Biểu dương 95 cán bộ nữ công đoàn cơ sở tiêu biểu

Chiều 8/7 tại Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và biểu dương 95 cán bộ nữ công công đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc lần thứ 3 năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Trong lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ luôn là lực lượng quan trọng, có những đóng góp to lớn, tạo nên những dấu ấn đậm nét. Bước vào thời kỳ đổi mới, vị thế và vai trò của phụ nữ tiếp tục được khẳng định và phát huy.

Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, trong đó lực lượng nòng cốt là nữ công nhân, viên chức, lao động, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị.

Từ khi thành lập, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm tới công tác vận động nữ đoàn viên, người lao động, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp Công đoàn cả nước. Những kết quả đạt được của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 95 năm qua có sự đóng góp quan trọng, mang dấu ấn đậm nét của đội ngũ nữ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động.

Tháng 2/1949, Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) quyết định thành lập Ban cán sự phụ nữ (tiền thân của Ban Nữ công ngày nay). Trải qua 75 năm, tới nay Ban nữ công công đoàn đã có sự phát triển vượt bậc với hệ thống tổ chức được thành lập từ Trung ương tới cơ sở, thu hút đông đảo nữ công nhân, viên chức, lao động tham gia.

Văn kiện các kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam đều xác định, bổ sung, hoàn thiện, làm sâu sắc hơn các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động qua từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động nữ, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn. Cùng với đó, Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch hoạt động, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động nữ, bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em...

Tọa đàm trao đổi với những trưởng ban nữ công tiêu biểu.

Tọa đàm trao đổi với những trưởng ban nữ công tiêu biểu.

Các cấp công đoàn tích cực tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật, đề xuất, kiến nghị chính sách đặc thù bảo đảm quyền lợi lao động nữ, tập trung vào lĩnh vực việc làm, đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, tiền lương, chế độ thai sản, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19...; các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con công nhân, viên chức, lao động được duy trì. Một số hoạt động thí điểm như “Bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”, “Ngày hội việc làm” cho lao động nữ được triển khai hiệu quả, bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Việc thành lập, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng được đẩy mạnh. Đến nay, cả nước có gần 80.000 ban nữ công quần chúng, việc thành lập ban nữ công công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước đạt tỷ lệ trên 80%, vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra.

Biểu dương 95 cán bộ nữ công đoàn cơ sở tiêu biểu.

Biểu dương 95 cán bộ nữ công đoàn cơ sở tiêu biểu.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ đoàn viên, người lao động có nhiều đổi mới, bám sát thực tiễn lao động, sản xuất, công tác với nội dung, tiêu chí được cụ thể hóa, phù hợp với từng khu vực, ngành, nghề, đơn vị, thu hút đông đảo nữ đoàn viên, người lao động tham gia. Hàng năm có trên 92% nữ đoàn viên đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Tính đến nay, số ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) là nữ chiếm 55,1%, tăng 8% so với nhiệm kỳ trước; cấp trên cơ sở đạt 40,3%, tăng 4,04%; cấp tỉnh ngành đạt 36,44%, tăng 10,74%; nữ Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương có 105/275 đồng chí, chiếm 38,18%.

“Thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động công đoàn và công tác nữ công công đoàn nói riêng đứng trước những thời cơ thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn, xuất hiện nhiều vấn đề mới, có mặt chưa có tiền lệ. Đời sống, việc làm, thu nhập của lao động nữ, việc thực hiện chính sách lao động nữ và bình đẳng giới vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, đòi hỏi cả hệ thống chính trị quan tâm giải quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá: “Qua theo dõi tình hình thực tế, cũng như báo cáo tại Hội nghị, tôi đánh giá cao vai trò Ban Nữ công công đoàn các cấp đã luôn nỗ lực làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ, với nhiều chương trình, mô hình hoạt động sáng tạo và hiệu quả. Nổi bật là, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ và trẻ em; tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng, kiểm tra giám sát chính sách pháp luật về những vấn đề liên quan đến lao động nữ như các chính sách về lao động, BHXH, thai sản...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp, lồng ghép hoạt động của Hội Phụ nữ với hoạt động nữ công công đoàn, sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, người lao động; tiếp tục phát huy vai trò, chức năng của Công đoàn trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp; kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp.

XL/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/bieu-duong-95-can-bo-nu-cong-doan-co-so-tieu-bieu-20240708175812240.htm