nhà muốn cho thuê cả căn thô nên khách thuê không thể vào kinh doanh hay sử dụng ngay. Phải mất công sức, thời gian để tự sửa chữa, xây công trình phụ, lắp đặt điện nước nên nhiều người hỏi giá thuê xong là chạy mất hút”.

Không ít căn biệt thự do lâu ngày không có người sinh sống nên cỏ mọc um tùm, che kín lối ra vào.

Không ít căn biệt thự do lâu ngày không có người sinh sống nên cỏ mọc um tùm, che kín lối ra vào.

Trước thực trạng nhức nhối gây lãng phí tài nguyên đất đai này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng chỉ ra nguyên nhân sâu xa: “Đô thị hóa nhanh chóng cùng sự phát triển “nóng” của thị trường bất động sản đã khiến nhiều nơi mong muốn quy hoạch đô thị hiện đại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp tranh thủ thời cơ lập dự án, đầu tư vào địa ốc. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đầu tư với số vốn rất lớn, diễn ra trong thời gian dài và cực kỳ khó dự báo nhu cầu thị trường trong điều kiện đó. Vì vậy mà đã diễn ra tình trạng như trên”.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia từng kiến nghị và kỳ vọng đánh thuế sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu. Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khi nhìn ra thế giới, thuế là một công cụ giúp điều tiết thị trường rất hiệu quả mà nhiều quốc gia đã sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc thực thi ở Việt Nam vẫn thể chưa áp dụng do còn gặp nhiều rào cản.

Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ cũng phân tích: “Nếu đánh thuế thì cần tiêu chí nào để gọi là “biệt thự bỏ hoang”? Chủ của những căn biệt thự có thể lách luật bằng cách thuê một người khác, thậm chí đăng ký tạm trú cho họ ở đấy để căn biệt thự này không bỏ hoang. Vậy, chỉ đi theo chính sách biệt thự bỏ hoang thì liệu chúng ta có làm được hay không? Nhà tạo lập chính sách cần tập trung vào điều đó”.

Cũng theo chuyên gia này, trong tương lai cần có sự thực hiện quy hoạch đồng bộ, đẩy nhanh các dự án hạ tầng, đầu tư công. Song song với đó là chuẩn bị kỹ lưỡng ngân sách mới phê duyệt dự án đầu tư, tránh tình trạng giới đầu cơ "ăn theo" dự án hạ tầng đó mà cả chục năm sau dự án vẫn chưa xong, dẫn đến các bất động sản "ăn theo" cũng bất động.

“Khi dự án có đủ điều kiện để ở thì sẽ bán được và không còn tình trạng bỏ hoang. Vì thực tế, người dân đang rất muốn mua nhà. Câu chuyện ở đây là hàng hóa chưa đủ điều kiện để cầu có thể mua”, ông Võ nhấn mạnh.

Hà Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/biet-thu-apos-tien-ty-apos-o-ha-noi-bi-bo-hoang-cho-co-moc-giai-phap-danh-thue-van-bo-ngo-1094906.html