Biểu giá điện mới: Rà soát thêm để hạn chế tiền điện 'nhảy' mùa nắng nóng

Biểu giá điện mới đơn giản hơn, nhưng cũng còn những vấn đề cần xem xét, xử lý cho phù hợp như 'bước nhảy' về giá của các bậc thang.

Bộ Công thương vừa gửi công văn đến các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan để lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới. Phương án bộ này đưa ra là thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc hiện hành xuống còn 5 hoặc 4 bậc. Bậc 1 từ 100kWh còn bậc cao nhất là từ 701kWh trở lên. Mức giá của bậc 1 là 1.678 đồng/kWh, còn bậc cao nhất là từ 3.076-3.356 đồng/kWh...

PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Phương án 5 bậc hài hòa hơn 4 bậc

Hiện nay, Bộ Công thương đưa ra các phương án về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để lấy ý kiến, ông có đánh giá như thế nào về biểu giá mới này so với biểu giá hiện hành?

Sau 7 năm thực hiện, biểu giá bán lẻ điện hiện hành do Thủ tướng Chính phủ quy định đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện cho việc điều hành giá bán điện công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, giải quyết được nhiều nội dung của chính sách giá điện theo quy định của Luật điện lực, có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng điện.

Tuy nhiên, cho đến nay các điều kiện về sản xuất, kinh doanh, cung cầu cơ cấu mức độ tiêu thụ điện năng, thu nhập của người tiêu dùng điện thay đổi và việc thực hiện lộ trình xây dựng, hoàn thiện các cấp độ thị trường điện thì biểu giá bán lẻ điện hiện hành đã xuất hiện những bất cập nhất định.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Vì vậy, việc đặt ra yêu cầu phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện là cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu của quản lý, sản xuất, kinh doanh mà còn cả yêu cầu của dư luận xã hội nhằm mục tiêu: Khắc phục những bất cập của biểu giá bán lẻ điện hiện hành, thực hiện tốt hơn nữa chính sách giá điện.

Đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí người dùng điện, thuận lợi trong quản lý ngành, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dung điện.

Nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm…

Hai biểu giá bán lẻ điện cải tiến mà Bộ Công thương đưa ra xin ý kiến đều có những điểm mới chung so với biểu giá điện bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành là: Sắp xếp lại các bậc thang trong biểu giá theo hướng rút gọn lại từ 6 bậc xuống 5 bậc (PA1), 6 bậc xuống 4 bậc (PA2).

Ghép các bậc của biểu giá hiện hành lại với nhau để tăng khoảng cách, mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ điện của bậc cao hơn.

Ví dụ, so với biểu giá hiện hành (6 bậc) thì biểu giá mới sẽ không còn bậc thang từ 0-50 kWh mà ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới từ 0-100kWh; Hay ghép bậc 4, bậc 5 hiện hành thành bậc 3 mới cho kWh mới là từ 201-400kWh; Hoặc mở bậc thang mới đến 700kWh và từ 701kWh trở lên thay cho biểu giá hiện hành là chỉ có từ 401kWh trở lên...

Về tỷ trọng để tính mức giá cho từng bậc thang so với giá bình quân cũng thay đổi nhiều. Ví dụ tỷ trọng của bậc 1 và bậc 2 hiện hành là 92% và 95% còn biểu mới rút xuống 90%, bậc 4 hiện hành (cho từ 401 kWh trở lên) tỷ trọng là 159%, nay biểu mới cải tiến mở ra cho kWh khoảng từ 401-700kWh tỷ trọng là 162% và cho khoảng701 kWh trở lên tỷ trọng là 180%.

Đáng chú ý, mức chênh lệch về tỷ trọng giá của bậc cuối so với bậc thang đầu tiên cũng được mở rộng so với biểu giá hiện hành. Cụ thể, hiện hành là 1,74 nhưng ở biểu giá mới (5 bậc) là 2 và (4 bậc) là 1,833.

Nhìn chung, với biểu giá điện cải tiến sẽ đơn giản, dễ hiểu hơn biểu giá hiện hành, phù hợp hơn với cơ cấu tiêu dùng điện của đại bộ phận người tiêu dùng trong xã hội. Tác động mạnh hơn đến việc khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm hiệu quả…

Tuy nhiên, biểu giá cải tiến cũng còn những vấn đề cần xem xét, xử lý cho phù hợp như “bước nhảy” về giá của các bậc thang để giảm thiểu “bước nhảy” về tiền điện khi chuyển mùa, đặc biệt, cần phải tính toán cụ thể biểu giá cải tiến có làm tăng giá bán điện bình quân hiện hành hay như thế nào.

Theo ông, đối tượng nào được hưởng lợi và đối tượng nào bị tác động nhiều nhất từ biểu giá mới trên?

Đối với 2 phương án mà Bộ Công thương đưa ra, thì mỗi phương án có những tác động khác nhau đối với người tiêu dùng điện.

Phương án 5 bậc: 91,283% số hộ dùng điện với khoảng 89,6% sản lượng so với tổng lượng điện tiêu dùng cho sinh hoạt không bị tăng giá, thậm chí còn được giảm giá.

Cụ thể, bậc 1: 50kWh đầu tiên giá hiện hành là 1.678 đồng/kWh không tăng 50kW tiếp giá hiện hành là 1.734 đồng/kWh, nhưng giá mới giữ cùng mức 1.678kWh cho cả hai mốc trên. Tức là, bậc 1 biểu mới giảm được 56 đồng/kWh so với hiện hành.

Mức điều chỉnh giá điện sinh hoạt theo 5 bậc, so với giá hiện hành

Mức điều chỉnh giá điện sinh hoạt theo 5 bậc, so với giá hiện hành

Bậc 2: Tác động giữ nguyên so với biểu giá hiện hành

Bậc 3: Cho kWh từ 201-400, bằng với mức giá hiện hành cho 100kWh đầu là 2.536 đồng/kWh; 100kWh tiếp theo có giá hiện hành là 2.634 đồng/kWh, còn giá mới là 2.536 đồngkWh, tức giảm 298 đồng/kWh.

Đối tượng còn lại sử dụng nhiều điện chịu điều tiết của giá tăng.

Cụ thể, khoảng 6,405% số hộ dùng điện cho kWh từ 401-700 chịu giá tăng 93 đồng/kWh; Khoảng 2,312% số hộ dùng điện cho kWh từ 701kWh trở lên phải chịu giá tăng 429 đồng/kWh.

Mức điều chỉnh giá điện sinh hoạt theo 4 bậc, so với giá hiện hành

Mức điều chỉnh giá điện sinh hoạt theo 4 bậc, so với giá hiện hành

Còn với phương án 4 bậc thang: Khoảng 33,48% số hộ dùng điện ở bậc 1 được giảm giá như phương án 5 bậc thang nêu trên. Nhưng ngay ở bậc 2 (từ kWh 101-300) thì có 100kWh bị tăng giá ở mức 149 đồng/kWh, bậc 3 (từ kWh 301-700) có 100kWh bị tăng 93 đồng/kWh; còn bậc 4 (từ 701kWh trở lên) tăng 149 đồng/kWh.

So sánh 2 phương án trên thì phương án 1 không tác động (giữ nguyên hoặc giảm) đối với đại bộ phận người dùng điện trong xã hội; Chỉ có số ít người dùng điện nhiều là bị tác động.

Còn phương án 2 số hộ dùng điện bị tác động nhiều hơn phương án 1…

Đề nghị rà soát thêm để hạn chế tiền điện “nhảy” cao khi chuyển mùa

Để đưa ra góp ý cho việc điều chỉnh về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, ý kiến của ông là gì, thưa ông?

Bộ Công thương phải nêu được sự cần thiết trong việc bắt buộc phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Các nguyên tắc xây dựng biểu giá (nguyên tắc rút ngắn bậc, nguyên tắc sắp xếp lại bậc thang, nguyên tắc thúc đẩy thực hiện tiết kiệm điện, nguyên tắc xử lý mối quan hệ giữa chi phí và giá của mỗi bậc thang…)

Thứ 2, Bộ Công thương cần công khai tỷ trọng tiêu thụ điện của các bậc thang qua các năm của cả hai phương án trên.

Đặc biệt phải làm rõ mục tiêu cải tiến biểu giá điện là không làm tăng giá bán điện bình quân hiện hành.

Trên cơ sở đó, tính toán đưa ra kết quả cụ thể về việc: “Giá bán bình quân hiện hành của 4 biểu giá điện là 1.864,44 đồng/kWh, trong đó riêng biểu giá điện cho sinh hoạt là 2.018 đồng/kWh thì giá bình quân của biểu giá cải tiến là bao nhiêu?”

Thứ 3, Bộ Công thương đưa ra 2 phương án để góp ý, nhưng bộ phải khẳng định chọn phương án nào, vì sao?

Thứ 4, đề nghị rà soát thêm để sắp xếp các “bước nhảy” về giá của các bậc hợp lý hơn theo hướng người dùng càng nhiều thì “bước nhảy” phải lớn hơn người dùng ít, người dùng ở mức trung bình.

Việc này vừa để thực hiện mạnh hơn chính sách khuyến khích tiết kiệm điện vừa để hạn chế tiền điện “nhảy” cao khi chuyển mùa cho đại bộ phận người tiêu dùng trong đại bộ phận xã hội.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bieu-gia-dien-moi-ra-soat-them-de-han-che-tien-dien-nhay-mua-nang-nong-d568599.html