Biểu tình ủng hộ ông Navalny: Pháp lên án Nga, đảng lớn nhất EP ủng hộ trừng phạt Tổng thống Putin

Ngày 24/1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, việc cảnh sát Nga bắt giữ hàng nghìn người biểu tình ủng hộ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny đã đe dọa nguyên tắc pháp quyền, đồng thời kêu gọi các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.

Pháp cho rằng, việc Nga bắt giữ hàng nghìn người biểu tình ủng hộ ông Navalny đã đe dọa nguyên tắc pháp quyền. (Nguồn: CDE News)

Pháp cho rằng, việc Nga bắt giữ hàng nghìn người biểu tình ủng hộ ông Navalny đã đe dọa nguyên tắc pháp quyền. (Nguồn: CDE News)

Phát biểu trên sóng phát thanh France Inter, Ngoại trưởng Le Drian nhấn mạnh: “Sự thành công của các cuộc biểu tình trên khắp lãnh thổ Nga là rất ấn tượng”.

Trước đó, cảnh sát Nga đã bắt giữ hơn 3.000 người tham gia cuộc biểu tình ủng hộ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny. Các cuộc biểu tình đã thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người. Moscow cho rằng, việc tham gia các cuộc biểu tình này là bất hợp pháp.

Cùng ngày, ông Manfred Weber, Chủ tịch nhóm nghị sĩ Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) - đảng lớn nhất tại Nghị viện châu Âu (EP) cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần phải trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng các biện pháp tài chính có mục tiêu liên quan vụ bắt giữ ông Navalny và hàng nghìn người ủng hộ nhân vật này.

Phát biểu với hãng truyền thông RND của Đức, ông Weber, đồng thời là Phó Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU), nhấn mạnh: "Alexei Navalny và những người biểu tình ôn hòa bị bắt hôm qua (23/1) phải được thả ngay lập tức. Việc giới lãnh đạo Nga tìm cách nhanh chóng dập tắt các cuộc biểu tình vừa bùng lên và bắt giữ hàng nghìn người biểu tình là điều không thể chấp nhận".

Theo ông Weber, các ngoại trưởng EU không thể lần nữa thoái thác và chỉ đưa ra những lời kêu gọi chung chung, không thể để giới lãnh đạo Nga thực hiện toan tính của họ. EU cần phải đánh vào nơi thực sự gây tổn hại cho hệ thống của ông Putin, đó là tiền bạc, nhấn mạnh, cần phải chặt đứt dòng tiền của những người ủng hộ ông Putin ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhà lập pháp này cho rằng, cần đưa khả năng ngừng dự án gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc 2 lên bàn đàm phán, đồng thời nêu rõ cách Moscow ứng phó với phe đối lập hiện nay là thước đo cho quan hệ tương lai giữa EU và Nga.

Các nghị sĩ EU trước đó đã ủng hộ nghị quyết kêu gọi khối này ngừng việc hoàn tất dự án để đáp trả vụ bắt giữ ông Navalny.

Về phía Chính phủ Đức, một người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel từ chối bình luận việc liệu Berlin có sẵn sàng ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga liên quan vụ việc trên hay không, nhưng cho biết, bà không thay đổi quan điểm về dự án này.

Trong khi đó, cũng trong ngày 24/1, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố, cách duy nhất để buộc Nga thay đổi chính sách mà không sử dụng vũ lực là áp đặt các biện pháp trừng phạt, do đó cần tăng cường trừng phạt Moscow nói chung và tập đoàn độc quyền khí đốt nước này Gazprom nói riêng.

Ông Duda cũng nhấn mạnh, các cuộc đàm phán về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga là "hoàn toàn hợp lý" khi mà Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny.

Mỹ và Anh cũng đã lên án hành động của Moscow với các cuộc biểu tình.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bieu-tinh-ung-ho-ong-navalny-phap-len-an-nga-dang-lon-nhat-ep-ung-ho-trung-phat-tong-thong-putin-134776.html