Biểu tượng của tình hữu nghị, tình anh em, sự đoàn kết và hỗ trợ

Từ ngày 25 đến 27-9-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Cuba. Chuyến thăm là sự tiếp nối biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, tình anh em và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cuba.

Tình bạn trong chiến đấu

Ngày 2-12-1960, Việt Nam và Cuba chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc nằm ở hai nửa Đông - Tây của địa cầu. Trải qua hơn nửa thế kỷ, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước không ngừng được vun đắp, củng cố, phát triển lên các tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước.

Trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ vô cùng quý báu về cả tinh thần lẫn vật chất. Cuba đã thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam, tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam sau này. Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban là nữ anh hùng Moncada, Melba Hernandez del Rey, góp phần khởi xướng, động viên, tập hợp lực lượng và tổ chức các tầng lớp nhân dân Cuba tham gia các hoạt động phong phú nhằm “chia lửa” chiến đấu với Việt Nam.

 Lãnh tụ Cuba Fidel Castro giương cao ngọn cờ truyền thống của Đoàn Khe Sanh Quân giải phóng Trị Thiên - Huế anh hùng trong chuyến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15-9-1973. Ảnh: TTXVN

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro giương cao ngọn cờ truyền thống của Đoàn Khe Sanh Quân giải phóng Trị Thiên - Huế anh hùng trong chuyến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15-9-1973. Ảnh: TTXVN

Cuba cũng đã phát động nhiều phong trào quần chúng rộng rãi ủng hộ Việt Nam thông qua các cuộc mít tinh, hội thảo, nói chuyện, thi tìm hiểu về Việt Nam; lập các tổ nghiên cứu chuyên đề về Việt Nam tại các trường đại học, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội... Đài Phát thanh Cuba thời kỳ đó dành riêng một kênh phát bằng tiếng Anh sang Mỹ để giới thiệu với nhân dân Mỹ về tình hình Việt Nam cũng như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, góp phần tranh thủ dư luận tiến bộ Mỹ để ủng hộ Việt Nam và yêu cầu chấm dứt chiến tranh.

Ngay từ buổi đầu cách mạng, mặc dù vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, song Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và có hiệu quả thông qua giáo dục, đào tạo nhân lực, viện trợ đường, thuốc men, phương tiện y tế, vật tư - một số thiết bị quân sự đặc chủng và 10 công trình xây dựng ở miền Bắc, nâng cấp đường Trường Sơn, khu vực Quảng trị - Thừa Thiên Huế, phục vụ vận chuyển vũ khí, khí tài nặng cho chiến trường miền Nam…

Hỗ trợ nhau xây dựng đất nước

Sau năm 1975, Cuba tiếp tục duy trì hợp tác giúp đỡ Việt Nam về khoa học - công nghệ; viện trợ xây dựng Nhà máy đường Tây Ninh, cung cấp các giống cây trồng và tham gia việc thẩm định nhiều công trình xây dựng, phát triển ở Việt Nam…

Sau chiến tranh giải phóng và bước vào công cuộc tái thiết đất nước, Việt Nam đã hợp tác giúp Cuba kinh nghiệm vượt qua phần nào những khó khăn về kinh tế, hợp tác giúp Cuba sản xuất lúa gạo và phát triển lương thực (Dự án lúa gạo hộ gia đình, Chương trình hợp tác phát triển sản xuất lương thực giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2018-2022)… Đồng thời, hết lòng trao đổi, chia sẻ với Cuba những kinh nghiệm về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Tình cảm đoàn kết và sự ủng hộ của Việt Nam đối với Cuba luôn được thể hiện nhất quán và mạnh mẽ thông qua phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như lập trường của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, công cuộc đổi mới ở Việt Nam và quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cuba đã tạo tiền đề, sự tương tác và bổ sung lẫn nhau trên cả bình diện lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuba đặc biệt coi trọng kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam, nhất là kinh nghiệm về xây dựng hệ thống chính trị, quản lý kinh tế vĩ mô, các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, quản lý và đổi mới doanh nghiệp nhà nước...

Các cơ chế hợp tác song phương, như Ủy ban liên Chính phủ, Hội thảo Lý luận giữa hai Đảng, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Đối thoại Quốc phòng giữa hai Bộ Quốc phòng... được duy trì thường xuyên và hoạt động ngày càng hiệu quả. Việt Nam và Cuba nhất trí thường xuyên phối hợp, duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc; trong khuôn khổ Phong trào Không liên kết, Cuộc gặp quốc tế của các đảng cộng sản và công nhân, các diễn đàn đa phương chính đảng cũng như các diễn đàn chính trị - xã hội khác. Việt Nam nhất quán lập trường ủng hộ Cuba, yêu cầu Mỹ dỡ bỏ chính sách bao vây - cấm vận đối với Cuba.

Quan hệ chính trị tốt đẹp là cơ sở vững chắc để hai Đảng, hai Chính phủ và hai Nhà nước quan tâm phát triển quan hệ kinh tế - thương mại thông qua các chương trình, dự án hợp tác và đầu tư. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023 xuất khẩu Việt Nam sang Cuba đạt 155,5 triệu USD. Riêng 8 tháng năm 2024, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 134,7 triệu USD, tăng 187% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 133,36 triệu USD, tăng 184,3% và nhập khẩu 1,33 triệu USD từ Cuba. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cuba chủ yếu là gạo, cà phê, sản phẩm hóa chất, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng...

Hai bên đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 500 triệu USD vào năm 2025. Tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Việt Nam có nhiều thế mạnh trong các ngành nông nghiệp (lúa gạo, cà phê, thủy sản...), viễn thông, điện tử, tin học, điện gia dụng, hàng tiêu dùng, xây dựng và vật liệu xây dựng. Ngược lại, Cuba có thế mạnh lớn trong giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ sinh học, dược phẩm và du lịch.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bieu-tuong-cua-tinh-huu-nghi-tinh-anh-em-su-doan-ket-va-ho-tro-post760366.html