'Biết tuốt' lộ trình, ga tàu bằng một cú nhấp chuột
Nhờ số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành đường sắt không chỉ nâng chất lượng phục vụ khách hàng mà còn rút ngắn thời gian quay vòng toa xe, giảm thao tác nên tăng đáng kể doanh thu.
Chỉ cần một cú nhấp chuột
Làm theo hướng dẫn của một chuyên viên Cục Đường sắt VN, PV Báo Giao thông thử truy cập trang web: https://kchtds.vnra.gov.vn. Ngay trên trang chủ hiện ra bảng thông tin các tuyến đường sắt quốc gia chính với tên tuyến, chiều dài, khổ đường, số lượng ga trên tuyến. Cạnh bảng là bản đồ mạng lưới đường sắt.
Nhấp chuột vào thông tin muốn tìm hiểu lại tiếp tục mở ra các thông tin tiếp theo.
Ví dụ nhấp chuột vào tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, trên bản đồ mạng lưới sẽ hiển thị hướng tuyến, điểm đầu, điểm cuối tuyến. Nhấp chuột vào số lượng ga sẽ hiển thị ra bảng thông tin chi tiết về tên ga, lý trình… dọc theo tuyến từ ga Hà Nội vào đến ga Sài Gòn.
Website này là sản phẩm của dự án "Xây dựng hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt" (VNRA-MIS), thuộc Chương trình Aus4Transport (A4T) do Chính phủ Úc hỗ trợ kỹ thuật từ năm 2022.
Ông Tạ Quang Sơn, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải chia sẻ, đơn vị được Tổng công ty Đường sắt VN đặt hàng quản lý bảo trì 4 tuyến với tổng chiều dài khoảng 125km, bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau: 346 bộ ghi, hơn 4.624m cầu, 1.471m cống, hơn 385.000m2 nhà ga, kho ga, thông tin tín hiệu và khoảng 160.000m2 ke ga bãi hàng.
Trước đây, việc nhập dữ liệu khối tài sản này được thực hiện thủ công theo từng kế hoạch rà soát quý, năm, rất dễ xảy ra sai sót. Nhưng với VNRA-MIS, các bộ phận liên quan sẽ cập nhật chi tiết đến từng đầu tên tài sản, chi tiết tới từng cầu ray, thanh tà vẹt, bộ phụ kiện trên mỗi cầu ray.
"Việc số hóa đã giúp các cơ quan chức năng dễ dàng nắm được danh mục các công trình hết niên hạn sử dụng, công trình sự cố, xuống cấp cần sửa, từ đó lập kế hoạch bảo trì thuận lợi hơn", ông Sơn nói.
Rút ngắn thời gian quay vòng toa xe
Từ năm 2016 đến nay, Tổng công ty Đường sắt VN đã áp dụng nhiều phần mềm quản lý phương tiện đầu máy, toa xe qua mạng như: Hệ thống điều hành và tổ chức vận tải, hệ thống quản trị vận tải hàng hóa, phần mềm cơ báo điện tử và phần mềm quản lý vật tư - phụ tùng đầu máy.
Một nhân viên kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, trước đây, công ty quản lý toa xe thông qua thống kê, ghi chép thủ công từ các đơn vị cơ sở nên có sai sót, mất nhiều thời gian.
Với phần mềm quản trị vận tải, các nhân viên, chức danh tùy theo nhiệm vụ sẽ cập nhật thông tin trạng thái toa xe lên hệ thống sau mỗi tác nghiệp. Ngay sau đó, trên hệ thống sẽ hiển thị trạng thái tức thời của toa xe như: Toa xe trong đoàn tàu nào, ở đâu, rỗng hay nặng; được đưa vào xưởng để sửa chữa thời gian nào…
Cũng theo nhân viên này, việc áp dụng hệ thống quản trị qua mạng giúp quản lý chính xác từng chủng loại toa xe, chi tiết tình trạng kỹ thuật, vị trí nên việc điều hành phương tiện, xây dựng kế hoạch lập tàu rất kịp thời. Việc này còn rút ngắn thời gian quay vòng toa xe hàng khoảng 2,5 ngày so với trước.
"Khách hàng được cung cấp công cụ tra cứu trên hệ thống theo thời gian thực để chủ động theo dõi hành trình toa hàng để chủ động bố trí nhân lực, phương tiện để xếp dỡ hàng hóa", nhân viên trên thông tin.
Tăng doanh thu, giảm thao tác
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Trần Anh Tuấn cho biết, việc áp dụng công nghệ thông tin đã thay đổi hoàn toàn phương pháp điều hành và kinh doanh vận tải của đơn vị.
Công nghệ giúp minh bạch mọi thông tin từ điều hành, vận chuyển của chủ hàng đến công tác điều toa xe, cấp toa xe của các công ty cổ phần vận tải, vận dụng đầu máy của các xí nghiệp đầu máy.
"Doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ, nhưng lại sử dụng ít phương tiện vận tải hơn.
Cụ thể, doanh thu tăng trưởng hơn 23% so với cùng kỳ 2023, nhưng số lượt tác nghiệp khách lại giảm 13,25%. Tương tự, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 5,81%, nhưng số lượt tác nghiệp hàng hóa giảm 6,22%", ông Tuấn thông tin.
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, hệ thống quản trị vận tải hàng hóa được xây dựng, áp dụng với mục tiêu số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ của các công ty cổ phần vận tải đường sắt, triển khai tại 34 nhà ga.
Năm 2021, Tổng công ty triển khai phần mềm quản lý cơ báo điện tử để quản trị tình trạng kỹ thuật và vận dụng đầu máy, kết nối dữ liệu với hệ thống điều hành vận tải đường sắt. Đến nay đã triển khai tới 223/305 nhà ga và sẽ dần phát triển tới toàn bộ các ga.