Biểu tình phủ bóng đen lên nền kinh tế Hồng Kông

Các cuộc biểu tình dai dẳng khiến Sân bay quốc tế Hồng Kông buộc phải đóng cửa vào ngày 12-8 đang đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế Hồng Kông.

 Du khách bị kẹt tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông hôm 12-8. Ảnh: SCMP

Du khách bị kẹt tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông hôm 12-8. Ảnh: SCMP

Sáng 13-8, có thêm hơn 310 chuyến bay đến và đi từ Sân bay quốc tế Hồng Kông (HKIA) bị hủy do ảnh hưởng bởi hành động chiếm giữ của hàng ngàn người biểu tình hôm trước.

Khoảng 5.000 người biểu tình đã tràn vào chiếm giữ các sảnh hành khách ở HKIA vào chiều 12-8, một trong những sân bay sầm uất nhất châu Á, khiến nhà chức trách phải hủy bỏ gần như tất cả mọi chuyến bay trong ngày.

Hành động chiếm giữ này gây ra sự gián đoạn chưa có tiền lệ trong lịch sử vận chuyển hàng không ở HKIA. Trước đó ba ngày, một nhóm biểu tình vài trăm người đã ngồi trong nhiều giờ ở khu vực đến của HKIA và phát tờ rơi cho du khách quốc tế để kêu gọi sự ủng hộ.

Sáng 13-8, phần lớn người biểu tình đã giải tán.

Các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra ở Hồng Kông từ cuối tháng 3 nhằm phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi và từ đó được duy trì đều đặn vào cuối tuần. Biểu tình dai dẳng đang gây sức ép lớn cho nền kinh tế Hồng Kông giữa lúc chính quyền vẫn chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả để dập tắt chúng.

Người biểu tình yêu cầu rút bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ, yêu cầu trưởng đặc khu Hồng Kông, Carrie Lam, từ chức và mở cuộc điều tra nhằm vào cảnh sát, phóng thích những người biểu tình bị bắt giữ vô điều kiện...

Dù phần lớn biểu tình đã giải tán khỏi HKIA nhưng việc hàng loạt chuyến bay bị hủy là lời nhắc nhở về rủi ro đối với các công ty toàn cầu đang hoạt động ở Hồng Kông cũng như ngành du lịch ở đây.

Hơn 74 triệu hành khách đến và đi từ HKIA vào năm ngoái. Sân bay này xử lý 1.100 chuyến bay vận chuyển hàng khách và hàng hóa mỗi ngày, phục vụ khoảng 200 điểm đến trên khắp thế giới. HKIA đóng góp trực tiếp và gián tiếp khoảng 5% GDP của Hông Kông.

“Đây thực là một thảm họa đối với Hồng Kông vì sẽ gây tốn kém hàng chục triệu đô la”, Geoffrey Thomas, Tổng biên tập trang web giám sát các hãng hàng không AirlineRatings.com, nói về tác động của cuộc biểu tình ở HKIA hôm 12-8.

Ông cho rằng tác động tức thì của việc hủy hàng loạt chuyến bay ở HKIA không phải là vấn đề duy nhất. “Nhiều du khách có kế hoạch đến Hồng Kông trong nhiều tháng tới sẽ hủy hoặc đặt vé lại với các hãng hàng không khác để né Hồng Kông”.

 Người biểu tình chiếm giữ các sảnh của Sân bay quốc tế Hồng Kông hôm 12-8. Ảnh: New York Times

Người biểu tình chiếm giữ các sảnh của Sân bay quốc tế Hồng Kông hôm 12-8. Ảnh: New York Times

Hồng Kông là nơi đặt trụ sở chính của 7 trong số 500 công ty lớn nhất toàn cầu do tạp chí Fortune bình chọn, bao gồm Lenovo, Hutchison. Hồng Kông cũng là trụ sở khu vực của các tập đoàn đa quốc gia và ngân hàng lớn toàn cầu.

Hồi tháng trước, Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông (AmCham HK) cho biết nhiều công ty thành viên của AmCham HK đã xác nhận hậu quả nghiêm trọng từ các xáo trộn do biểu tình, bao gồm doanh thu mất mát, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các kế hoạch đầu tư bị gác lại.

Eleanor Wan, Giám đốc điều hành công ty đầu tư BEA Union Investment Management ở Hồng Kông, cho biết vẫn còn quá sớm để thẩm định thiệt hại kinh tế do HKIA đóng cửa hôm 12-8. Tuy nhiên, bà cho rằng việc sân bay này bị đóng cửa sẽ tạo ra tác động tâm lý tiêu cực khi có ít nhất 20 nước đã phát đi thông báo khuyến cáo công dân của họ thận trọng khi đi du lịch đến Hồng Kông.

“Tôi lo ngại lượng du khách đến Hồng Kông và lượng đặt phòng khách sạn sẽ ít hơn”, Wan nói. Cho dù HKIA sớm mở cửa trở lại thì hình ảnh và danh tiếng Hồng Kông đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Theo Geoffrey Thomas: “Việc HKIA đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Hồng Kông và sẽ mất thời gian lâu để hồi phục”.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 9-8, trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam nói, các cuộc biểu tình đang gây tổn thương cho nền kinh tế Hồng Kông còn nghiêm trọng hơn cả đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Trao đổi với hãng tin CNBC hôm 12-8, Jim Cramer, một cựu quản lý phòng hộ và là người đồng sáng lập trang tài chính TheStreet.com, cho rằng giới đầu tư toàn cầu nên lo ngại về tác động của các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Theo SCMP, CNBC, CNN

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292723/bieu-tinh-phu-bong-den-len-nen-kinh-te-hong-kong.html