Nghị quyết số 25-NQ/TU - 'Kim chỉ nam' trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (Bài cuối)
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư đối với việc phát triển KT-XH địa phương, thời gian qua, tỉnh Long An tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác này, bước đầu mang lại những kết quả tích cực, nhất là từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn (gọi tắt là NQ số 25). Tuy nhiên, hiện nay, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo, tiếp tục đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hơn nữa công tác này, góp phần tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Bài cuối: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
Tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB theo NQ số 25, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa KT-XH địa phương phát triển nhanh, bền vững.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Theo NQ số 25, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh giải quyết dứt điểm các dự án (DA) bồi thường còn tồn đọng; phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB khoảng 4.000ha đất để phát triển KT-XH. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB khoảng 5.000ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu NQ số 25 của Tỉnh ủy, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh, Sở tập trung phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ bồi thường, GPMB sát với thực tế. Trong đó, xác định các DA trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện cũng như các DA cần tập trung giải quyết dứt điểm. Sở phối hợp UBND cấp huyện kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB; tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB các DA tạo quỹ đất sạch.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp rà soát lại các cơ chế, chính sách còn vướng mắc; chấn chỉnh công tác định giá đất theo hướng: Có quy trình thống nhất và rút ngắn thời gian xác định giá đất; định giá đất bảo đảm theo giá thị trường của loại đất được công nhận, không theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng thu thập thông tin giá đất theo giá “ảo” của các đối tượng đầu cơ đất đai; công tác thẩm định giá phải tính trên mặt bằng chung của điều kiện phát triển KT-XH và tiếp nhận đầu tư của tỉnh.
Đồng bộ các biện pháp, giải pháp
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út thông tin: “Để công tác bồi thường, GPMB đạt hiệu quả hơn nữa, huyện thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp, phấn đấu đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Trong đó, huyện tiếp tục quán triệt, lãnh đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, TĐC theo NQ số 25 của Tỉnh ủy và Chương trình số 10 của Huyện ủy".
Huyện quyết tâm từ nay đến năm 2025 sẽ giải quyết dứt điểm các DA tồn đọng và phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB 1.000ha đất, tập trung các DA thuộc chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII. Trong đó, riêng năm 2024, huyện phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giao 270ha đất sạch, chỉ tiêu phấn đấu 370ha và hoàn thành GPMB các công trình trọng điểm của tỉnh theo kế hoạch đề ra. Huyện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai, thực hiện DA.
Bên cạnh đó, người đứng đầu địa phương, đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách địa bàn nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh triển khai, thực hiện các DA; nắm tình hình, kịp thời thông tin, báo cáo, đề xuất chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh; tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành tỉnh, chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bảo đảm DA triển khai theo tiến độ. Cụ thể, UBND huyện phối hợp các sở, ngành tỉnh giải quyết thỏa đáng những kiến nghị của người dân;...
Tại huyện Đức Hòa, theo Chủ tịch UBND huyện - Lê Thành Phong, huyện xem công tác kê biên, bồi thường, GPMB là một nhiệm vụ trọng tâm. Huyện quyết liệt hơn trong công tác lãnh, chỉ đạo, thường xuyên theo dõi sâu sát, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng DA.
Hàng tháng, đơn vị kê biên, bồi thường phải xây dựng kế hoạch kê biên, bồi thường, GPMB cụ thể cho từng DA. Các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Hội đồng Bồi thường, GPMB phụ trách địa bàn, cán bộ, công chức, viên chức nêu cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, lãnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác GPMB ở cơ sở.
UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Huyện chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vấn đề về chính sách trong thu hồi đất; lãnh, chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch chủ trương, tiến độ thực hiện các DA; nâng cao công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại của người bị thu hồi đất; thực hiện nghiêm túc việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân để kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, từ đó lãnh đạo giải quyết ngay từ cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài gây bức xúc cho người dân;.../.
Để thực hiện hiệu quả NQ số 25, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh: UBND tỉnh tập trung bố trí đủ nguồn vốn trong công tác bồi thường, GPMB đối với công trình trọng điểm, công trình vốn đầu tư công, kịp thời chi trả cho người dân. Tỉnh sẽ làm việc với doanh nghiệp, quy định thời hạn để doanh nghiệp kịp thời chi trả cho hộ dân, trường hợp quá thời hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa chuyển tiền bồi thường thì kiên quyết giải quyết theo quy định. Tỉnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo địa phương tăng cường vận động để người bị thu hồi đất chấp thuận chủ trương. Đối với phần diện tích đã bồi thường, đôn đốc các chủ đầu tư sớm triển khai DA để làm cơ sở vận động các trường hợp còn lại chấp hành chủ trương thu hồi đất. Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát, ban hành các chính sách mang tính đặc thù; các quy định sửa đổi, bổ sung của UBND tỉnh về bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đề nghị các sở, ngành và UBND các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trong đó tập trung sửa đổi quy định về bồi thường, hỗ trợ TĐC khi Nhà nước thu hồi đất; sửa đổi, bổ sung Bảng giá các loại đất trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, theo dõi, hỗ trợ UBND cấp huyện giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC.
Sở Xây dựng tiếp tục hỗ trợ UBND cấp huyện trong công tác bồi thường các loại nhà ở, công trình xây dựng, vật kiến trúc và đơn giá mồ mả trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ đối với nhà cửa bị phá vỡ một phần, suất đầu tư hạ tầng để xác định giá lô nền TĐC.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và các trường hợp cây trồng vượt hạn mức.
Sở Tài chính hướng dẫn Hội đồng thẩm định giá cấp huyện trong việc thẩm định phương án giá bồi thường, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất; chủ trì tổ chức tập huấn hướng dẫn về hoạt động của Hội đồng thẩm định giá cấp huyện trong việc thẩm định phương án giá bồi thường, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất, bảo đảm hài hòa, hợp lý.
UBND các địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường, GPMB, kết quả thực hiện bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đăng ký và phấn đấu theo kế hoạch.
Nghị quyết số 25-NQ/TU - 'Kim chỉ nam' trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (Bài 2)