Biểu tình tại Bangkok ủng hộ ông Pita Limjaroenrat

Ngày 14/7, một ngày sau khi ông Pita Limjaroenrat không giành được đủ số phiếu từ Quốc hội Thái Lan để đảm nhận chức vụ Thủ tướng, hơn 100 người biểu tình đã tập trung tại trung tâm thủ đô Bangkok để thể hiện sự phản đối Thượng viện.

Biểu tình ở Bangkok, Thái Lan ngày 14/7 sau khi lãnh đạo Đảng Move Forward Pita Limjaroenrat không giành được phiếu bầu của quốc hội cho chức vụ thủ tướng. Ảnh: AFP

Biểu tình ở Bangkok, Thái Lan ngày 14/7 sau khi lãnh đạo Đảng Move Forward Pita Limjaroenrat không giành được phiếu bầu của quốc hội cho chức vụ thủ tướng. Ảnh: AFP

Theo Straits Times, những người biểu tình chỉ trích các thượng nghị sĩ vì không tôn trọng mong muốn của cử tri trong khi đe dọa sẽ tăng cường biểu tình nếu cuộc bỏ phiếu thứ 2 dự kiến diễn ra vào 19/7 tới không chọn ra được ứng cử viên được liên minh đa số ủng hộ.

Hô to khẩu hiệu vào micro, một người biểu tình tại thủ đô Bangkok mang tên Seksit Yaemsanguansak, 25 tuổi, kêu gọi mọi người có mặt sẵn sàng xuống đường trong thời gian một tuần. Đồng thời, ông cảnh báo nếu 26 triệu người cùng xuống đường biểu tình, nó sẽ tạo nên một sự kiện chấn động. Con số này tương đương 26 triệu chỉ số phiếu bầu ủng hộ liên minh 8 đảng của ông Pita.

Trong khi đó, một số người khác lại yêu cầu các thượng nghị sĩ từ chức. Trả lời Straits Times bên ngoài Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Bangkok, bà Anna Annanon bày tỏ thái độ phản đối với việc các thượng nghị sĩ không tôn trọng phiếu bầu của người dân. Ngoài ra, bà cũng khẳng định nếu các thượng nghị sĩ không từ chức, các cuộc biểu tình sẽ nổi lên ở mọi miền đất nước.

Thất bại với ông Pita – lãnh đạo đảng Move Forward – đồng nghĩa với việc Thái Lan vẫn ở trong tình trạng chưa xác định được Thủ tướng. Trước mắt, cuộc bỏ phiếu thứ 2 được lên kế hoạch vào 19/7 tới, tuy nhiên các nhà quan sát không kỳ vọng sẽ có sự tiến triển lớn nào xảy ra với số phiếu bầu của ông Pita. Nguyên nhân là do Thượng viện vẫn là trở ngại lớn nhất đối với ông Pita, với hầu hết các thành viên lựa chọn bỏ phiếu trắng hoặc phản đối ông trong buổi bỏ phiếu ngày 13/7.

Một trong những thách thức đối với ông Pita nằm ở dự luật nhằm sửa đổi Điều 112 trong Bộ Luật hình sự Thái Lan liên quan tới tội khi quân. Đảng Move Forward cho rằng luật này bị lạm dụng vì mục đích chính trị và cần được sửa đổi trước khi nó trở thành một “quả bom nổ chậm” trong tương lai. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa bảo hoàng bao gồm các thành viên thượng viện coi bất kỳ nỗ lực thay đổi nào là một mối đe dọa đối với chính chế độ quân chủ.

Ngoài việc không được Thượng viện ủng hộ, ông Pita cũng đang gặp rắc rối với 2 cáo buộc vừa được tòa án hiến pháp chấp nhận ngày 12/7. Cụ thể, một cáo buộc cho rằng ông Pita đang sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông và do đó theo luật pháp Thái Lan không đủ điều kiện tham gia tranh cử.

Cáo buộc thứ hai yêu cầu tòa án xem xét liệu nỗ lực sửa đổi luật phỉ báng hoàng gia của đảng Move Forward có đồng nghĩa với việc cố gắng lật đổ chế độ dân chủ Thái Lan với nhà vua là nguyên thủ quốc gia hay không. Nếu tòa án đưa ra phán quyết của tòa án chống lại đảng Move Forward, điều này có thể dẫn đến việc giải thể đảng và gây ra tình trạng bất ổn chính trị hơn nữa.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bieu-tinh-tai-bangkok-ung-ho-ong-pita-limjaroenrat-post24207.html