Biết tiếng để cùng nói, cùng làm với đồng bào dân tộc thiểu số
Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 (Quân khu 4), đóng quân ở miền Tây Nghệ An, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, nhưng đội ngũ cán bộ trong đơn vị số đông không biết tiếng nói và nắm không chắc văn hóa địa phương. Chính vì vậy, công tác quản lý, rèn luyện số chiến sĩ là con em đồng bào DTTS và mỗi lần hành quân dã ngoại làm công tác dân vận gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn tổ chức các lớp học tiếng dân tộc Thái cho hàng trăm cán bộ, nhất là những sĩ quan trẻ.
Tối thứ bảy, tiết trời khá nóng bức, sắp đến giờ thông báo cho bộ đội đi ngủ nhưng ánh đèn hội trường Trung đoàn 335 vẫn sáng, tiếng đồng thanh đánh vần theo giáo viên lớp học tiếng dân tộc Thái vẫn diễn ra nghiêm túc. Lớp học gồm 70 học viên là sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan các phân đội. Giáo viên đứng lớp là Đại úy Lương Văn Đức, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, người dân tộc Thái. Quan sát quá trình giảng dạy, với phương pháp đối thoại trực tiếp, kết hợp hình ảnh, video minh họa trên Powerpoint nên không khí học tập khá thân mật, gần gũi. Ở các tổ, nhóm đều có quân nhân biết tiếng Thái cùng tham gia học tập nên tăng tính tương tác trong quá trình trao đổi, đối thoại, góp phần nâng cao khả năng vận dụng kiến thức, từ đó giúp cho người học tiếp thu nhanh.
Theo Thượng tá Trần Thanh Bình, Chính ủy Trung đoàn 335: Hằng năm, đơn vị tiếp nhận thanh niên vào thực hiện nghĩa vụ từ nhiều địa phương, trong đó 26,4% là người DTTS. Đáng chú ý, hơn 50% số chiến sĩ này nói tiếng dân tộc Thái. Trước kia, khi chưa tổ chức các lớp học, việc quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội dân tộc Thái gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong giao tiếp, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
Thượng úy Hoàng Văn Quý, trung đội trưởng thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 5 cho biết: “Tham gia lớp học tiếng dân tộc Thái giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác quản lý, giáo dục bộ đội con em dân tộc. Còn nhớ, năm 2018, tôi ở đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới. Trong đơn vị có chiến sĩ Vi Văn Mừng, quê ở xã Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An), Mừng ít nói, ngại giao tiếp, đồng đội hỏi thăm không trả lời. Nhờ biết tiếng dân tộc Thái, tôi gần gũi trò chuyện, khi đó Mừng tâm sự, trước ngày nhập ngũ mẹ bị ốm phải nằm viện nên lo lắng, nhớ gia đình. Được quan tâm, động viên, chia sẻ, Mừng đã hòa đồng với mọi người và yên tâm công tác”.
Trung sĩ Nguyễn Hải Đăng, tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 chia sẻ: “Kết thúc khóa học tiếng dân tộc Thái, tôi được tham gia đi làm nhiệm vụ dân vận nên có dịp vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Người dân địa phương thấy chúng tôi nói được tiếng đồng bào mình nên rất tin, đồng thuận với thông tin, hướng dẫn của bộ đội. Vì vậy, hiệu quả việc nắm tình hình và vận động quần chúng của đội công tác đạt kết quả tốt”. Còn Binh nhất Nguyễn Xuân Đức, chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 6 tâm sự: “Năm ngoái, khi đơn vị hành quân diễn tập ở bản Ồ Ồ, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Ở đó, hơn 90% người dân tộc Thái sinh sống. Nhờ biết tiếng nên chúng tôi giao tiếp với bà con dễ dàng. Đồng bào quý mến còn nhường giường, phản cho bộ đội ngủ. Kết thúc đợt diễn tập, trở về đơn vị bộ đội và người dân địa phương lưu luyến không muốn chia tay”.
Đại úy Lương Văn Đức cho biết: “Khi được đơn vị cử vào tổ giáo viên tôi rất lo và sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng được sự động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ của chỉ huy đơn vị nên tôi từng bước khắc phục yếu điểm về khả năng sư phạm. Trước mỗi buổi lên lớp tôi lên mạng tìm kiếm thông tin bổ sung vào giáo án để bài giảng thêm phong phú, giúp bộ đội dễ học, dễ nhớ”.
Đội ngũ giáo viên tham gia dạy tiếng dân tộc Thái là những cán bộ người dân tộc đang công tác ở đơn vị, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin và Trung tâm Giáo dục chính trị huyện Anh Sơn. Tài liệu học tập được sưu tầm qua hệ thống thư viện và internet. Với sự nhiệt tình của giáo viên, nội dung bài giảng phong phú, học viên hoàn thành tốt việc học tập, rèn luyện kỹ năng nghe, nói và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chỉ huy đơn vị giao. Từ thực tế ở Trung đoàn 335 cho thấy, việc tổ chức để bộ đội học tiếng đồng bào DTTS nơi đơn vị đóng quân là rất cần thiết. Biết tiếng đồng bào không chỉ nâng cao chất lượng quản lý, huấn luyện bộ đội, mà còn triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn đóng quân.