Biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Tháng 5/1954, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội khắp năm châu, chấn động địa cầu, góp phần kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đóng góp vào đó, có một phần công sức của lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại ngã ba Cò Nòi, nơi được xem là 'cửa ngõ và tọa độ lửa' để vào chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nơi từng được coi là "Tọa độ lửa" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, với sự chuyển dịch địa bàn tác chiến chiến lược giữa quân ta và quân Pháp, Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến, chiến lược, nơi phân định thắng hay bại trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và thực dân Pháp xâm lược.
Về phía ta, đầu tháng 12/1953, quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng là mở Chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xét trên nhiều phương diện cả cường độ lẫn quy mô lực lượng tham gia. Công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến, chiến lược này được gấp rút triển khai thực hiện.
Thời điểm cả nước vừa trải qua những hoạt động trọng đại kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 71 năm giải phóng Điện Biên Phủ, chúng tôi vinh dự được trò chuyện cùng những người lính Điện Biên năm xưa, những người đã kiên cường, anh dũng làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể, 96 tuổi, bản Xi Măng, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, là một trong những nhân chứng sống trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hồi ức lại: Một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra đối với quân và dân Việt Nam, đó là công tác bảo đảm hậu cần cho một khối binh lực lớn tác chiến dài ngày tại chiến trường rừng núi Điện Biên Phủ xa hậu phương từ 500 km đến 700 km trong những điều kiện thời tiết, địa hình, phương tiện vận chuyển thô sơ lạc hậu và chiến tranh vô cùng khốc liệt là điều không hề đơn giản.
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, ra sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến Điện Biên Phủ. Quyết tâm của Trung ương Đảng là toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng.
Ngày đó, trên khắp các nẻo đường ra trận, ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trở thành điểm nút, trọng điểm đánh phá khốc liệt nhất của không quân Pháp. Mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm của quân và dân Việt Nam từ phía Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên chiến trường Điện Biên Phủ đều phải qua ngã ba Cò Nòi.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi đã trở thành một trọng điểm trên một địa bàn trọng điểm của tỉnh Sơn La, cửa ngõ tiến quân vào Tây Bắc của quân và dân ta, tuyến huyết mạch nối Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ.
Đồng thời, nơi đây cũng trở thành một trong những trọng điểm đánh phá quyết liệt của không quân Pháp, hòng ngăn chặn và cắt đứt con đường vận chuyển, mạch sống của chiến trường Điện Biên Phủ, đè bẹp ý chí và quyết tâm kháng chiến của quân và dân Việt Nam.
Chính bởi những lẽ đó, ngã ba Cò Nòi được xem là một trong những thử thách đầu tiên, khốc liệt và khắc nghiệt đối với quân và dân Việt Nam trước, trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, một trong những nơi ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng bất diệt, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất, đoàn kết một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do của cả dân tộc.
Với toan tính “dạy cho Việt Nam một bài học”, sẵn sàng “nghiền nát” bộ đội chủ lực của Việt Nam nếu dám cả gan tiến đánh Điện Biên Phủ, bộ thống soái quân đội viễn chinh Pháp quyết tâm xây dựng, biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương cho đến thời điểm lúc bấy giờ.
Từ những toan tính đó, thực dân Pháp không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào hòng giành bằng được thắng lợi trong cuộc chiến tranh. Ngay từ khi mới bắt đầu cho đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh không chỉ dừng ở phạm vi chiến trận đối mặt trực diện giữa lực lượng tác chiến hai bên, mà trên mỗi cung đường ra trận, tại mỗi nút giao thông trọng điểm duy trì sự sống còn của chiến trường Điện Biên Phủ cũng trở nên vô cùng ác liệt, gặp phải nhiều tổn thất hy sinh.
Cựu chiến binh Lê Công Bỉnh, sinh ngày 15/1/1930, Tiểu khu 32, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, dù đã chân yếu, mắt mờ, nhưng vẫn hào hứng khi hồi ức lại: Quân đội thực dân Pháp không từ âm mưu, thủ đoạn đánh phá tàn bạo nào. Chúng sử dụng các loại máy bay ném bom ngày đêm thả các loại bom xuống các tuyến đường, nút trọng điểm giao thông hòng ngăn chặn bước tiến công của quân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ; hòng chặn, cắt, phá đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược từ hậu phương đồng bằng Bắc Bộ lên chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng đã tập trung một khối lượng lớn các binh hỏa lực bao vây, phong tỏa, chia cắt bộ đội chủ lực của Việt Nam với hậu phương, phá vỡ các cơ sở cách mạng, làm tê liệt hoàn toàn các tuyến đường huyết mạch về Điện Biên Phủ, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Nhưng với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân ta vẫn bám trụ được dưới “tọa độ lửa” ngã ba Cò Nòi, để góp sức cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Thời điểm những năm tháng hào hùng đó, với tinh thần cả nước sục sôi chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ chiến đấu, chiến thắng quân thù, Tổng đội thanh niên xung phong Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho lực lượng thanh niên xung phong trực tiếp ngày đêm bám trụ, phục vụ tuyến đường từ Yên Bái đến ngã ba Cò Nòi lên Điện Biên Phủ.
Lực lượng thanh niên xung phong đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác rà phá bom mìn, ngụy trang, dẫn đường, tải thương, làm lán trại, kho trạm, vận chuyển các loại vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm..., bảo đảm cho mạch máu giao thông luôn thông suốt, tiếp tế đầy đủ và kịp thời cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Cựu thanh niên xung phong Vũ Thị Thái, tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, năm nay đã 88 tuổi, nhớ lại: Suốt những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, các con đường dẫn tới ngã ba Cò Nòi đã bị biến dạng, nham nhở bởi những hố bom không quân Pháp gây ra. Kể cả những đồi núi chung quanh cũng chỉ còn là một mầu đất đỏ. Các lực lượng dân công hỏa tuyến, công binh, thanh niên xung phong liên tục san đất, sửa đường cho xe qua. Công việc của thanh niên xung phong và dân công, công binh luôn bị đứt quãng vì máy bay của không quân Pháp tới ném bom đánh phá, thả pháo sáng.
Ngã ba Cò Nòi hiện hữu sừng sững như một cửa ải đầy khó khăn mà tất cả những người ra trận đều phải vượt qua. Người tiếp người nối nhau ra mặt trận, không khí vẫn hừng hực khí thế. Những đoàn dân công Việt Bắc, Tây Bắc, Khu 3, Khu 4 đều gặp nhau ở ngã ba Cò Nòi. Bộ binh, pháo binh, công binh, vận tải, văn công..., đơn vị này nối tiếp đơn vị kia. Các chiến sĩ mặc áo bông mới dài tay, súng đạn, ba-lô, bao gạo đầy ắp trên người, đi hàng một nối nhau bước gấp ra tiền tuyến Điện Biên Phủ.
Suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, giao thông tại ngã ba Cò Nòi chưa bao giờ bị ngưng trệ kể cả vào thời điểm bị không quân Pháp đánh phá ác liệt nhất. Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp cũng phải thừa nhận, “Không quân Pháp cố gắng ngăn chặn tuyến vận chuyển chính của đối phương bằng cách đánh phá giao thông và các đoàn xe vận tải. Nhưng vô hiệu. Phá đến đâu, họ liền sửa đến đó… và hiếm có một điểm phá nào có thể làm gián đoạn giao thông của họ quá 24 giờ. Hơn nữa, trong khi vừa sửa, họ vẫn tiếp tục vận chuyển bằng cách tăng bo hoặc vòng tránh qua”.
Tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các lực lượng chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải tại ngã ba Cò Nòi nói riêng và của quân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung đã mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Ngã ba Cò Nòi, giờ đây đã trở thành một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi viết lên trang hùng tráng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, của mảnh đất Tây Bắc kiên cường, thủy chung son sắt và của Sơn La bất khuất. Cuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu của các lực lượng tại ngã ba Cò Nòi suốt hơn 50 ngày đêm năm xưa không chỉ là cuộc đấu trí, đấu lực giữa một bộ phận thanh niên xung phong với quân Pháp, mà còn là cuộc đấu trí, một thử thách ác liệt của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc trường kỳ, vĩ đại.
Chiến thắng này cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu trong xây dựng và rèn luyện ý chí chiến đấu, giữ vững tư tưởng cách mạng tiến công; nêu cao ý thức tự lực, tự cường; kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo; về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và luôn luôn biết phát huy, kết hợp chặt chẽ sức mạnh đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn diện bảo đảm vững chắc cho sự nghiệp kháng chiến giành được thắng lợi hoàn toàn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bieu-tuong-cua-tinh-than-dai-doan-ket-dan-toc-post876668.html