Biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam: Ngăn Nixon dùng vũ khí hạt nhân?
Bộ phim tài liệu mới nhất về các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam vào cuối năm 1969 cho rằng, việc hàng trăm nghìn người tràn ra đường ở thủ đô Washington và hầu hết các thành phố lớn của Mỹ đã thuyết phục Tổng thống Richard Nixon từ bỏ kế hoạch leo thang chiến tranh, bao gồm khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Phim tài liệu “The Movement and The ‘Madman’” (Phong trào và Kẻ điên) được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 28/3/2023 trên đài truyền hình Mỹ PBS. Phim do nhà làm phim tài liệu kỳ cựu Stephen Talbot sản xuất và đạo diễn.
Nhìn lại phong trào phản chiến
Phim gợi lại giai đoạn đỉnh điểm của phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam vào những năm 1960 và sự mất kết nối tuyệt đối giữa những gì Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger quyết định làm và cái giá mà binh sĩ Mỹ cũng như dân thường Việt Nam phải trả. Nhà sử học Mỹ Carolyn Eisenberg nói rằng, cái giá phải trả đó “hoàn toàn không nằm trong suy nghĩ của họ (hai ông Nixon và Kissinger)”. “Họ không quan tâm”, bà nói.
Con mắt tinh đời của đạo diễn Talbot nhìn ra những hình ảnh nhức nhối kết hợp với đôi tai hoàn hảo của ông chọn ra những bài hát không thể phù hợp hơn. Nhạc nền của phim bao gồm các bài mang quan điểm chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống của Bob Dylan, Pete Seeger, Jimi Hendrix và Judy Collins, cộng với ca khúc phản chiến đình đám “I-Feel-Like-I’m Fixin’-to-Die Rag”. Ca khúc này đã trở nên nổi tiếng thế giới sau khi ca sĩ-nhạc sĩ Mỹ Country Joe McDonald trình bày tại liên hoan âm nhạc Woodstock vào mùa hè năm 1969.
Các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam thực sự đã làm giảm bớt sự nguy hiểm của chế độ quân dịch, nhưng hầu như không có bằng chứng nào cho thấy chúng đã rút ngắn chiến tranh, theo The Guardian. Khi Tổng thống Richard Nixon nhậm chức, 31.000 người Mỹ đã thiệt mạng ở Việt Nam, cùng với hàng trăm ngàn người Việt Nam. Vào thời điểm những người lính chiến đấu cuối cùng của Mỹ rời đi vào tháng 3/1973, hai tháng sau khi quân dịch bị bãi bỏ, 58.220 lính Mỹ đã thiệt mạng cùng với 2 triệu thường dân Việt Nam.
Một điều mà bộ phim tài liệu không làm được là cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng các cuộc biểu tình phản chiến đã ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân. “Đó là một cái nhìn nghiêm túc về cách thức tổ chức một cuộc biểu tình lớn”, ông Thomas Powers nhận định. Ông Powers là tác giả của 9 cuốn sách, bao gồm “The War at Home” (Cuộc chiến ở trong nước) về lịch sử phong trào phản chiến và “The Man Who Kept the Secrets” (Người nắm giữ bí mật) về tiểu sử cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (CIA) Richard Helms.
Nhưng với ý kiến cho rằng “nguy cơ thực sự của việc sử dụng vũ khí nguyên tử đã được ngăn chặn bởi phong trào phản chiến đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”, tác giả Powers nói với The Guardian: “Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn sai lầm”.
Tối hậu thư và vũ khí hạt nhân
Đạo diễn Talbot nói rằng, các tài liệu được giải mật về Duck Hook (chiến dịch đưa ra các lựa chọn quân sự cho Tổng thống Nixon) cho thấy lúc đó Mỹ có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, rải mìn ở cảng Hải Phòng và ném bom vào các con đê. Các phương án này đều có thể gây ra thương vong lớn cho dân thường. Về việc liệu Tổng thống Nixon có xem xét nghiêm túc lựa chọn hạt nhân hay không, ông Talbot nói: “Tôi thực sự không biết và tôi nghĩ không ai có thể nói chắc chắn. Nhưng phương án đó đã được đưa ra”.
“Madman” (Kẻ điên) trong phim tài liệu của đạo diễn Talbot chính là Tổng thống Nixon. Một điều không phải bàn cãi là vị tổng thống đã làm việc chăm chỉ để thuyết phục phía miền Bắc Việt Nam và phía Liên Xô (cũ) tin rằng ông đủ điên rồ để làm bất cứ điều gì, kể cả kích hoạt vũ khí hạt nhân, nếu Hà Nội từ chối yêu cầu của ông. Tổng thống Nixon ra tối hậu thư cho Hà Nội là phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Trong phim tài liệu, ông Stephen Bull, cựu phụ tá của Tổng thống Nixon, giải thích, ông chủ Nhà Trắng muốn người Nga “nghĩ rằng ông ta là một kẻ điên”. “Tuy nhiên, theo quan sát cá nhân của tôi, ông ấy sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông ấy chỉ muốn mối đe dọa hiện hữu để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán”, vị cựu phụ tá nói.
Tác giả Powers đã so sánh lời đe dọa sử dụng bom hạt nhân của Tổng thống Nixon với lời đe dọa hiện tại của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc sử dụng vũ khí tương tự trong xung đột với Ukraine. Ông Powers cũng cho rằng, Tổng thống Putin chỉ dọa mà thôi.
Đạo diễn Talbot cho rằng, Mỹ hoàn toàn có thể lựa chọn phương án sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong Chiến tranh Việt Nam. Trong hồi ký của mình, ông Nixon viết: “Mặc dù tôi tiếp tục công khai phớt lờ cuộc tranh cãi về phản chiến đang gay gắt, nhưng tôi phải đối mặt sự thật rằng việc đó có thể phá hủy độ tin cậy trong tối hậu thư của tôi với Hà Nội”.
Xổ số nhập ngũ
Một điều khác mà các cuộc biểu tình gần như chắc chắn đã đạt được là việc thông qua một đạo luật do Tổng thống Nixon ký vào tháng 11/1969, tạo ra một cuộc xổ số nhập ngũ. Ngày 1/12/1969, mọi thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ (sinh từ năm 1944 đến năm 1950) đều được gán một số dựa trên ngày sinh của họ, từ 1 đến 365. Năm sau, Lầu Năm Góc thông báo, những người được gán số cao hơn 195 sẽ không phải nhập ngũ. Năm tiếp theo, con số đó giảm xuống còn 125, rồi 95 vào năm sau đó.
Vì tất cả mọi người xuống đường biểu tình năm 1969 với mong muốn chiến tranh chấm dứt, họ không còn nguy cơ phải đi lính rồi bỏ mạng trong một cuộc xung đột vô nghĩa, xổ số đã có tác dụng ngay lập tức trong việc giảm số người cảm thấy cấp thiết về chiến tranh. Nếu nhận được một con số đủ cao, cuộc sống của họ không còn gặp nguy hiểm nữa.
Sau lần rút thăm đầu tiên, hơn một phần ba những người trước đây là đối tượng nhập ngũ không còn cảm thấy bất kỳ mối nguy hiểm sắp xảy ra nào. Vì vậy, có ít tư lợi hơn để thúc đẩy các cuộc biểu tình phản chiến. Đạo diễn Talbot đồng ý rằng, xổ số nhập ngũ là kết quả trực tiếp của các cuộc biểu tình phản chiến. Ông nói đã đưa ý này vào một phiên bản dài hơn trước đó của bộ phim tài liệu.
Mùa thu năm 1969, Talbot là sinh viên năm cuối đại học, đến thủ đô Washington để thực hiện bộ phim đầu tiên của mình, “March on Washington”. Và bộ phim này đã trở thành luận văn tốt nghiệp Đại học Wesleyan. “Tôi đã sử dụng các clip từ bộ phim đầu tiên thời sinh viên cho bộ phim tài liệu lần này”, đạo diễn Talbot nói với The Guardian.