Thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025

Khảo sát 2 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), Thủ tướng yêu cầu thần tốc hoàn thành 2 dự án trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau.

Di chuyển Cao Bằng - Hà Nội chỉ còn 3,5 giờ

Ngày 14/11, khảo sát 2 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành ngay trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau.

Các dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), thực hiện bởi liên danh các nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.

Trong đó, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 được đầu tư hơn 93 km, tổng mức đầu tư 14.114 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chiếm hơn 69%. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp gần 28 km còn lại.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt 93,6%, trong đó đoạn qua tỉnh Cao Bằng đạt 99%, đoạn qua tỉnh Lạng Sơn đạt 90%. Hai tỉnh đồng lòng phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ bàn giao 100% mặt bằng của dự án.

 Thủ tướng đi khảo sát thực địa 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng đi khảo sát thực địa 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Dự án khởi công ngày 1/1, dự kiến tổng sản lượng trong năm 2024 đạt 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng, làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025 để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2026.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.

Còn dự án Hữu Nghị - Chi Lăng dài 60 km, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp 5.529 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024-2026.

 Các tuyến cao tốc kết nối tại Lạng Sơn. Ảnh:VGP.

Các tuyến cao tốc kết nối tại Lạng Sơn. Ảnh:VGP.

Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị - Cốc Nam - Tân Thanh (Lạng Sơn) đến các trung tâm kinh tế Hà Nội - Bắc Giang - Bắc Ninh, kết nối ra các cảng biển tại khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh.

Dự án sẽ góp phần tăng cường thông thương trong nước và quốc tế, cùng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đồng bộ toàn mạng lưới cao tốc phía bắc, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác chung.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thống nhất với phương án đầu tư giai đoạn 2 dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư, nhà đầu tư thu xếp 30% còn lại (tương tự giai đoạn 1).

Thủ tướng cũng nhất trí triển khai ngay giai đoạn 2 dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong năm 2026 theo hình thức PPP với 4 làn hoàn chỉnh.

"Phải đột phá về hạ tầng mới có thể tăng trưởng kinh tế 2 con số"

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 2 dự án cao tốc dài hơn 150 km rất quan trọng để kết nối hai tỉnh, kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô với miền núi phía Bắc.

Đặc biệt, nối tuyến cao tốc từ Cao Bằng - Lạng Sơn tới Hà Nội, thông tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam tới tận mũi Cà Mau, góp phần thực hiện mục tiêu tới năm 2025, cả nước có ít nhất 3.000 km cao tốc và năm 2030 có 5.000 km cao tốc; đồng thời kết nối quốc tế với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới rất rộng lớn.

Cho ý kiến giải quyết các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hoàn thành 2 dự án trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, đời sống người dân và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

"Phải đột phá về hạ tầng thì mới có thể tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm, mới hoàn thành được 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra", Thủ tướng nói.

 Thủ tướng kiểm tra tại hầm số 2 thuộc Km 71 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng kiểm tra tại hầm số 2 thuộc Km 71 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về nguồn vốn tín dụng cho 2 dự án, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tích cực tham gia 2 dự án với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo Bộ Tài chính, NHNN, Bộ giao thông vận tải làm việc với 2 ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan trong tháng 11 để giải quyết các vấn đề liên quan, triển khai các công việc.

Theo Thủ tướng, làm ăn có lúc lỗ, có lúc lãi, vấn đề là hiệu quả tổng thể và cũng có lúc phải hy sinh vì sự phát triển đất nước, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc.

Tại cuộc làm việc, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn, Tập đoàn Viettel đã báo cáo về triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh giữa Lạng Sơn với Quảng Tây (Trung Quốc). Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết trong chiều 14/11, Lạng Sơn và Quảng Tây ký kết thỏa thuận về quy chế phối hợp vận hành cửa khẩu thông minh.

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng báo cáo về đẩy mạnh kết nối lưới điện giữa Việt Nam và Trung Quốc; công tác di dời hạ tầng điện để thi công 2 dự án cao tốc.

Thủ tướng yêu cầu Lạng Sơn đi đầu trong triển khai cửa khẩu thông minh và sau đó tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác; lãnh đạo các địa phương tích cực trao đổi với phía Trung Quốc để triển khai theo thỏa thuận đã đạt được của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Quỳnh An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thong-tuyen-cao-toc-tu-cao-bang-toi-ca-mau-trong-nam-2025-post180106.html