Biểu tình ở Anh: Hồi chuông về bạo lực cực hữu
Hàng trăm cuộc biểu tình với hàng ngàn người đổ xuống đường khắp nước Anh phản đối người nhập cư và Hồi giáo trong suốt hai tuần đầu tháng Tám cho thấy những vấn đề đáng báo động còn tồn tại trong xã hội và chính trị xứ sương mù.
Các cuộc biểu tình bạo lực liên quan đến vụ Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Anh, có cha mẹ là người Rwanda đến một lớp dạy khiêu vũ ở thị trấn Southport và dùng dao tấn công khiến ba bé gái thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Tin giả và sự chia rẽ
Tuy nhiên, cuộc bạo loạn tồi tệ nhất ở Anh trong 13 năm qua chỉ thật sự bùng phát khi mạng xã hội lan truyền thông tin sai lệch cho rằng nghi phạm trong vụ tấn công là “người nhập cư Hồi giáo cực đoan”, tị nạn đến Anh bằng thuyền và trong danh sách theo dõi của cơ quan tình báo MI6.
Những nhân vật cộm cán, đứng đầu phe cực hữu như Tommy Robinson (sáng lập phong trào cực hữu EDL, từng bị cấm sử dụng mạng xã hội Twitter) hay Laurence Fox (từng dẫn chương trình cho kênh truyền hình GB News TV cánh hữu) đã lợi dụng mạng xã hội để chỉ trích, kỳ thị người nhập cư, lên án tỷ lệ di cư bất hợp pháp cao vào nước Anh và cho rằng cần xóa bỏ hoàn toàn Hồi giáo khỏi nước Anh.
Nhiều đánh giá cho rằng các diễn ngôn độc hại xoay quanh vấn đề di cư được lan rộng và dễ dàng kích động người dân đi từ biểu tình thành bạo loạn là bởi sự thất vọng và bất mãn với chính phủ và tình trạng xã hội đã và đang tồn tại sẵn trong lòng nước Anh. Thống kê của Đại học Oxford cho thấy tỷ lệ người lao động sinh ra ở nước ngoài làm việc tại Anh đã tăng đều trong hai thập kỷ qua, từ 9% quý I năm 2004 lên 21% trong quý I năm 2024. Một bộ phận người dân bắt đầu lo ngại về tình trạng bất bình đẳng xã hội, phân bổ nguồn lực thiếu công bằng…
Tuy nhiên, một nghiên cứu đáng chú ý khác của nhà xã hội học Noah Carl lại chỉ ra rằng các số liệu thu được ở cuộc bầu cử gần đây không cho thấy người dân Anh phản đối mạnh mẽ tình trạng nhập cư ồ ạt. Như vậy, sự bất mãn không hoàn toàn chỉ nằm ở vấn đề nhập cư, mà người dân Anh đang cảm thấy chính phủ không giải quyết được các vấn đề xã hội cơ bản như chi phí sinh hoạt và dịch vụ công, dẫn đến việc người dân buộc phải tìm một đối tượng để đổ lỗi, đó là những người nhập cư và Hồi giáo.
Hồi chuông cảnh báo
The Guardian cho rằng các cuộc bạo loạn ở Anh đã để lộ “tiêu chuẩn kép” đáng lo ngại trong cách xã hội nhìn nhận và phản ứng trước bạo lực cực hữu và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Nghiên cứu của Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh (Rusi) vào năm 2015 và 2016 chỉ ra rằng công chúng thường liên tưởng bạo lực có động cơ cực hữu là hành vi “côn đồ” hoặc tội phạm, trong khi các hành vi tương tự của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo được xem là khủng bố và thánh chiến. Sự không nhất quán này làm giảm nhận thức về mức độ nguy hiểm của chủ nghĩa cực hữu và ý chí chính trị trong đối phó hiệu quả với bạo lực cực đoan.
Những gì đang diễn ra ở Anh không phải là một sự cố riêng lẻ, mà là một phần của “hiện tượng” rộng hơn về chủ nghĩa cực hữu cực đoan đang lan rộng trên khắp châu Âu. Các cuộc bạo loạn cực hữu tương tự từng xảy ra ở Dublin (năm 2023) và ở Chemnitz, Đức (năm 2018) đều là phản ứng trước các vụ đâm dao làm bùng lên làn sóng bài xích người nhập cư.
Riêng trong năm 2024, những kẻ cực hữu bị tình nghi đã tấn công một số ứng cử viên và nhà vận động của đảng Xã hội và đảng Xanh ở Đức, cũng như tấn công một sự kiện chống phát xít do các đảng cánh tả và đảng Xanh tổ chức ở Thụy Điển. Theo ACLED (tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu xung đột vũ trang), trong năm 2020, cực hữu đứng đằng sau 85% các cuộc tấn công có mục tiêu ở 12 quốc gia EU.
Cuộc bạo động tại Anh góp thêm một hồi chuông cảnh báo đối với châu Âu trong đánh giá lại tình trạng bạo lực có động cơ cực hữu, tìm ra phương án xử lý tình trạng này với quyết tâm và độ chính xác tương tự như xử lý các hành vi bạo lực cực đoan.
Bài kiểm tra cho tân Thủ tướng
Thủ tướng Anh Keir Starmer - người từng hứa cắt giảm số lượng người di cư, đang đứng trước “bài kiểm tra” lớn đầu tiên kể từ khi ông lên nhận chức vào đầu tháng Bảy. Các chính phủ Bảo thủ trước đây đã cam kết nhưng không thể giảm lượng nhập cư hợp pháp hằng năm xuống dưới 100.000 người. Kể từ Brexit, lượng nhập cư hợp pháp thậm chí đã tăng gấp ba lần, chỉ giảm nhẹ so với mức đỉnh điểm năm 2022.
Kinh nghiệm làm công tố viên vào năm 2011có thể giúp Thủ tướng Starmer sớm kiểm soát được tình trạng hỗn loạn ở Anh và hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhập cư vẫn là một bài toán nan giải. Nước Anh còn phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài để lấp đầy các công việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và một vài lĩnh vực khác, đồng thời, nhập cư là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sẽ là một thách thức đối với ông chủ số 10 phố Downing trong việc giảm lượng người nhập cư, mà không gây tổn hại đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cản trở mục tiêu phục hồi nền kinh tế để xử lý khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Biểu tình bạo lực tại Anh có thể sẽ được giải quyết sớm. Tuy nhiên, cuộc bạo loạn cũng để lộ những thách thức mà nước Anh đang phải đối mặt, đó là những bất mãn kéo dài do bất bình đẳng kinh tế và xã hội, căng thẳng về sắc tộc và văn hóa, truyền thông chưa kiểm soát tốt thông tin... Điều này thúc đẩy chính phủ mới của Anh phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp giải quyết nguyên nhân gốc rễ vốn tồn tại trong lòng nước Anh bấy lâu.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bieu-tinh-o-anh-hoi-chuong-ve-bao-luc-cuc-huu-282672.html