Biểu tượng niềm tin son sắt của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ

Cái gì từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Lòng dân đối với Quân đội trước sau như một, thủy chung son sắt. Suốt 80 năm qua, tự nguyện là người đồng hành, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với dân, để 'đi dân nhớ, ở dân thương' - đó là phương châm xử thế, tinh thần hành động để truyền thống 'vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh' trở thành một trong những giá trị xuyên suốt, bất biến của Bộ đội Cụ Hồ.

1. Có những hình ảnh đồng bào ta dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam sẽ khó phai mờ theo năm tháng và trở thành một phần ký ức của lịch sử.

Mới đây, vào sáng chủ nhật 22-9-2024, trên các tuyến đường ở trung tâm TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), hàng trăm người dân đứng hai bên đường, cầm cờ Tổ quốc, vẫy tay lưu luyến chào tạm biệt cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân khu 2 sau nửa tháng tận tình, tận lực giúp đỡ bà con địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong số nhiều hình ảnh người dân Yên Bái xúc động nghẹn ngào chia tay khi các đoàn xe chở bộ đội đi qua đường phố được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, bức ảnh chụp một cô gái cầm bông hoa hồng giơ lên cao hướng về phía các chiến sĩ trẻ trên ô tô khiến nhiều người xúc động. Khoảnh khắc các chiến sĩ tươi cười rạng rỡ, ánh mắt bịn rịn của người dân và tay cô gái cầm bông hồng trao tặng người lính trẻ như làm bừng sáng không gian cả TP Yên Bái vừa trải qua cơn lũ lụt lịch sử.

Trước đó, một hình ảnh thắm tình quân dân cũng được ghi lại trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Sau khi tổ chức xong lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại sân vận động TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên vào sáng 7-5-2024, đông đảo người dân địa phương đã đến gần cửa xe ô tô trò chuyện vui vẻ, bắt tay thân mật và vẫy chào lưu luyến cán bộ, chiến sĩ Quân đội trước khi về xuôi. Trong đó có hình ảnh Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa lên xe chuẩn bị khởi hành, nhiều người dân đã đến tận cửa xe ô tô để bắt tay, vẫy chào nồng nhiệt vị chỉ huy cao nhất của QĐND Việt Nam. Đáp lại thịnh tình của bà con, ngồi trong xe, Đại tướng Phan Văn Giang chủ động hạ cửa kính, nở nụ cười thân thiện, nắm chặt tay rồi vẫy chào bà con trong tình cảm thân thương, trìu mến.

2. Cách đây hơn 30 năm, cuối tháng 4-1994, trước dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1994), hàng nghìn người dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng vây quanh tíu tít, niềm nở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông trở lại thăm rừng Mường Phăng-nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Hình ảnh vị Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội trong bộ quân phục quen thuộc, đầu đội mũ kê pi, giơ tay chào theo phong cách "nhà binh" và miệng nở nụ cười tươi tắn trong tiếng vỗ tay hân hoan của bà con các dân tộc địa phương trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất của vị Đại tướng Tổng tư lệnh sống giữa lòng dân.

 Đông đảo người dân địa phương nồng nhiệt chào đón lực lượng diễu binh của Quân đội ta trên các tuyến phố trung tâm của TP Điện Biên Phủ, ngày 7-5-2024. Ảnh: TUẤN HUY

Đông đảo người dân địa phương nồng nhiệt chào đón lực lượng diễu binh của Quân đội ta trên các tuyến phố trung tâm của TP Điện Biên Phủ, ngày 7-5-2024. Ảnh: TUẤN HUY

Không ngẫu nhiên mà đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã dành cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp một tình cảm tự nhiên, sôi nổi, chân thành, ấm áp như vậy. Bởi người Việt Nam ta đều hiểu rằng, để làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, những người lính chân trần chí thép Điện Biên đã “năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng, chí không mòn!” (thơ Tố Hữu), tự nguyện lấy thân làm giá súng, lấy thân chèn pháo, lấy thân lấp lỗ châu mai... Tinh thần chiến đấu bất khuất, quật cường, mưu trí, gan dạ, dũng cảm vô song và sự dấn thân, hy sinh vô cùng lớn lao của những chiến sĩ Điện Biên đã trở thành biểu tượng bất tử trong lòng dân Việt Nam. Vì thế, được gặp lại vị Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bên cánh rừng Mường Phăng là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người dân Mường Phăng nói riêng, người dân Điện Biên nói chung, bởi ông chính là linh hồn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, là đại diện tiêu biểu của đội ngũ chiến sĩ Điện Biên anh hùng.

Bảy mươi năm sau, trên mảnh đất “máu và hoa” Điện Biên, khi giai điệu khúc khải hoàn chiến thắng “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui, bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa, dọc đường chiến thắng ta tiến về, đoàn dân công tiền tuyến vẫy chào pháo binh vượt qua...”, giữa khí thế điệp điệp trùng trùng của các khối diễu binh trên nhiều tuyến phố trung tâm của TP Điện Biên Phủ, đông đảo tầng lớp nhân dân thêm một lần chứng kiến sức mạnh oai hùng của một đội quân chiến đấu “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân quên mình”. Như một tình cảm tự nhiên, từ hào quang lẫy lừng “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, hình ảnh Chiến sĩ Điện Biên năm xưa như sống lại trong lòng dân, vì thế bà con dành tình cảm đặc biệt cho những người lính Cụ Hồ cũng là lẽ thường tình. Quá khứ và hiện tại như đan xen, hóa thân vào nhau để tạo nên những hình ảnh rất đẹp về tình quân dân gắn bó thân thiết-quân sống giữa lòng dân, dân hồ hởi vui sướng khi đứng bên quân, cả quân và dân cùng chung một ý chí, một niềm tin về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng và tiền đồ tươi sáng của đất nước.

3. Trong những thời khắc đặc biệt, những mốc son chiến thắng, những bước ngoặt của lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ 20 đều in đậm hình ảnh người dân Việt Nam dành cho bộ đội ta những tình cảm thắm thiết, ân tình, trìu mến.

Cách đây 70 năm, ngày 10-10-1954, hàng vạn người dân Thủ đô đứng hai bên đường phố, ánh mắt tràn đầy niềm tin, miệng cười rạng rỡ, tay cầm cờ hoa đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Không gian phố phường Hà Nội càng thêm tưng bừng, tươi vui bởi “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh”-như lời hành khúc “Tiến về Hà Nội” (nhạc sĩ Văn Cao) ngân vang bất tận.

Cũng cách nay gần nửa thế kỷ, sau Chiến thắng 30-4-1975, đông đảo người dân Sài Gòn tay cầm cờ, cầm hoa, cầm ảnh Bác Hồ đứng hai bên đường cùng reo vui chào đón các đoàn xe tăng, xe thiết giáp của bộ đội Quân giải phóng diễu hành trên đường phố trong tiếng nhạc hoan ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công” (nhạc sĩ Phạm Tuyên).

Những hình ảnh bà con nồng nhiệt vẫy tay chào đón đoàn quân chiến thắng trở về hay ánh mắt lưu luyến tiễn chào tạm biệt bộ đội ta sau mỗi đợt hành quân giúp dân không chỉ thể hiện niềm tin son sắt của đồng bào dành cho Bộ đội Cụ Hồ, mà còn thể hiện tình nghĩa vẹn tròn, trước sau như một của các tầng lớp nhân dân dành cho QĐND Việt Nam anh hùng.

Cái gì từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Lòng dân đối với Quân đội luôn thủy chung son sắt. Bởi dù trong thời chiến hay thời bình, dù bất cứ hoàn cảnh nào bộ đội ta cũng không bao giờ làm nhạt phai phẩm chất người con trung hiếu của nhân dân, mà ngược lại luôn nuôi dưỡng, bồi đắp để tinh thần trung hiếu ngày càng tỏa sáng trong lòng dân. Suốt 80 năm qua, dù bộ đội ta ở đâu, làm gì cũng một lòng một dạ phục vụ dân, trọng dân, yêu dân, kính dân, coi người dân như người thân thích của mình. Tự nguyện là người đồng hành, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với dân, để “đi dân nhớ, ở dân thương”-đó là phương châm xử thế, tinh thần hành động để truyền thống “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” trở thành một trong những giá trị xuyên suốt, bất biến của Bộ đội Cụ Hồ.

Tự hào được nhân dân dành cho tình cảm lớn lao, niềm tin son sắt, trách nhiệm và bổn phận của mỗi cán bộ, chiến sĩ hiện nay là phải ra sức giữ gìn, bồi đắp để không ngừng làm cho tình cảm quân dân lớn lên theo năm tháng. Bởi như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nói: “Lòng dân là quốc bảo”. Giữ được lòng dân là việc làm thiết thực, biện pháp căn cơ để “giữ nước từ lúc nước chưa nguy” và cũng là giải pháp chiến lược để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bởi suy cho cùng, giữ được lòng dân là giữ được linh hồn của sơn hà xã tắc, vận mệnh quốc gia và bảo toàn trọn vẹn chủ quyền, non sông gấm vóc Việt Nam.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-xung-dang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/bieu-tuong-niem-tin-son-sat-cua-nhan-dan-danh-cho-bo-doi-cu-ho-796044