Hào Kim: Sữa hạt 'đặc trị' hay cú lừa 'đặc sắc'?
'Sữa' Hào Kim dù chỉ là thực phẩm bổ sung nhưng lại quảng cáo chữa dứt điểm bệnh dạ dày và tiêu diệt vi khuẩn HP, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Hành vi này tiềm ẩn vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp lý về quảng cáo sản phẩm.
Đối với những ai đang từng ngày chịu đựng những cơn đau dạ dày, thông tin về một sản phẩm được quảng cáo là "sữa hạt đặc trị dạ dày số 1 Nhật Bản" với khả năng "chữa dứt điểm bệnh dạ dày vĩnh viễn" quả thực như lóe lên một tia hy vọng.
"Sữa” Hào Kim không ngần ngại tô đậm hiệu quả “siêu việt” của sản phẩm này trên các nền tảng mạng xã hội hay trang website https://www.haokim.site/dactribenhdaday.
Những thông điệp như “đặc trị dạ dày nhanh gấp 80 lần” hay “chữa khỏi bệnh tốt nhất trên thế giới” đã thu hút sự chú ý của nhiều người bệnh. Thậm chí, hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện trên video quảng cáo càng làm tăng niềm tin và sự hấp dẫn đối với sản phẩm.
Thế nhưng, đằng sau những lời quảng cáo bóng bẩy ấy, sự thật về “sữa” Hào Kim liệu có giống như kỳ vọng?
Quảng cáo như "thần dược" điều trị bệnh dạ dày
Quảng cáo về công nghệ sản xuất của sữa Hào Kim nghe có vẻ ấn tượng, mang màu sắc của một công nghệ cao cấp chưa từng có: sản xuất với “công nghệ nghiền gia tốc hạt từ 2 siêu động cơ phản lực hút xả ngược chiều nhau trong môi trường chân không”, với mức độ ồn cao đến “120dB - 140dB”.
Dù vậy, thực tế khi nhìn lại, những chi tiết này lại chẳng có căn cứ khoa học hay chứng minh nào về công dụng dược tính. Cách tiếp thị như vậy không khác gì một màn "bày vẽ" nhằm tạo cảm giác hiện đại, uy tín để lôi kéo người tiêu dùng.
Các hạt sữa nano “thẩm thấu 1000% trong nước” hay khả năng “bất hoạt 99,9% vi khuẩn HP” mà quảng cáo nhấn mạnh cũng không hề có chứng minh khoa học rõ ràng.
Trong thực tế, vi khuẩn HP – thủ phạm chính gây viêm loét dạ dày, thường cần đến phác đồ điều trị kháng sinh phức tạp và các loại thuốc đặc trị, không thể bị “loại bỏ” chỉ với một sản phẩm bổ sung thực phẩm.
Các quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm không chỉ đơn thuần là một chiêu trò marketing mà chúng còn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người tin dùng.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà N.K.T (68 tuổi) thoáng buồn khi nhắc đến khoảng thời gian từng đặt niềm tin vào sản phẩm Hào Kim, một loại thực phẩm chức năng quảng cáo có thể giúp giảm đau dạ dày.
Bà T. cho biết: “Mấy tháng trước, xem quảng cáo trên mạng xã hội, thấy người ta khen sản phẩm này hết lời, còn bảo có thể cải thiện tình trạng dạ dày gần như là ‘thần kỳ’.
Lại thấy cả người nổi tiếng đứng ra quảng cáo, ai mà chẳng tin! Nghĩ đây là sản phẩm uy tín, tôi cùng mấy chị bạn trong hội người cao tuổi góp nhau mua vài hộp về dùng, mong rằng có thể nhẹ nhõm hơn với cái dạ dày đau nhức của mình.
Dùng hết vài hộp mà chẳng thấy khá hơn, còn cảm giác mệt mỏi thêm. Cứ nghĩ mình đã tìm được một thứ gì đó hỗ trợ lâu dài, ai ngờ lại chỉ là niềm tin đặt sai chỗ…”
Việc sử dụng hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng để thu hút người tiêu dùng là một chiến lược quảng cáo đã quá quen thuộc. Những đoạn clip, hình ảnh quảng cáo của sản phẩm Hào Kim còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ cùng trang phục chuyên môn để tăng độ tin cậy.
Nghệ sĩ Bình Trọng là một trong những người nổi tiếng tham gia quảng bá cho sản phẩm Hào Kim với lời khẳng định “chỉ cần 1 ly sữa hạt trị dạ dày Hào Kim vào buổi sáng hết hẳn các triệu chứng về dạ dày,...; có thể dứt điểm trào ngược, ợ nóng, chướng bụng; chỉ có uống sữa hạt trị dạ dày Hào Kim thì mới không đau"....
Không dừng lại ở đó, nghệ sĩ còn khẳng định Hào Kim là sản phẩm duy nhất hiện nay có tính năng kháng viêm loét và tự phục hồi thương tổn dạ dày cao nhất thế giới.
Theo luật quảng cáo, nghệ sĩ và người nổi tiếng khi quảng bá cho một sản phẩm cần phải tìm hiểu rõ công dụng và tính an toàn của sản phẩm đó. Việc truyền tải thông tin sai lệch về hiệu quả sản phẩm có thể khiến công chúng hiểu sai và lầm tưởng rằng đây là một sản phẩm thuốc đặc trị.
"Những người có ảnh hưởng khi quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nội dung sai lệch là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 của Luật Quảng cáo 2012, đặc biệt đối với những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn, uy tín cao trong ngành nghề nhất định", luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ.
Theo ông, nếu cá nhân quảng cáo sai sự thật, mức độ vi phạm và hậu quả sẽ quyết định họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Với vi phạm hành chính, mức phạt tiền dao động từ 60-80 triệu đồng, theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, luật sư Hùng cũng nhấn mạnh rằng nếu người quảng cáo tiếp tục tái phạm sau khi đã bị phạt hành chính, họ có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối, quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng, kèm theo án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Kế hoạch "trị liệu" với giá trên trời
Trong vai người mắc bệnh dạ dày, PV Người Đưa Tin liên hệ đến số điện thoại trên một Fanpage quảng cáo sản phẩm sữa hạt Hào Kim. Đầu dây bên kia là một người phụ nữ tự giới thiệu tên Thu Huyền và xác nhận đây là tổng đài tư vấn chính thức của hãng.
Khi phóng viên hỏi về lời cam kết "điều trị dứt điểm bệnh dạ dày" như quảng cáo, Huyền không ngần ngại khẳng định: "Dùng thuốc Tây thì không bao giờ khỏi được đâu chị ạ, bệnh chỉ ngày càng nặng thêm thôi. Còn sản phẩm của bên em là sữa đặc trị các vấn đề dạ dày, vừa có thể thay thế thuốc Tây y lẫn Đông y, lại đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bữa sáng."
Huyền tư vấn chi tiết: "Chỉ cần uống một ly sữa vào buổi sáng là đủ, không cần ăn thêm gì. Khi đó dạ dày không phải hoạt động, không co bóp, không tiết dịch vị axit, giúp lành các ổ viêm loét và điều trị dứt điểm tình trạng trào ngược cùng vi khuẩn HP".
Để thuyết phục phóng viên, cô còn cam kết: "Nhiều bệnh nhân sau 3 tháng dùng sản phẩm Hào Kim, đi test HP đã khỏi hẳn".
Khi phóng viên bày tỏ lo ngại vì thấy có nhiều trang facebook khác nhau cùng quảng cáo sản phẩm, Huyền trấn an rằng tất cả đều là của công ty chính hãng.
Sau khi nghe về các triệu chứng của phóng viên, Huyền lập tức tư vấn một "phác đồ điều trị" với hai lựa chọn: Liệu trình chuyên sâu kéo dài 5 tháng để điều trị dứt điểm và ngăn ngừa tái phát, giá ưu đãi còn 4,8 triệu đồng cho 5 hộp, mua 3 hộp sẽ được tặng thêm 2.
Liệu trình cơ bản thì kéo dài 3 tháng, giá 3,5 triệu đồng cho 3 hộp (mua 2 tặng 1). Huyền còn khẳng định với giọng chắc nịch "chỉ sau 10 ngày, nếu không thấy cải thiện bên em sẽ hoàn tiền. Thực tế chưa có ai sau 10 ngày mà không đỡ bệnh, có người chỉ 3 ngày đã thấy cải thiện rõ rệt".
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, sản phẩm Hào Kim thực chất chỉ là một loại thực phẩm bổ sung do Công ty cổ phần thương mại Trà Hoa Đinh chịu trách nhiệm phân phối.
Công ty có trụ sở tại số 21 đường Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội và người đại diện pháp luật là ông Đinh Ngọc Hải. Sản phẩm này được sản xuất tại Công ty cổ phần thương mại quốc tế Otis Việt Nam, địa chỉ tại số 28, đường Bến Trung, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Theo bản tự công bố sản phẩm ngày 18/8/2024 trên Cổng thông tin của Chi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội), sản phẩm sữa hạt Hào Kim chưa hề ký cam kết An toàn thực phẩm theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT. Thậm chí, mã số doanh nghiệp cũng không chính xác, khiến cho độ tin cậy về nguồn gốc và tính an toàn của sản phẩm thêm phần đáng ngờ.
Sự thật, Hào Kim chỉ là một loại thức uống bổ sung, không phải thuốc và hoàn toàn không có tác dụng điều trị bệnh dạ dày.
Thế nhưng, trên các nền tảng mạng xã hội, sản phẩm này lại được quảng bá với những danh xưng mỹ miều như "sữa đặc trị dạ dày số 1 Nhật Bản" hay "thần dược chữa dứt điểm bệnh dạ dày", khiến người tiêu dùng dễ dàng rơi vào bẫy quảng cáo và đặt niềm tin sai lầm vào những lời cam kết không có cơ sở khoa học.
Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện không chỉ công ty sản xuất mà còn cả những người nổi tiếng tham gia quảng bá sản phẩm nếu cảm thấy bị lừa dối bởi những thông tin sai lệch.
Theo ông, Điều 4 của Luật Bảo vệ Người tiêu dùng 2023 trao cho người tiêu dùng quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị các tổ chức xã hội đứng ra khởi kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
"Luật quy định rõ rằng người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu nội dung quảng cáo không chính xác và gây tổn hại cho họ. Điều này đặt ra trách nhiệm pháp lý không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với cá nhân có sức ảnh hưởng tham gia quảng cáo", luật sư Hùng nhận định.
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã tăng cường xử lý vi phạm quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bổ sung.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ mức phạt chưa đủ sức răn đe. Do đó, các doanh nghiệp như Trà Hoa Đinh vẫn bất chấp pháp luật, tiếp tục quảng cáo sản phẩm Hào Kim sai sự thật trên mạng, lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm yếu thế.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn khi tiếp cận với các sản phẩm chức năng hoặc bổ sung, không để những lời mời gọi hấp dẫn và hình ảnh của người nổi tiếng làm mất đi sự sáng suốt.
Hơn bao giờ hết, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và siết chặt quy định xử phạt, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Tránh tin vào những lời quảng cáo sai lệch, tin vào “thần dược” chỉ để rồi tiền mất, bệnh không khỏi và thậm chí còn nặng thêm.