Biểu tượng hổ trong tâm thức dân gian

Có lẽ, ít con vật nào lại được gọi bằng ông như con Hổ. Trong hàng 'thập nhị chi' có 12 con giáp, mấy ai gọi… Tý là ông chuột, Dậu là ông gà… bao giờ đâu? Nhưng duy nhất con Hổ được người Việt trân trọng gọi là ông Hổ, với nhiều danh xưng như: ông Ba Mươi, ông Cọp, ông Năm Dinh, ông Kễnh, ông Khái...

Hổ được trang trí trên bình phong của đình trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Trịnh Sinh

Hổ được trang trí trên bình phong của đình trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Trịnh Sinh

Vậy, vì sao Hổ lại được người Việt tôn sùng như vậy? Vì Hổ tượng trưng cho sức mạnh vô địch, là “Chúa sơn lâm”, người xưa hay thêu hình Hổ vào bộ phẩm phục của quan võ là vậy. Có khi đúc một khuôn mặt của Hổ gọi là “Hổ phù” để treo trên đồ đồng, khắc trên cánh cổng của lăng mộ để dọa cả ma lẫn người nào muốn xâm phạm.

Hổ oai như vậy cũng là do người ta sợ bị... Hổ vồ. Có nhiều câu tục ngữ như “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” truyền lại rằng, vùng miền duyên hải Trung bộ có nhiều con Hổ thành tinh, chuyên rình bắt người. Chuyện còn kể lại: có con Cọp ba móng hoành hành dọc hữu ngạn sông Đồng Nai đã vồ chết và ăn thịt 128 người.

Có lẽ, vì sợ Hổ ăn thịt, nên người Việt có tục... hiến tế người. Trong tác phẩm “Vũ Trung tùy bút”, Nguyễn Đình Hổ còn miêu tả “khi xưa truyền rằng vẫn thờ Yêu Hổ, phải bắt người làm vật hy sinh để cúng. Từ năm Canh Thân (1800) trở về sau, thói ấy mới bỏ, nhưng hành khách đi qua làng ấy vẫn còn khiếp sợ”. Cái tục hiến tế người có mặt từ thời văn hóa Đông Sơn với những hình khắc người hóa trang đội mũ lông chim đang chĩa ngọn giáo vào người bị trói tay trên con thuyền được khắc trên trống đồng, nhưng dần dà, người xưa đã thay bằng hiến tế trâu, lợn. Những cuộc hiến tế người chỉ còn là tàn dư.

Thời tiền sử, người Việt vẫn có tập tục săn được Hổ thì lấy răng nanh Hổ đeo vào cổ để trừ tà ma. Hổ còn được tạo hình thành cặp đôi đang ngậm chân voi trên cán một con dao găm đồng với phong cách nghệ thuật cao và trí tưởng tượng phong phú của người xưa.

Tranh Hổ dùng để đốt, cúng cho người cõi âm. Ảnh: Trịnh Sinh

Tranh Hổ dùng để đốt, cúng cho người cõi âm. Ảnh: Trịnh Sinh

Thời Lý còn lưu hành câu chuyện về Thái sư Lê Văn Thịnh hóa Hổ để định hại vua ở Hồ Tây, phản ánh cuộc đấu quyền lực trong triều đình bấy giờ, cũng mượn... hình tượng Hổ để thanh toán đại thần. May mà sau đó, Lê Văn Thịnh không bị giết mà chỉ bị đày lên Thao Giang.

Hổ tượng trưng cho sức mạnh. Người Việt vừa sợ, nhưng lại vừa tìm cách săn Hổ để trừ hại cho dân làng. Lại còn có khi lấy xương Hổ để nấu cao, răng Hổ làm bùa, nhất là lấy tấm da Hổ để treo sau chỗ ngồi của các tướng lĩnh. Vì thế mới có tác phẩm “Hổ trướng khu cơ” (Ngồi dưới bức trướng da Hổ mà bàn việc quân cơ) của Đào Duy Từ. Nhiều cuộc săn Hổ dưới thời Nguyễn đã xảy ra đến nỗi vua Gia Long phải ra lệnh cấm giết Hổ.

Đôi khi, người Việt đã in ra một loạt tranh Hổ để... đốt. Đó là các tranh Hổ trong dòng tranh đồ thế, tranh làng Sình. Đấy là một loại “vàng mã”, đốt cho người quá cố để lấy may, có được thần Hổ theo xuống cõi âm để phù hộ.

Biểu tượng Hổ còn in đậm dấu ấn tâm linh trong thuật phong thủy. Khi chọn đất xây nhà, xây lăng mộ hay thậm chí xây Kinh đô, người xưa cũng phải xem thế đất. Vua Lý Thái Tổ chọn Hà Nội làm Kinh đô cũng vì nơi đây “được thế rồng cuộn, hổ ngồi” (Chiếu dời đô). Nhà Nguyễn từ khi vượt Hoành Sơn vào Nam lập nghiệp, sau 8 lần mới chọn được Huế làm kinh thành vì nơi này hợp với phong thủy “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” (bên trái là Rồng xanh, bên phải là Hổ trắng). Theo đó, biểu tượng cho thế đất này là Cồn Hến (Tả Thanh Long) và Cồn Dã Viên (Hữu Bạch Hổ). Đằng sau có núi Ngự Bình, đằng trước có dòng sông Hương che chắn.

Hổ là thần bảo vệ cho cuộc sống muôn dân. Vì thế, Hổ hay được đắp nổi trên các bức bình phong trước cửa đình, nhất là ở vùng ven biển miền Trung.

Trong tranh dân gian Hàng Trống, có bức tranh “Ngũ Hổ” phản ánh nhiều mặt của tâm thức người Việt.

Tranh miêu tả 5 ông Hổ. Mỗi ông được mô tả một màu sắc khác nhau tượng trưng cho ngũ phương. Chính giữa (trấn giữ trung tâm, còn gọi là Địa khu) là Hổ màu vàng (Hoàng Hổ). Góc dưới bên phải (Mộc khu), tượng trưng cho việc trấn giữ phương Đông là hổ màu xanh (Thanh Hổ). Góc trên bên trái (Kim khu), tượng trưng cho việc trấn giữ phương Tây, là Hổ màu trắng (Bạch Hổ). Góc dưới bên trái (Hỏa khu), tượng trưng cho việc trấn giữ phương Nam, là Hổ màu đỏ (Xích Hổ). Góc trên bên phải (Thủy khu), tượng trưng cho việc trấn giữ phương Bắc, là Hổ màu đen (Hắc Hổ).

“Ngũ Hổ”, tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Trịnh Sinh

“Ngũ Hổ”, tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Trịnh Sinh

Tranh “Ngũ Hổ” được vẽ theo nguyên lý ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ phương (trung tâm, Đông, Tây, Nam, Bắc), ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh). Qua tranh, người xem đã cảm nhận đây như là một vũ trụ thu nhỏ: phía trên đầu 5 Ông Hổ là chòm sao Bắc Đẩu (Đại Hùng tinh) in trên nền trời xanh có mây ngũ sắc vần vũ. Hai Hổ màu đen và trắng cũng đang cưỡi mây. Đó là thế giới của bầu trời. Hai Hổ ở dưới màu xanh và đỏ đang cưỡi dãy núi nhấp nhô. Đó là thế giới của mặt đất. Hổ màu vàng ở giữa có kích thước to hơn cả. Có hương án bày trước mặt, bên phải Hổ có cắm một hàng kiếm, bên trái được treo những lá cờ ngũ sắc.

Người Việt thường treo tranh Hổ để thờ trong nhà hay trong điện Mẫu với ý nghĩa trừ tà, cũng như trong các điện Mẫu, Hổ thường được trang trí cùng với Thanh Xà (rắn xanh), Bạch Xà (rắn trắng) với ý nghĩa là các con thú quý được các Mẫu cho theo hầu.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bieu-tuong-ho-trong-tam-thuc-dan-gian-post447417.html