Biểu hiện khi bị nhiễm 'virus lây từ chuột chù' sang người thế nào?

Theo một nghiên cứu, virus Langya - Henipavirus mới đã ảnh hưởng đến ít nhất 35 người ở các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông của Trung Quốc. Nguồn gốc của nó là gì và các triệu chứng ra sao?

NỘI DUNG

1. Chi Henipavirus đã ghi nhận 5 loài
2. Virus Langya – Henipavirus mới được phát hiện ra sao?
3. Các triệu chứng của virus Langya là gì?
4. Việc lây truyền từ người sang người thì sao?

1. Chi Henipavirus đã ghi nhận 5 loài

Theo dữ liệu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (Hoa Kỳ): Henipavirus là mầm bệnh truyền từ động vật quan trọng gây suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng và các bệnh thần kinh ở người. Henipavirus có thể gây bệnh nặng cho động vật và con người nhưng hiện tại không có vaccine được cấp phép dành cho người.

Chi Henipavirus bao gồm năm loài, bao gồm: Hendra, Nipah, Mojiang, Cedar (virus tuyết tùng) và Kumasi henipavirus. Henipavirus chủ yếu được tìm thấy ở dơi, nhưng gần đây nó được tìm thấy ở chuột cống ở Trung Quốc và chuột chù ở Zambia. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, trong đó có hai loài được coi là có độc lực cao và có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao là Hendra và Nipah.

Loại Henipavirus mới được gọi là Langya Henipavirus hoặc LayV. Ảnh: internet

Loại Henipavirus mới được gọi là Langya Henipavirus hoặc LayV. Ảnh: internet

2. Virus Langya – Henipavirus mới được phát hiện ra sao?

Loại Henipavirus mới được gọi là Langya Henipavirus hoặc LayV. Mẫu virus Langya đầu tiên được một nhóm các nhà khoa học quốc tế phát hiện vào cuối năm 2018 từ một nông dân ở tỉnh Sơn Đông, khi đó đang tìm cách điều trị bệnh sốt. Trong khoảng thời gian gần hai năm, 34 người khác đa số là nông dân được phát hiện bị nhiễm bệnh ở Sơn Đông và Hà Nam. Nhưng không ai trong số bệnh nhân Langya tử vong, nghiên cứu cho biết.

Nguồn gốc của Langya vẫn chưa thực sự rõ ràng. Vì RNA của virus Langya chủ yếu được tìm thấy ở chuột chù, nên đó có thể là vật chủ tự nhiên của nó và nó có khả năng lây truyền từ động vật sang người.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng chuột chù, loài động vật có vú nhỏ sống nhờ côn trùng, có thể đã lưu trữ virus trước khi nó lây nhiễm sang người. Việc giải trình tự gene của virus sau đó cho thấy mầm bệnh là một phần của chi Henipavirus (có năm loài virus đã biết nói trên).

Theo một cuộc khảo sát huyết thanh học trên động vật thuần hóa, người ta thấy rằng 2% số dê được thử nghiệm và 5% số chó được thử nghiệm là dương tính. Kết quả kiểm tra 25 loài động vật hoang dã cho thấy chuột chù có thể là ổ chứa tự nhiên của virus Langya Henipavirus. Virus này được tìm thấy 27% ở chuột chù.

3. Các triệu chứng của virus Langya là gì?

Nghiên cứu đã quan sát 26 bệnh nhân chỉ nhiễm Langya trong số 35 bệnh nhân nói trên để xác định các triệu chứng liên quan. Có 26% bị sốt, 54% mệt mỏi, 50% ho, 35% đau đầu và nôn mửa. Cuộc điều tra cho thấy 35% bị suy giảm chức năng gan, trong khi 8% bị ảnh hưởng đến chức năng thận. Hơn nữa, các bệnh nhân có kèm theo các bất thường về giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và rối loạn chức năng thận và gan.

RNA của virus Langya chủ yếu được tìm thấy ở chuột chù nên đó có thể là vật chủ tự nhiên của nó.

RNA của virus Langya chủ yếu được tìm thấy ở chuột chù nên đó có thể là vật chủ tự nhiên của nó.

4. Việc lây truyền từ người sang người thì sao?

Các tác giả lưu ý rằng trong số 35 bệnh nhân nhiễm virus Langya không có tiếp xúc gần gũi hoặc tiền sử phơi nhiễm thông thường cho thấy rằng sự lây nhiễm ở người là không thường xuyên. Nghiên cứu đã quan sát thấy dấu vết tiếp xúc của 9 bệnh nhân với 15 thành viên trong gia đình tiếp xúc gần cho thấy không có sự lây truyền Langya khi tiếp xúc gần.

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng cho thấy virus lây truyền giữa người với người, một phần là do kích thước mẫu nhỏ có sẵn và cuộc điều tra quá nhỏ. Do đó, cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn nào về sự lây truyền từ người sang người.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bieu-hien-neu-khong-may-bi-nhiem-virus-lay-tu-chuot-chu-sang-nguoi-the-nao-169220811001120965.htm