Biểu hiện ung thư vùng đầu - cổ, nhiều người chủ quan không đi khám

Theo Bệnh viện K, ung thư đầu - cổ chiếm 10% tổng số các loại ung thư trên thế giới.

Việc chữa trị ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Giai đoạn bệnh, tuổi tác, thể trạng và mong muốn của người bệnh… mà bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc các phương pháp điều trị ung thư đầu - cổ cụ thể.

Cũng giống như các loại ung thư khác, ung thư đầu - cổ được phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Nếu phát hiện muộn, quá trình điều trị sẽ gặp khó khăn và tốn kém hơn về chi phí.

Bệnh viện K cho biết, ung thư đầu - cổ là khối u ác tính ở vùng đầu cổ bao gồm miệng, mũi, lưỡi, má, họng, amidan, thanh quản, tuyến nước bọt, tuyến giáp. Triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân thường gặp là chảy máu mũi, đau hàm trên, khó nuốt, thay đổi giọng nói…

Tuy nhiên các biểu hiện này chỉ xuất hiện ở giai đoạn tiến triển. Ở những giai đoạn đầu, biểu hiện rất mơ hồ khiến người bệnh chủ quan không thăm khám.

Điều trị ung thư đầu và cổ có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, hoặc một sự kết hợp của các phương pháp điều trị.Bài viết này giới thiệu 2 phương pháp chữa trị ung thư đầu - cổ là phẫu thuật và xạ trị.

Phẫu thuật - điều trị ung thư đầu cổ

Mục đích của phẫu thuật điều trị ung thư là loại bỏ khối u vùng ung thư và một số mô lành xung quanh trong quá trình phẫu thuật. Một số loại phẫu thuật có thể tiến hành cho bệnh nhân ung thư đầu - cổ bao gồm:

-Phẫu thuật bằng tia laser: Đây là phương pháp phẫu thuật có thể được sử dụng để điều trị khối u giai đoạn đầu, đặc biệt là khối u ở thanh quản.

-Phẫu thuật cắt bỏ: Là phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u ung thư và một số mô lành xung quanh.

- Nạo vét hạch hoặc nạo vét hạch cổ: Nếu nghi ngờ việc tế bào ung thư đã lan rộng, bác sĩ có thể loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ. Có thể thực hiện cùng lúc với việc cắt bỏ khối u ung thư.

- Phẫu thuật tái tạo (tạo hình): Nếu phẫu thuật yêu cầu loại bỏ mô lớn (như da, hàm, hầu họng hoặc lưỡi), bệnh nhân cần được phẫu thuật tái tạo để thay thế các mô đã bị lấy mất. Phẫu thuật này giúp khôi phục diện mạo của bệnh nhân và khôi phục chức năng của khu vực bị ảnh hưởng do phẫu thuật.

Một ca phẫu thuật của Bệnh viện K

Một ca phẫu thuật của Bệnh viện K

Tùy thuộc vào vị trí, giai đoạn và loại ung thư đầu - cổ mà một người bệnh có thể cần đến nhiều lần phẫu thuật hoặc phải điều trị bổ sung bằng xạ trị, hóa trị hoặc cả 2.

Tất cả các phương pháp này đều phục vụ cho mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư không thể loại bỏ trong quá trình phẫu thuật.

Xạ trị - điều trị ung thư đầu cổ

Xạ trị là phương pháp dùng tia X năng lượng cao hoặc các hạt khác để tiêu diệt các tế bào ung thư ở đầu và cổ. Xạ trị có thể giúp điều trị ung thư, bao gồm việc chữa khỏi bệnh hoặc/và làm giảm các triệu chứng bệnh. Phương pháp này có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như hóa trị, phẫu thuật theo trình tự.

- Loại xạ trị phổ biến nhất được gọi là xạ trị ngoài, là bức xạ được đưa ra từ một phương tiện bên ngoài cơ thể.

- Xạ trị bằng proton là một loại của liệu pháp bức xạ tia bên ngoài cơ thể. Thay vì tia X, thì phương pháp này sử dụng proton.

- Xạ trị trong hay còn gọi là xạ trị áp sát là phương pháp bức xạ được thực hiện bằng cách sử dụng các thiết bị cấy ghép vào bên trong cơ thể.

Trong quá trình xạ trị cũng kéo theo nhiều tác dụng phụ như khó nuốt, thay đổi giọng nói, chán ăn, khô miệng, kích ứng da, buồn nôn, đau họng… Bệnh nhân cần nhận được sự chỉ định của bác sĩ để điều trị các tác dụng phụ. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này cũng sẽ giảm dần hoặc mất đi sau khi kết thúc xạ trị một thời gian, điều này thuộc vào thể trạng, loại ung thư và vị trí xạ trị.

Bình An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/bieu-hien-ung-thu-vung-dau-co-nhieu-nguoi-chu-quan-khong-di-kham-i317557/