Biểu tình rầm rộ phản đối Elon Musk, xe Tesla bị phá hoại trên toàn cầu

Xe Tesla trở thành mục tiêu phá hoại trên toàn cầu, khi nhiều đại lý, trạm sạc và xe của hãng bị tấn công do những tranh cãi liên quan đến Elon Musk.

Trong thời gian gần đây, nhiều cơ sở hạ tầng, văn phòng và xe của Tesla (TSLA.O) tại nhiều quốc gia trở thành mục tiêu của các hành vi phá hoại. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ những quan điểm chính trị gây tranh cãi của CEO Elon Musk.

Elon Musk, một đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ Hoa Kỳ vấp phải nhiều chỉ trích khi thể hiện sự ủng hộ đối với các đảng cực hữu tại châu Âu. Các động thái này khiến dư luận dậy sóng, kéo theo làn sóng phản đối và các cuộc biểu tình nổ ra tại nhiều nơi.

Trong những tuần gần đây, người biểu tình tập trung bên ngoài các đại lý Tesla tại Washington (Mỹ) và Berlin (Đức) nhằm bày tỏ sự phản đối đối với vị tỷ phú công nghệ này. Không dừng lại ở biểu tình, nhiều hành động phá hoại nhắm vào Tesla cũng đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Thêm vào đó, Elon Musk xác nhận rằng ông dự định rút khỏi vị trí lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ Hoa Kỳ vào cuối tháng 5 năm nay, sau khi hoàn thành các mục tiêu cắt giảm chi tiêu liên bang. Quyết định này càng làm gia tăng những tranh cãi xoay quanh vai trò chính trị của ông trong thời gian qua.

Hoa Kỳ

Ngày 20/3, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pamela Bondi thông báo 3 người bị truy tố liên quan đến các vụ đốt xe tại các đại lý và trạm sạc của Tesla trên toàn nước Mỹ.

Lucy Grace Nelson (42 tuổi) bị buộc tội tàng trữ thiết bị gây nổ và cố ý phá hoại tài sản thương mại. Theo đơn kiện hình sự, Nelson xuất hiện nhiều lần tại một đại lý Tesla ở Loveland, Colorado, trong tháng 1 và tháng 2. Cảnh sát phát hiện trong xe của bà một thùng xăng, hộp chai lọ và vật liệu, dấu hiệu rõ ràng cho thấy âm mưu gây cháy nổ.

Bên cạnh đó, Adam Matthew Lansky (41 tuổi) bị cáo buộc ném khoảng 8 chai bom xăng Molotov vào một đại lý Tesla tại Salem, Oregon. Vụ tấn công này gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, làm hư hại nhiều phương tiện tại đây.

Cuối cùng, Daniel Clarke-Pounder (24 tuổi) bị truy tố với cáo buộc cố ý phá hoại tài sản sau khi ném thiết bị gây cháy vào các trạm sạc Tesla tại North Charleston, Nam Carolina.

Ngoài ra, vào ngày 18/3, một vụ phá hoại khác xảy ra tại Las Vegas khi ít nhất năm chiếc xe Tesla bị hư hại nặng, trong đó có hai chiếc bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo thông báo của Sở Cảnh sát thành phố, vụ việc này vẫn đang được điều tra để xác định kẻ đứng sau.

Một vụ phá hoại xảy ra tại Las Vegas khi ít nhất năm chiếc xe Tesla bị hư hại nặng. (Video: Reuters)

Thụy Điển

Ngày 31/3, truyền thông Thụy Điển đưa tin hai đại lý Tesla ở Stockholm và Malmö đã bị phá hoại. Nhóm Restore Wetlands, một tổ chức thuộc mạng lưới A22 tại châu Âu, đã phun sơn cam lên các cơ sở này nhằm phản đối các chính sách của Musk liên quan đến môi trường. Đài truyền hình công cộng SVT cho biết 4 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ việc này.

Hai cửa hàng Tesla ở Thụy Điển bị phun sơn. (Video: Reuters)

Ý

Rạng sáng ngày 31/3, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại một đại lý Tesla ở Rome, khiến 17 chiếc xe bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo nguồn tin an ninh, cảnh sát Ý đang điều tra khả năng các nhóm vô chính phủ đứng sau vụ việc. Đây được xem là một trong những vụ phá hoại nghiêm trọng nhất nhằm vào Tesla tại châu Âu. Trước diễn biến này, tỷ phú Elon Musk lên tiếng trên nền tảng X với một từ duy nhất: "Khủng bố".

Đức

Cùng ngày 31/3, một nhóm hoạt động môi trường có tên Neue Generation, cũng thuộc mạng lưới A22, phun sơn xanh lên một đại lý Tesla ở Berlin để phản đối các chính sách của công ty. Hành động này được xem là một thông điệp mạnh mẽ từ các nhà hoạt động môi trường, khi Tesla liên tục bị chỉ trích vì những tác động môi trường từ hoạt động sản xuất pin xe điện.

Trước đó, vào ngày 29/3, tại thành phố Verden, miền bắc nước Đức, 7 chiếc xe Tesla đã bị thiêu rụi trong một vụ cháy bí ẩn. Hiện tại, cảnh sát địa phương vẫn đang điều tra nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn này, nhưng không loại trừ khả năng đây là một vụ phá hoại có chủ đích.

Úc

Đầu tháng 3, một đại lý Tesla tại Tasmania, Úc bị phá hoại với dòng chữ graffiti gọi Musk là "phát xít". Sự kiện này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng, đặc biệt là những người phản đối quan điểm chính trị của Elon Musk. Trong một nhóm Facebook dành cho chủ sở hữu xe Tesla tại Úc, nhiều thành viên cũng chia sẻ rằng xe của họ bị phá hoại trong những tháng gần đây, cho thấy tình trạng này có thể không phải là các vụ việc riêng lẻ mà đang trở thành một làn sóng phản đối trên diện rộng.

Những vụ việc này phản ánh làn sóng phản đối ngày càng gia tăng đối với Elon Musk và Tesla trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các tranh cãi về chính trị và xã hội liên quan đến vị tỷ phú này.

Tesla không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ô tô điện, mà còn phải đối phó với những rủi ro về hình ảnh thương hiệu do các động thái gây tranh cãi của CEO Elon Musk. Hiện tại, các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra tại nhiều quốc gia để làm rõ động cơ và kẻ đứng sau những vụ tấn công này.

Thành Đạt (Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bieu-tinh-ram-ro-phan-doi-elon-musk-xe-tesla-bi-pha-hoai-tren-toan-cau-ar935476.html