Biểu hiện thế nào cho biết bạn đang bị say nắng?

Đi lại hoặc làm việc dưới thời tiết nắng nóng dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt, say nắng. Say nắng nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Sốc nhiệt hay dân gian còn gọi là say nắng, cảm nắng. Say nắng xảy ra theo cơ chế cân bằng nhiệt của cơ thể. Các bộ phận trong cơ thể liên tục hoạt động. Và những hoạt động này đều khiến cơ thể sản sinh nhiệt lượng. Cơ chế cân bằng nhiệt của cơ thể là khi ngoài trời nhiệt độ thấp hơn 37 độ C, cơ thể sẽ thoát nhiệt để cân bằng thân nhiệt. Khi cơ thể nghỉ ngơi, nước bốc hơi qua bề mặt da để tạo ra sự cân bằng. Khi vận động nặng (đi lại, hoạt động...) cơ thể tăng sinh nhiều hơn và vã mồ hôi.

Tuy nhiên khi nhiệt độ ngoài trời ở mức 37 độ C, cơ thể không thể thoát được nhiệt độ ra ngoài. Lúc này, cơ thể tự điều chỉnh bằng cách tiết nhiều mồ hôi. Ra mồ hôi nhiều bao nhiêu tương đương với việc mất nước và điện giải bấy nhiêu. Nếu nhiệt độ ngoài trời càng tăng, cơ thể sẽ bị nhiễm nóng làm tăng sinh năng lượng, mồ hôi càng ra nhiều. Cùng với đó, máu trong cơ thể sẽ càng cô đặc lại. Khi máu cô đặc, toàn thân sẽ bị rối loạn. Nếu bệnh nhân không kịp bù nước, bù các chất điện giải có thể dẫn tới trụy tim và gây tử vong.

PGS.TS Phùng Hòa Bình lưu ý các thói quen phòng cảm nắng trong mùa hè.

Biểu hiện khi say nắng

Một ngày, cơ thể chúng ta cần từ 1,5-2 lít nước kể cả trong thức ăn và nước uống. Cơ thể cần bù đủ lượng nước đặc biệt trong những ngày nắng nóng. Vì thời tiết nắng nóng khiến cơ thể dễ sinh ra nhiệt lượng và đổ nhiều mồ hôi. Nếu không bù đủ lượng nước sẽ dẫn tới tình trạng máu bị cô đặc. Lúc này việc lưu thông máu trong cơ thể sẽ bị chậm lại gây rối loạn toàn bộ cơ thể.

Tình trạng say nóng thường đi kèm với say nắng. Các biểu hiện bao gồm:

- Nhiệt độ cơ thể từ 40 độ trở lên

- Tim đập nhanh, tăng nhịp thở

- Buồn nôn

- Chóng mặt, cảm thấy choáng váng

- Ra mồ hôi nhiều

- Chân tay mệt mỏi, rã rời

Cần lưu ý, nếu say nóng, say nắng không được hỗ trợ bù nước, điện giải kịp thời có thể dẫn tới nguy hiểm cho tính mạng.

Người già, trẻ nhỏ, những người lao động ngoài trời... là các đối tượng dễ bị say nắng.

Người già, trẻ nhỏ, những người lao động ngoài trời... là các đối tượng dễ bị say nắng.

Cần xử trí thế nào khi bị say nắng

Khi có dấu hiệu của say nắng, cần ngay lập tức xử trí, sơ cứu kịp thời. Nếu có dấu hiệu bị say nắng cần phải di chuyển người bệnh ngay vào nơi thoáng mát. Ngay lập tức bù nước, bù điện giải cho người bệnh. Đồng thời làm mát cho cơ thể ở những vùng có động mạch lớn như cổ, nách, bẹn.

Nếu quan sát bệnh nhân đang mặc nhiều quần áo, cần nới lỏng/cởi bỏ quần áo không cần thiết. Nếu thấy các dấu hiệu say nắng không thuyên giảm cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Đề phòng say nắng

Những người mắc các bệnh béo phì, người già, trẻ nhỏ, người lao động ngoài trời… là những đối tượng nguy cơ dễ mắc say nắng. Để đề phòng say nắng, khi ra đường hay hoạt động ngoài trời nắng, cần chú ý:

- Khi đi nắng phải mang bộ đồ bảo hộ chống nắng: nón, mũ rộng vành, găng tay, áo chống nắng, ô, áo quần dài…

- Bù điện giải bằng cách uống các dịch nước hoa quả kèm theo muối, đường

- Sử dụng các chế phẩm bù điện giải như oresol… Nên mang đi và uống theo chỉ định của bác sĩ.

Người dân cần theo dõi dự báo thời tiết, đặc biệt lưu ý các đợt nắng nóng cao điểm để có sự chuẩn bị trước khi ra ngoài.

PGS.TS Phùng Hòa Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bieu-hien-the-nao-cho-biet-ban-dang-bi-say-nang-169230517154418679.htm